- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ban dân vận Đảng ủy trường Đại học Khoa học đã tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu công tác dân vận" năm 2015 tới các đồng chí Đảng ủy viên, Chi ủy viên; các đồng chí trong Ban chấp hành Công đoàn trường, khoa, phòng ban, Ban chấp hành Đoàn thanh niên, Hội sinh viên trường, khoa; các tổ trưởng các tổ công đoàn bộ phận. Cuộc thi nhằm nâng cao sự hiểu biết về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong trường Đại học Khoa học, từ đó chuyển biến thành phong trào hành động, tìm được những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả đối với công tác dân vận của Nhà trường.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Khoa học, Ban Dân vận đã thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo trong việc tổ chức cuộc thi. Các đồng chí cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo cấp ủy, đoàn thể từ Trường đến các Khoa, Phòng ban đã xác định trách nhiệm và tích cực tham gia cuộc thi góp phần chính tạo nên sự thành công của cuộc thi.
Ban Giám khảo cuộc thi đã làm việc nghiêm túc, khẩn trường và đánh giá khách quan tất cả 94 bài tham gia dự thi của 94 đồng chí tham gia cuộc thi.
Sau đây là tóm tắt nhận xét về chất lượng các bài dự thi của Ban giám khảo.
Ưu điểm
- Nhìn chung các bài dự thi của thí sinh đều đạt yêu cầu và được xếp loại, chấm điểm từ khá trở lên (từ 7 điểm đến 9,5 điểm), không có bài nào không đạt yêu cầu.
- Nội dung thứ nhất trong các câu hỏi thi thuộc về lý luận hay các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã được các thí sinh nghiên cứu nghiêm túc, kỹ càng, các tài liệu sưu tầm phong phú, chính xác. Nhiều bài thi thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện lĩnh vực công tác dân vận nói riêng và công tác, phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung.
- Nội dung thứ hai trong các câu hỏi thi là phần liên hệ thực tế tại Nhà trường và từng đơn vị trong Trường. Trong nội dung này cũng có nhiều bài dự thi được các thí sinh thể hiện sâu sắc, bám sát nội dung thứ nhất của câu hỏi, liên hệ thực tế tại Trường và ngay tại Khoa, Phòng ban nơi công tác của thí sinh. Nhiều bài đã có những dẫn chứng cụ thể việc làm với các số liệu, hình ảnh phong phú, sinh động, có sức thuyết phục cao. Một số bài đã nêu được cả những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc và những quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan trong phạm vi Nhà trường, đơn vị. Những hạn chế, khuyết điểm này nhìn chung cũng đã được thể hiện trong các báo cáo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường. Một số bài thi còn tổng kết, đúc rút kinh nghiệm đưa ra các kiến nghị, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường nhằm tiếp tục lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt hơn công tác dân vận của Nhà trường và từng đơn vị, coi đây là một giải pháp quan trọng nhằm đưa Trường Đại học Khoa học phát triển nhanh, bền vững.
Một số bài dự thi được ban Giám khảo đánh giá cao như:
Bài thi của đồng chí Vũ Thị Vân - Chi bộ Tổng hợp (câu hỏi về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện NQ-23 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII, khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, liên hệ thực tế). Trong bài viết, đồng chí đã khéo vận dụng sáng tạo dẫn chứng sinh động việc triển khai học tập Nghị quyết, gắn với các câu chuyện kể của Bác Hồ như "Kiến giết voi", "Chiếc đồng hồ"; gắn với việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương III, Khóa VII về Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết Trung ương II, Khóa VIII về Phát triển Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu ... Nêu bật các hoạt động của Nhà trường từ ngày thành lập đến nay: việc xây dựng Quy chế dân chủ trong Nhà trường, trong đó có việc công khai hóa "Ba công khai chất lượng giáo dục, điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, tài chính" được thực hiện nghiêm túc; việc lấy ý kiến đánh giá giảng viên, chuyên viên, cán bộ chủ chốt, đảng viên được thực hiện hằng năm; tổ chức "Hiệu trưởng đối thoại với sinh viên"… Đồng thời nêu được một số hạn chế như: nội dung, hình thức triển khai các Nghị quyết chưa phong phú, tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, một số đơn vị chưa phát huy tốt dân chủ trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên, việc nên đánh giá còn nhiều cảm tính và rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất một số giải pháp như: giải quyết mối quan hệ lợi ích hài hòa giữa các thành viên trong Trường; mở rộng dân chủ thông qua sinh hoạt tập thể; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên, sinh viên; củng cố, tăng cường mối đoàn kết từ tổ, bộ môn, phòng, trung tâm, khoa, từng lớp sinh viên đến tập thể nhà trường…
Bài thi của đồng chí Trịnh Thị Nghĩa - Chi bộ khoa Khoa học cơ bản (về Dân vận và vai trò vị trí của công tác Dân vận, liên hệ thực tế). Bài viết có nội dung phong phú, trình bày đẹp, nhiều tư liệu, hình ảnh về dân vận của Bác Hồ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các thời kỳ cách mạng, cũng như các hoạt động phong phú của Nhà trường.
