- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2013-2105 được tổ chức thành công mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phát triển Nhà trường hiện nay. Hội nghị góp phần mang lại niềm tin, sự động viên, khích lệ thầy trò trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên vượt qua những khó khăn, thách thức để chinh phục đỉnh cao mới trong nghiên cứu khoa học.
Ngày 8/11/2015 tại Hội trường Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2013 – 2015. Hội nghị nhằm chia sẻ thông tin, đánh giá, ghi nhận thành tựu nghiên cứu khoa học mà cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường đã phấn đấu và đạt được trong giai đoạn 2013-2015. Trên cơ sở đó đúc rút bài học kinh nghiệm, định hướng tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt những mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển của Nhà trường nói riêng và Đại học Thái Nguyên nói chung.
Hội nghị được đón tiếp PGS.TS. Trần Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Dân tộc thuộc UBDT Chính phủ; TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Thái Nguyên; NGND. GS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Lại Khắc Lãi, Trưởng ban KH - CN&MT ĐH Thái Nguyên. Về phía Nhà trường có NGƯT. PGS.TS. Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, TS. Nguyễn Đức Lạng; TS. Nguyễn Văn Đăng Phó HT Nhà trường.
Hội nghị có mặt đông đủ các đồng chí cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, trung tâm, lãnh đạo các khoa, bộ môn và gần 200 giảng viên đồng thời cũng là các Nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu của Nhà trường; Đại diện học viên cao học của các khoa và đặc biệt là hơn 100 sinh viên đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của các khoa, bộ môn.
NGƯT.PGS.TS. Nông Quốc Chinh ( HT Nhà trường) khai mạc Hội nghị
Các Đại biểu tham dự Hội Nghị
Sau phần phát biểu khai mạc của NGƯT.PGS.TS. Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng Nhà trường, các đại biểu được nghe báo cáo tổng quát đánh giá về hoạt động KH&CN của Nhà trường trong giai đoạn 2013-2015 do TS. Hoàng Lâm (Trưởng phòng KH-CN&HTQT) trình bày. Báo cáo nhấn mạnh tăng cường hoạt động KH&CN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng trường Đại học Khoa học thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu có chất lượng cao. Nhà trường luôn xem Đào tạo và Nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ song hành, đồng thời coi hoạt động KH&CN là chìa khóa để nâng cao chất lượng đào tạo. Hiểu rõ được tầm quan trọng của hoạt động KH&CN, tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được trong giai đoạn 3 năm trước, giai đoạn 2013- 2015 trường Đại học Khoa học đã có những chương trình thúc đẩy công tác NCKH với nhiều biện pháp hữu hiệu, đạt được nhiều thành quả về NCKH, qua đó đã cho thấy Trường Đại học Khoa học xứng đáng là đơn vị đảm nhiệm vai trò nòng cốt về nghiên cứu cơ bản trong toàn Đại học. Trong 3 năm qua, cán bộ giảng viên nhà trường đã và đang triển khai nhiều đề tài/dự án quốc gia và quốc tế, đã công bố nhiều bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín cao, có nhiều sản phẩm khoa học tiêu biểu, được Nhà nước, Bộ GD&ĐT, tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên khen thưởng. Cụ thể:
1. Về đề tài, dự án
Trong giai đoạn 2013 - 2015, cán bộ của trường đã và đang chủ trì:
- 01 tiểu dự án quốc tế về Môi trường (Than sinh học) trị giá 2,2 tỷ đồng;
- 05 đề tài NC cơ bản ở Quỹ Nafosted với kinh phí xấp xỉ 4 tỷ đồng;
- 06 đề tài NCKH cấp Bộ với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng;
- 02 đề tài cấp Tỉnh với tổng kinh phí 700 triệu đồng;
- 36 đề tài NCKH cấp Đại học, tương ứng với khoảng 1,6 tỷ đồng.
Tổng kinh phí cho các đề tài/dự án trên khoảng 10,5 tỷ. Ngoài ra, toàn trường còn triển khai thực hiện 17 đề tài NCKH cấp cơ sở và trên 230 đề tài SV NCKH.
Đặc biệt, nếu như giai đoạn 3 năm trước nhà trường chưa có đề tài/dự án hợp tác quốc tế và chuyển giao khoa học công nghệ thì giai đoạn này CBGV của trường đã có 01 tiểu dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực Môi trường (do NCS. Mai Thị Lan Anh - Khoa KHMT-TĐ chủ trì) và 03 hợp đồng chuyển giao KHCN thuộc lĩnh vực hóa học (Do TS. Dương Nghĩa Bang chủ trì), CNTT (Th.S Nguyễn Đình Huy - TT CNTT-TV thực hiện) và Sử học (Th.S Nguyễn Minh Tuấn thực hiện) với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Đạt được kết quả như vậy là do chính sách nhà trường hỗ trợ thêm 20% tổng kinh phí hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc nghiên cứu ứng dụng.
