- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Nằm trong kế hoạch đào tạo của ngành Địa lý, từ ngày 17/11/2014 đến 23/11/2014, đoàn cán bộ giảng viên và 46 sinh viên (SV) lớp CN Địa lý K10- khoa Khoa học Môi trường và Trái đất đã đến Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể học tập thực tế với nội dung “Thực địa địa lý tự nhiên tổng hợp và trắc địa”. Đây là một hoạt động đào tạo thường niên của khoa với mục đích giúp SV gắn kết giữa kiến thức lý thuyết trên lớp với kiến thức thực tiễn. Mục đích của chuyến học tập thực tế nhằm củng cố kiến thức về các học phần đã được học trên lớp (bao gồm các môn học: Các Khoa học Trái Đất; Trắc địa, Địa chất đại cương; Địa mạo đại cương, Khí hậu học đại cương, Thủy văn đại cương, Thổ nhưỡng đại cương, Địa sinh vật đại cương) và bổ sung thêm kiến thức ngoại khóa, các kỹ năng mềm cho SV.
Trong thời gian 7 ngày tại Ba Bể, các giảng viên đã hướng dẫn SV học tập dưới nhiều hình thức như nghe báo cáo, trao đổi cùng cán bộ VQG, cùng chuyên gia lâm nghiệp và với các trưởng bản (bản Bó Lù, Pắc Ngòi), nơi sinh viên thực địa. Đồng thời, các em cũng được trực tiếp nghiên cứu, khảo sát, điều tra, thực hành đo vẽ, phân tích mẫu ngoài thực địa các thành phần tự nhiên: địa chất, địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn, thảm thực vật. Qua từng buổi học thực tế, sinh viên được nghiên cứu về các quá trình địa chất địa mạo hình thành hồ Ba Bể, động Puông, thác Đầu Đẳng, phân tích cấu trúc địa chất của VQG và đo vẽ thế nằm của đá. Các em được trực tiếp lấy mẫu, đo vẽ phẫu diện đất, xác định đặc tính thổ nhưỡng. Có những buổi học, các em nghiên cứu về đặc điểm khí hậu-thủy văn, thực hành đo đạc các thông số qua báo cáo và chỉ dẫn của cán bộ trạm khí tượng Chợ Rã, trạm thủy văn Đầu Đẳng. Qua những buổi báo của cán bộ VQG, sinh viên được tìm hiểu về đa dạng sinh học của VQG, được đi thực tế đo vẽ, phân tích ô tiêu chuẩn trong rừng nguyên sinh. Các em cùng cán bộ lâm nghiệp và các trưởng bản tìm hiểu về các loài bản địa, đặc hữu có trong vườn, vấn đề bảo tồn và phương thức bảo vệ, tái tạo tài nguyên rừng, tài nguyên sinh học của VQG. Bên cạnh đó, những buổi thực hành trắc địa giúp các em có thêm kỹ năng thực tế đo vẽ bình đồ, bản đồ. Mặc dù trong suốt khoảng thời gian học tập, tiết trời khá lạnh, thiếu chăn ấm, lại thường xuyên mất điện, song các em vẫn tích cực học tập, khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt chuyến thực tế chuyên môn.
Chuyến thực địa đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Những kiến thức thực tế cần thiết đã được sinh viên học hỏi, khám phá và trải nghiệm. Ngoài ra, sinh viên được rèn luyện thêm một số kỹ năng mềm như: khả năng giao tiếp, làm việc nhóm; kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin; kỹ năng tích lũy kinh nghiệm, làm quen với nghiên cứu khoa học.
Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của Đoàn trong đợt thực địa: