Thực tập tại Na Hang "kinh nghiệm từ thực tiễn"

04-12-2014 08:06 Xem: 1460 lần
Thực tập tại Na Hang "kinh nghiệm từ thực tiễn"_thumbnail

   Thực tập thực tế chuyên môn là một học phần bắt buộc của sinh viên ngành Khoa học Môi trường năm thứ 3 nhằm mục đích giúp cho sinh viên biết cách triển khai nghiên cứu nhiều nội dung, trao đổi thông tin khoa học đã được học đồng thời phát huy cách làm việc theo nhóm.

   Theo kế hoạch đào tạo, 03 giảng viên cùng 62 sinh viên ngành Khoa học môi trường khóa 10 đi thực tế chuyên môn tại huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 19 đến 23 tháng 11 năm 2014. Chuyến thực tế đã để lại cho thày, trò nhiều bài học và kinh nghiệm bổ cho việc học tập giảng dạy cũng như những trải nghiệm về các kỹ năng sống. Các kinh nghiệm đều được gắn với quy trình lý thuyết khá kinh điển PDCA (Plan-Do-Check-Act), mọi việc trong các giai đoạn đều được thực hiện theo đúng quy trình này. Dưới đây là chia sẻ khi thực hiện một trong các khâu của quy trình.

Plan_Lập kế hoạch chi tiết, chìa khóa của thành công: Trong những chuyến khảo sát, việc trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên và sinh viên đều được lên kế hoạch trước ít nhất từ 4 tuần, kế hoạch được thầy và trò cùng bên Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang trao đổi qua lại nhiều lần từ những chi tiết nhỏ nhất. Buổi đầu tiên khi đến làm việc, đoàn nghe báo cáo tổng thể giới thiệu về khu bảo tồn, điều kiện tự nhiên, các vấn đề bảo tồn …, sau đó đi khảo sát Nhà máy thủy điện Na Hang. Hôm sau, đoàn đi rừng khảo sát nguồn tài nguyên, lập ô tiêu chuẩn đánh giá sự đa dạng sinh học. Ngày thứ ba, vào bản điều tra, tìm hiểu văn hóa bản địa, đào và mô tả phẫu diện để tìm hiểu địa chất khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Ngày thứ tư, khảo sát hồ thủy điện Na Hang, thác Khuẩy Nhi, thác Mơ và ngày cuối cùng đoàn thực địa tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Các giáo viên thường xuyên hướng dẫn cho từng nhóm sinh viên để trao đổi chuyên môn, kích lệ các em tự tin tìm hiểu khám phá phục vụ cho các kiến thức đã học. Có thể nói sau 5 ngày thực tập, nhờ lập kế hoạch và chuẩn bị tốt nên đợt thực tập đã thành công tốt đẹp.

Do_Trao đổi thẳng thắn sau mỗi buổi trao đổi chuyên môn: Sinh viên luôn chủ động đặt câu hỏi với tất cả các giáo viên và sinh viên tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn rằng: bạn thấy buổi thực tế hôm nay của nhóm thế nào? Bạn học được gì từ buổi thực tế đó?...Tất cả các thành viên tham dự buổi trao đổi chuyên môn đều được phát biểu đưa ra ý kiến của mình. Cuối cùng các Giáo viên đưa ra những nhận xét và góp ý nhằm nâng cao chất lượng các buổi thực tế hay những ưu điểm mà các sinh viên học được từ hoạt động đi thực tế. Với vai trò đi đầu của cán bộ môi trường tương lai trong giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay. Những nhà Môi trường tương lai này đã và đang cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, vì ngày mai lập nghiệp.

Check_ Kiểm tra lại quá trình thực hiện: Các nội dung triển khai đều được thầy và trò bán sát kế hoạch đã đặt ra, trong quá trình thực hiện thường xuyên có sự kiểm tra đánh giá để phát hiện các nội dung còn thiếu, chưa đạt để cùng nhau tìm giải pháp khắc phục.

Act_ Thực hiện các việc làm cần thiết để khắc phục các việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt: Đây là nội dung rất quan trọng cần phải làm song song cùng với các nội dung trên để chu trình có thể thông suốt cũng như để khắc phục kịp thời các tồn tại mà quá trình kiểm tra đã chỉ ra.

   Với mỗi một bước cán bộ và sinh viên luôn luôn ý thức được phải thực hiện đầy đủ một chu trình PDCA hoàn chỉnh.

   Có thể nói, hoạt động thực tập thực tế chuyên môn đã giúp cho sinh viên có thêm kinh nghiệm và kỹ năng từ thực tế song song là các kỹ năng làm việc theo nhóm. Đây là hướng đi đúng của nhà trường trong quá trình xây dựng chương trình đạo tạo cho ngành cử nhân Khoa học Môi trường.

   Dưới đây là một số hình ảnh của chuyến thực tế.

Khảo sát công tác bảo vệ rừng

Khảo sát đập thủy điện Na Hang

Khảo sát địa chất

Khảo sát môi trường trong nhà máy thủy điện Na Hang

Khảo sát văn hóa bản địa

Nghiên cứu phẫu diện đất

Phỏng vấn người dân về ý thức bảo vệ môi trường

Giao lưu văn hóa với đoàn thanh niên tại địa phương

 

Chu Thị Hồng Huyền - Giảng viên Khoa KHMT&TĐ