Bắt đầu từ năm 2011, cơ hội được chủ trì các đề tài/dự án cấp cao là rất khó khăn. Nhưng bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, nhiều cán bộ của Trường như PGS.TS Nông Quốc Chinh, TS. Phạm Thị Phương Thái, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, PGS.TS. Nguyễn Vũ Thanh Thanh, NCS. Nguyễn Thị Hiền vẫn được quyền chủ trì 06 đề tài cấp Bộ.
2. Công bố bài báo khoa học
Trong giai đoạn 2013-2015, trường Đại học Khoa học vẫn là đơn vị dẫn đầu trong Đại học Thái Nguyên về thành tích công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín cao được Viện Khoa học Thông tin xếp hạng SCI, SCIE, SSCI (gọi tắt là ISI).
Không chỉ trong ĐH Thái Nguyên, nếu so với các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì Trường Đại học Khoa học cũng là một đơn vị có thành tích công bố quốc tế ấn tượng. Chẳng hạn, trong năm 2013, nếu Viện Hóa học công bố 30 bài báo ISI, Viện Toán học công bố 29 bài báo ISI thì cán bộ của Trường Đại học Khoa học đã công bố 29 bài báo ISI trong tổng số gần 40 bài báo ISI của toàn Đại học Thái Nguyên. Năm 2014, cán bộ của Trường đã công bố 29 bài báo ISI trong tổng số 57 bài báo ISI của toàn Đại học. Trong lĩnh vực Khoa học Xã hội-Nhân văn rất khó công bố quốc tế, nhưng cán bộ của Trường vẫn có những kết quả đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín được xếp hạng SSCI.
Tính từ năm 2013 đến tháng 8/2015, cán bộ giảng viên của nhà trường đã công bố 81 bài báo thuộc danh mục ISI. Trong số 33 giảng viên có công bố quốc tế ISI giai đoạn này, phải kể đến những CBGV có thành tích xuất sắc như GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn, TS. Dương Nghĩa Bang, TS. Nguyễn Văn Đăng, TS. Phạm Thế Chính, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, TS. Nguyễn Phú Hùng, TS. Văn Hữu Tập… và nhiều thầy cô thuộc các Khoa Toán-Tin, Khoa Vật lý&Công nghệ, Khoa Hóa học, Khoa KHSS, KHMT-TĐ...
Bên cạnh những công bố ISI, CBGV còn công bố nhiều bài báo quốc tế khác và trên 200 bài báo đăng trên các tạp chí cấp quốc gia.
3. Nghiên cứu khoa học của sinh viên
Phong trào nghiên cứu khoa học thu hút được sự quan tâm của đông đảo sinh viên toàn trường. Trong 3 năm qua, toàn trường đã thực hiện trên 230 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã đưa ra nhiều chương trình thực tế cho sinh viên, để các em có thể so sánh giữa lý thuyết và thực tiễn, có thể tự đánh giá được kiến thức cốt lõi cần tiếp thu trong quá trình đào tạo và qua những chuyến đi cơ sở, sinh viên có điều kiện tốt để tìm hiểu, suy nghĩ và hình thành những ý tưởng khoa học.
Các khoa đã tổ chức nhiều hoạt động khoa học, tạo nên những sân chơi bổ ích và lành mạnh cho sinh viên như: Hội thi Olympic Hóa học hàng năm của Khoa Hóa, Olympic Sinh học hàng năm của Khoa KHSS v.v…
Trong giai đoạn 2013-2015, đã có 29 đề tài sinh viên của Trường đạt giải cao trong các cuộc thi Giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam”; Giải thưởng “Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên”; Giải thưởng cuộc thi “Triển lãm Sản phẩm sáng tạo khoa học” ĐH Thái Nguyên.
Đặc biệt, đối với Giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam - Giải thưởng cao quý nhất dành cho sinh viên NCKH, sinh viên nhà trường đã đạt được 07 giải thưởng. Kết quả đó là do sự hướng dẫn khoa học của các cán bộ giảng viên luôn hăng say, nhiệt huyết và chia sẻ trong hoạt động NCKH của sinh viên như TS. Phạm Thị Phương Thái hướng dẫn 02 đề tài sinh viên đạt giải Nhì; TS. Lê Thị Thanh Hương, TS. Dương Nghĩa Bang và Th.S Đỗ Hằng Nga hướng dẫn 03 đề tài SV NCKH đạt giải Ba; TS. Nguyễn Thị Thanh Ngân và Th.S Nguyễn Thị Suối Linh hướng dẫn 02 đề tài SV đạt giải KK.
Vì những thành tích xuất sắc này của giảng viên và sinh viên, Trường Đại học Khoa học đã vinh dự liên tục được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT về hoạt động KH&CN.
4. Hội nghị, seminar, hội thảo chuyên đề
Giai đoạn 2013 - 2015, trường đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế và quốc gia như Hội thảo "Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 trước yêu cầu cải cách tư pháp; Hội nghị toàn quốc về Vật lý chất rắn và Khoa học vật liệu lần thứ 8; Hội thảo Quốc tế “Nghề dệt truyền thống Asian lần thứ tư” và gần đây nhất, nhà trường phối hợp với Đại học Thái Nguyên và ĐH Kalinga Apayao – Philippines tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Kinh tế và Văn hóa – Xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập ASEAN”.
Nhà trường cùng các khoa cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề cấp Khoa và cấp Trường với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế, đã đem lại không khí học thuật bổ ích cho cán bộ, giảng viên và sinh viên như: Buổi giảng bài đại chúng về Toán của GS. Markus Brodman đến từ Đại học tổng hợp Zurich, Thụy Sỹ; GS. Jay Hartwell, Đại học Hawaii, Mỹ với chuỗi bài giảng về Truyền thông và báo chí; GS. Peggy L.Mcfarland, học giả Fulbright thuyết trình về lĩnh vực Công tác xã hội; TS. Paul Kristiansen đến từ Đại học New England, Úc báo cáo về “Bảo vệ môi trường với nền nông nghiệp hữu cơ bền vững”; GS. Jong Kyu Kim, ĐH Kungnam, Hàn Quốc chia sẻ về các hướng nghiên cứu trong Toán ứng dụng…
5. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học
Trường Đại học khoa học đã có sự hợp tác trong đào tạo và NCKH với nhiều cơ sở đào tạo và trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Trong 3 năm qua, song song với việc mời nhiều giáo sư đầu ngành từ các nước đến giảng dạy và hợp tác NCKH với CBGV của trường, nhà trường đã luôn tạo điều kiện để cán bộ giảng viên sang các nước giảng dạy, học tập tiến sĩ, sau tiến sĩ, hợp tác nghiên cứu, tập huấn và báo cáo tại các hội nghị quốc tế tại các nước Pháp, Nga, Ý, Nhật, Đức, Úc, Hàn Quốc... Ví dụ như TS. Dương Nghĩa Bang hợp tác nghiên cứu tại Liên Bang Nga; TS. Nguyễn Thanh Sơn, TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Vương Trường Xuân tại Đức, TS. Mai Viết Thuận tại Úc, TS. Trương Minh Tuyên tại Hàn Quốc…
6. Thành lập các nhóm nghiên cứu và khen thưởng trong hoạt động KH&CN
Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhà trường đã hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh với giải thưởng và sản phẩm khoa học tiêu biểu.
- Nhóm nghiên cứu về Hóa học đã công bố 13 bài báo SCI và 2 bài báo SCIE.
- Nhóm nghiên cứu Toán đã công bố 12 bài báo SCI, 18 bài báo SCIE với 1 giải nhì Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam dành cho giảng viên trẻ.
- Nhóm nghiên cứu về Vật lý đã công bố 14 bài báo SCI và 3 bài SCIE.
- Nhóm Sinh học (Sinh Y, Sinh Dược) đã công bố 13 bài báo SCI và 5 bài SCIE.
- Nhóm nghiên cứu Khoa học Môi trường và Trái đất với 2 bài SCI, 2 bài SCIE và một Giải thưởng quốc gia về môi trường.
Trong 3 năm qua, nhà trường đã nhận 1 bằng khen của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và bảo tồn văn hóa; 02 bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN. Khoa KHMT-TĐ được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2015. Cán bộ của Trường được trao 01 giải nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên; 5 cán bộ được Chương trình trọng điểm quốc gia trao thưởng bài báo SCI và nhiều cán bộ được nhận giải thưởng khoa học cấp Tỉnh, cấp Đại học.
Những kết quả đạt được trong 3 năm qua rất đáng tự hào. Đặc biệt, trường Đại học Khoa học xứng đáng đóng vai trò nòng cốt trong toàn Đại học về nghiên cứu khoa học cơ bản và đã bước đầu có những thành tựu đáng ghi nhận trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật.
