- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Nhận lời mời của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (Sở VH – TT - DL), ngày 13.12 vừa qua, đoàn cán bộ Trung tâm đã tham dự Hội thảo “Chữ Mông Việt Nam: thực trạng sử dụng, phổ biến và vai trò trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Hội thảo do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) kết hợp với Sở VH – TT - DL Lào Cai tổ chức nhằm xác định vai trò và đề ra biện pháp bảo tồn văn hóa, chữ viết của người Mông trong giai đoạn hiện nay.
Hội thảo quy tụ sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, trí thức người Mông từ các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Bắc Kạn, Thái Nguyên và đặc biệt là người dân dân tộc Mông tại thôn Giàng Tra - Tả Phìn - Sapa - Lào Cai. Về phía Trung tâm Nghiên cứu – Đào tạo Ngôn ngữ và Văn hóa các DTTS vùng núi phía Bắc, TS. Phạm Thị Phương Thái – Giám đốc Trung tâm cùng các cộng sự tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, TS. Phạm Thị Phương Thái đã trình bày tham luận “Góp bàn về cách thức đào tạo tiếng Mông cho cán bộ vùng núi phía Bắc từ một vài thử nghiệm”. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đối với cán bộ, công chức công tác tại địa bàn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mông, Trung tâm đã thực hiện việc đào tạo tiếng Mông cho đối tượng chưa biết tiếng Mông có nhu cầu học tiếng Mông và người Mông chưa biết chữ Mông. Tham luận đã chia sẻ quy trình và cách thức đào tạo ngôn ngữ này thông qua thực tế: từ cơ sở pháp lý đến những căn cứ khoa học lựa chọn sử dụng chữ Mông Quốc tế (dùng chữ Latin để ghi âm tiếng Mông Trắng), từ mục tiêu, nguyên tắc, cách thức biên soạn giáo trình đến nội dung chương trình, phương châm đào tạo và phương pháp giảng dạy trong mỗi bài học cụ thể. Việc thử nghiệm sách “Học tiếng Mông” do Trung tâm kết hợp cùng tác giả Lầu Văn Chinh tổ chức biên soạn đã góp phần khẳng định tính ưu việt và khả dụng cao của chữ Mông quốc tế.
Cùng với tham luận của TS. Phạm Thị Phương Thái, các tham luận của TS. Nguyễn Kiến Thọ (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) với ông Lầu Văn Chinh (Công an tỉnh Thái Nguyên), ThS. Phạm Thanh Trà (iSEE) và các ý kiến tập trung thảo luận sôi nổi chủ đề “đi tìm chữ Mông” với sự băn khoăn trước thực trạng vì sao chữ Mông Việt Nam hiện nay không được sử dụng phổ biến? Và nên dạy chữ Mông Việt Nam hay chữ Mông Quốc tế? Các nhà khoa học, quản lý, trí thức dân tộc Mông và đại diện đồng bào dân tộc Mông đã đề cập và bước đầu đưa ra những kiến giải về thực trạng phổ biến là chữ Mông Việt Nam rơi vào quên lãng, thậm chí trở nên xa lạ đối với đồng bào dân tộc Mông ở nhiều địa phương. Trong khi đó, chữ Mông Quốc tế lại đến với người dân ở độ tuổi trung niên và nhất là thanh thiếu niên một cách tự nhiên và tương đối dễ dàng qua nhiều kênh giao tiếp, phương tiện thông tin đại chúng.
Dựa trên ý kiến phân tích, kiến giải của nhiều nhà khoa học, quản lý, trí thức người Mông và đặc biệt và nhu cầu của đại diện đồng bào Mông đến từ thôn Giàng Tra - Tả Phìn - Sapa - Lào Cai, Hội thảo đi đến thống nhất quan điểm sử dụng tiếng Mông Quốc tế bởi sự giản tiện và linh hoạt của nó. Từ khi có Chỉ thị của Chính phủ về việc đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi, việc dạy và học tiếng Mông đã được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, Bắc Kạn và Thái Nguyên là hai địa phương đã mạnh dạn thí điểm thành công. Bế mạc Hội thảo, TS. Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VH – TT – DL tỉnh Lào Cai cho biết, trong thời gian tới Sở sớm có kiến nghị với cơ quan chức năng đề nghị đưa tiếng Mông Quốc tế chính thức vào giảng dạy và phổ biến ở Việt Nam.
Hội thảo là một hoạt động hữu ích đối với Trung tâm đang trong quá trình đào tạo tiếng Mông cho cán bộ vùng núi trong giai đoạn hiện tại. Đồng thời, mở ra nhiều gợi ý trong chương trình đào tạo dài hạn, kết hợp lồng ghép mô hình đào tạo và nghiên cứu về người Mông trên các phương diện từ văn tự đến văn hóa./
Một số hình ảnh tại Hội thảo: