Hào hứng khi tập làm bartender

09-11-2015 07:25 Xem: 1083 lần
Hào hứng khi tập làm bartender_thumbnail

Kỳ 1 năm học này, lớp Du lịch k10 - chuyên ngành Nhà hàng – Khách sạn chúng tôi được học học phần Nghiệp vụ phục vụ quầy bar. Đã từng được mục sở thị và rất ngưỡng mộ các bartender trong các quầy bar “khiêu vũ” với các bình lắc (shaker), song chúng tôi ít nhiều e ngại về khả năng của bản thân: Liệu mình có thể dẻo dai, khéo léo, điêu luyện và đầy sáng tạo như thế? Tâm lý rụt rè đó lập tức bị xua tan ngay khi chúng tớ được học học phần này.

Trong ngày học đầu tiên, chúng tôi bước đầu làm quen với bar và những kiến thức quan trọng về nghiệp vụ bar. Hóa ra không phải chỉ cần có đôi tay dẻo là có thể đứng quầy bar, mà phải có một cái đầu thông thái để đảm bảo nguyên tắc của nghề, để nắm vững từng đặc tính của mỗi nguyên liệu, thuộc làu những công thức và tỉ lệ tỉ mỉ… Hơn thế, phải có cả niềm đam mê để có thể linh hoạt tạo ra những công thức mới đầy ấn tượng. Và nữa, phải có con mắt tinh tế để sử dụng các loại ly cốc, thìa khuấy, các loại rau quả và phụ kiện trang trí phù hợp, làm tăng giá trị thẩm mỹ của các sản phẩm… Để tiếp cận những lý thuyết khô khan này, chúng tôi được làm việc theo nhóm, được thỏa sức nói những gì mà mình đã dày công chuẩn bị, được trao đổi với nhau và được tranh luận quyết liệt với các nhóm khác để đi đến quan điểm thống nhất. Nhờ hiệu quả cách học linh động, chúng tôi không chỉ vượt qua bài kiểm tra nóng đầy thách thức ngay cuối mỗi buổi học, mà còn thực sự nhập cuộc với bar, với bartender cũng như công việc gian truân mà thú vị của nghề…

Sinh viên hào hứng với phương pháp teamworks

Các buổi học thực hành tiếp theo mới thật sự thú vị, thu hút, mỗi buổi học chúng tớ được thực hành 1- 2 loại đồ uống từ đơn giản đến phức tạp. Thoạt đầu, chúng tớ được hướng dẫn thật tỉ mỉ về công thức pha chế mỗi loại đồ uống, những lưu ý khi pha chế, yêu cầu cần đạt về chất lượng, màu sắc của đồ uống… Sau đó, chúng tôi lần lượt trực tiếp thực hành. Tự tin với kiến thức lý thuyết, lại đã được tận mắt theo dõi giảng viên tác nghiệp, nhưng khi lần đầu được làm việc với các loại ly cocktail, collin, goblet, poco..., các loại máy ép hoa quả, bình shaker, cốc đong…, chúng tôi không khỏi hồi hộp, run rẩy. Những lóng ngóng ban đầu rồi cũng qua đi, sau mỗi tiết học, chúng tôi bình tĩnh và dần trở nên linh hoạt hơn, điệu nghệ hơn, đáp ứng sự yêu cầu kiểm định của ban thẩm định (do lớp tự bầu ra) và  giảng viên. Có lẽ giây phút hạnh phúc nhất là khi bản thân được ngắm nhìn và thưởng thức những sản phẩm tự tạo, dẫu chưa được đẹp, được ngon như sản phẩm của các bartender chuyên nghiệp. Có lẽ đây là cơ sở đầu tiên giúp chúng tôi nuôi khát vọng mình sẽ trở thành những bartender thực thụ.

Thành quả của sinh viên sau khi pha chế.

Dụng cụ pha chế

Khi được hỏi về kinh nghiệm và hiệu quả từ những giờ học thực hành nghiệp vụ, bạn Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Mình chú ý ghi chép lại ngay khi quan sát từng động tác của giảng viên hướng dẫn, thử đặt địa vị của mình vào vị trí của bartender để thao tác nhanh gọn nhất và lường trước các tình huống có thể xảy ra. Khi được thực hành tạo ra một sản phẩm đồ uống, mình rất hào hứng bởi nhận ra thêm nhiều quy luật thú vị trong pha chế. Mình thực sự thấy học phần Nghiệp vụ phục vụ quầy bar nói riêng, các học phần nghiệp vụ nói chung rất thú vị và thực tế, bởi mỗi học phần không chỉ khơi niềm đam mê nghề mà còn gợi dẫn cho chúng mình những vị trí công việc nhất định sau khi ra trường”.

Thực hành pha chế đồ uống ngay tại không gian học

Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế nhưng các tiết học thực hành đã đem lại cho chúng tôi nhiều kiến thức bổ ích. Nhờ đó mà tôi và các bạn trong lớp tự tin hơn rất nhiều khi nộp hồ sơ làm bán thời gian (part- time) tại những quán cafe, quán bar. Sau những giờ học này, nhiều bạn trong lớp cũng mạnh dạn xin được làm thêm thực hành tại các quầy bar để nâng cao tay nghề, sẵn sàng chuẩn bị để xin việc ngay sau khi tốt nghiệp. Từ niềm cảm hứng ban đầu, với những thao tác đã được thực hành khá thuần thục, chúng tôi tự tin rằng mình có thể trở thành những bartender tài hoa trong tương lai.  

Lê Tâm (Khoa Văn – Xã hội)