NGND.GS.TS. Đặng Kim Vui ( Giám đốc ĐH Thái Nguyên) phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Có những kết quả đáng được ghi nhận về hoạt động KH&CN như trên, ngoài sự nỗ lực của các thầy, cô giáo – các nhà khoa học và các em học viên, sinh viên, Nhà trường còn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của các cấp lãnh đạo. Tại Hội nghị các đại biểu cũng được nghe những ý kiến chân thành và quý báu của NGND. GS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã dành cho cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Nhà trường. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc, trong giai đoạn tới đây, các nhà khoa học của Nhà trường sẽ cố gắng nỗ lực phấn đấu để đạt được những kết quả hoạt động KH&CN như đã đặt ra trong chiến lược phát triển của Nhà trường nói riêng và ĐH Thái Nguyên nói chung, đưa hoạt động KHCN vươn lên tầm cao mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe nhiều báo cáo ấn tượng và đầy thú vị của các Nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm xung quanh việc thực hiện các hoạt động KH&CN như tham luận của TS. Dương Nghĩa Bang ( Trưởng khoa Hóa học) với chủ đề Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và viết bài báo quốc tế; Tham luận của ThS. Đỗ Hằng Nga ( Bộ môn Lịch sử) về Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học; Tham luận của TS. Ngô Văn Giới ( Trưởng khoa KHMT&TĐ) về Kinh nghiệm tổ chức và thu hút các chuyên gia, cán bộ, sinh viên tích cực tham gia hoạt động NCKH ở khoa KHMT&TĐ; Tham luận của sinh viên Lương Lê Hồng Hạnh về Sinh viên nghiên cứu khoa học – Cơ hội và thử thách… Hy vọng với những ý kiến tâm huyết của các Nhà khoa học, từ diễn đàn Hội nghị này nhiều thầy, cô giáo trẻ và các bạn học viên, sinh viên sẽ hình dung rõ hơn những công việc không đơn giản của Nhà khoa học như công bố bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, hướng dẫn sinh viên cứu khoa học, tập hợp sức mạnh trong hoạt động NCKH để mang lại kết quả tốt, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học hữu ích góp phần phục vụ cuộc sống.
Đặc biệt, tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe những ý kiến phát biểu mang tính chất định hướng cho việc chọn đề tài nghiên cứu sao cho thiết thực và đáp ứng nhu cầu của xã hội của PGS.TS Trần Trung (Hiệu trưởng trường Đại học dân tộc – thuộc UB Dân tộc Chính phủ) và TS. Phạm Quốc Chính ( Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên). Những năm qua, với đặc thù đào tạo của Nhà trường nên phần lớn NCKH của các cán bộ, giảng viên Nhà trường theo hướng nghiên cứu cơ bản. Những ý kiến phát biểu rất hữu ích của các Nhà khoa học đã gợi mở cho giảng viên, sinh viên của Nhà trường suy nghĩ về những hướng mới trong đăng ký đề tài NCKH. Làm sao để có nhiều đề tài chuyển giao khoa học công nghệ? Đó vẫn là bài toán cần lời giải đáp đồng thời cũng là thách thức đặt ra đối với mỗi Nhà khoa học của Nhà trường trong hành trình phía trước.
NGND.GS.TS Đặng Kim Vui ( Giám đốc ĐH Thái Nguyên) và Đại diện 5 tập thể được khen thưởng về việc có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN giai đoạn 2013 – 2105.
PGS.TS Trần Trung ( Hiệu trưởng trưởng ĐH Dân tộc – UBDT Chính phủ) và các cá nhân được khen thưởng về việc có thành tích công bố bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI giai đoạn 2013-2015
PGS.TS. Lại Khắc Lãi ( Trưởng ban KH-CN&MT, ĐH Thái Nguyên) với các giảng viên hướng dẫn và sinh viên thực hiện đề tài NCKH đạt giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam năm 2014”
Để ghi nhận thành tích của tập thể và cá nhân đã có nhiều đóng góp vào hoạt động KH&CN trong giai đoạn qua, tại Hội nghị Nhà trường cũng đã khen thưởng 05 tập thể và 45 cá nhân có những thành tích nổi bật .
Đất nước đang ở trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó vai trò của khoa học công nghệ là một yếu tố hết sức quan trọng. Trong bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà thì đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ trong nhà trường đại học sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại toàn cầu hóa. Trong những năm qua cùng với việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, việc nghiên cứu khoa học đã mang lại sức sống, uy tín và dần khẳng định vị trí của Đại học Khoa học trong Đại học Thái Nguyên nói riêng cũng như trong hệ thống các trường Đại học trong cả nước nói chung. Hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2013-2105 được tổ chức thành công mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phát triển Nhà trường hiện nay, Hội nghị góp phần mang lại niềm tin, sự động viên, khích lệ thầy trò Nhà trường vượt qua những khó khăn, thách thức để chinh phục đỉnh cao mới trong NCKH. Hy vọng rằng từ diễn đàn Hội nghị, phát huy những gì đã đạt được và đoàn kết khắc phục những khó khăn, thách thức, vượt qua giới hạn của chính mình tập thể cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên sẽ vươn lên tầm cao mới trong giảng dạy và NCKH.
Các vị khách quý và các đại diện cán bộ giảng viên Nhà trường.