Hạn chế
Nhìn chung các bài viết chú trọng nhiều đến nội dung thứ nhất của câu hỏi, phần trình bày nội dung thứ hai là liên hệ, vận dụng vào thực tế Nhà trường, đơn vị còn sơ sài. Nhiều bài viết nêu được các việc đã làm, kết quả đạt được nhưng lại không nêu được những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại và đề xuất các nội dung công việc, giải pháp cần làm của Nhà trường, đơn vị với mục tiêu là khắc phục các mặt hạn chế đó làm cho công tác dân vận của Nhà trường ngày một tốt hơn. Cá biệt có đồng chí nghiên cứu chưa kỹ mối quan hệ công tác giữa cơ quan cấp trên với cấp dưới, giữa cấp ủy với chính quyền, chẳng hạn viết: Bộ Giáo dục và Đào tạo "phối hợp" với các Trường đại học ...
Kết luận
Mặc dù còn có một số hạn chế, thiếu sót trong nhận thức, hiểu biết về công tác dân vận, công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước thể hiện trong một số bài thi của các thí sinh là cán bộ của Nhà trường, nhưng nhìn chung thông qua nội dung các bài dự thi phản ánh việc cán bộ, đảng viên trong Trường đã được học tập các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, luật và các nghị định, chính sách của Nhà nước nói chung và công tác dân vận nói riêng, nhận thức về lĩnh vực công tác này khá tốt, điều đó phản ánh qua kết quả phấn đấu xây dựng và đạt được của Nhà trường trong những năm vừa qua. Kết quả bài dự thi cho thấy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tiếp tục quan tâm đổi mới hơn nữa cách tổ chức học tập các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong Nhà trường; nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với hoàn thiện các nội quy, quy chế của Nhà trường.
Kết quả của cuộc thi như sau:
Giải Nhất: Đồng chí Vũ Thị Vân - Chi bộ Tổng hợp
Giải Nhì: Đồng chí Trịnh Thị Nghĩa - Chi bộ Khoa Khoa học cơ bản
Giải Ba: Đồng chí Bùi Đức Việt - Chi bộ Khoa Toán - Tin
Đồng chí Cao Thị Hồng - Chi bộ Đào tạo
Đồng chí La Thị Mỹ Quỳnh - Chi bộ Thanh tra - Pháp chế
Giải Khuyến khích:
Đồng chí Bùi Trọng Tài - Chi bộ Khoa Luật & QLXH
Đồng chí Hoàng Thị Thu Yến - Chi bộ Khoa KHSS
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền - Chi bộ Khoa Văn - Xã hội
Sau đây là một số hình ảnh trong buổi trao giải thưởng cho cuộc thi.
Đ/c Lê Thị Thanh Nhàn - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban Tổ chức trao giải Nhất cho cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2015
Đ/c Lê Thị Thanh Nhàn - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trường Nhà trường trao giấy khen cho đại diện Chi bộ có cá nhân đạt giải Nhì cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2015
Đ/c Nguyễn Đức Lạng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường- Trưởng ban Giám khảo trao giải Ba cho cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2015
Đ/c Nguyễn Đức Lạng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng ban Giám khảo trao giải Khuyến khích cho cuộc thi “Dân vận khéo” năm 2015