Sinh viên lớp công tác xã hội K11B với hoạt động tình nguyện tại “Khóa bồi dưỡng kinh nghiệm Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên khu vực phía Bắc”.

18-12-2014 03:48 Xem: 1469 lần
Sinh viên lớp công tác xã hội K11B với hoạt động tình nguyện tại “Khóa bồi dưỡng kinh nghiệm Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên khu vực phía Bắc”._thumbnail

Trong 3 ngày (12-14/12/2014) Ban Hoằng pháp T.W Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Ban trị sự Giáo hội phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức “Khóa bồi dưỡng kinh nghiệm Hoằng pháp và tập huấn Hoằng pháp viên” khu vực phía Bắc tại trung tâm Cổ phần Du lịch Hồ Núi Cốc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Khóa học được đón tiếp trên 300 tăng, ni, 600 đại biểu chính thức của 21 đơn vị tỉnh, thành khu vực phía Bắc, có trên 5000 phật tử và gần 1000 sinh viên tình nguyện của các CLB trường Đại học trong tỉnh Thái Nguyên đã đến tham dự, đặc biệt tại lễ quy y Tam Bảo có trên 1500 giới tử được chư tôn đức Tăng đăng đàn truyền pháp quy y, tại buổi lễ thắp nến cầu nguyện đêm hoa đăng với sự tham dự của trên 5000 nhân dân phật tử. Tại khóa học, Hòa thượng. Thích Bảo Nghiêm - Trưởng ban Hoằng pháp TW đã nhấn mạnh: “Ngày nay, vấn đề hoằng pháp không chỉ dành riêng cho hàng tu sĩ xuất gia, mà là cho tất cả người con Phật trong hàng ngũ tứ chúng. Như vậy, đây chính là trách nhiệm chung, là việc làm cao cả để duy trì mạng mạch của Phật pháp. Mục đích của khóa bồi dưỡng này nhằm truyền trao kiến thức Phật học để tất cả người con Phật  am hiểu sâu hơn về lời dạy của đức Phật, áp dụng vào đời sống, để đời sống của chúng ta mổi ngày trôi qua đều có ý nghĩa[*]­­.

Hòa chung trong không khí  đó, 40 sinh viên lớp Công tác xã hội K11B, khoa Luật & Quản lý xã hội, trường ĐH Khoa học Thái Nguyên đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho hoạt động tình nguyện phục vụ dọn dẹp, nấu ăn, chuẩn bị các suất cơm chay cho Phật tử. Đây cũng là một trải nghiệm mới mẻ đối với lớp, là cơ hội để sinh viên vận dụng kiến thức, kỹ năng trong quá trình học tập vào các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội. Trong thời gian tham gia tình nguyện, bước đầu các bạn sinh viên đã có cơ hội được tiếp cận với những giáo lý nhà Phật luôn đề cao tính nhân văn, từ bi, bác ái...

Trong màu áo xanh tình nguyện các bạn sinh viên cũng chia sẻ:

“… công việc hôm nay thật sự rất nhiều, mình rất mệt nhưng là một tình nguyện viên được giúp sức cho nhà chùa cũng cảm thấy  rất vui và ý nghĩa. Được nghe qua một chút về các giáo lý nhà Phật, mình nhận thấy đạo Phật và ngành Công tác xã hội có rất nhiều điểm tương đồng là đều mang tính nhân văn sâu sắc, cùng hướng đến những con người yếu thế trong xã hội. Những hoạt động hành thiện, giúp người của đạo Phật cũng có ý nghĩa to lớn, góp phần thực hiện an sinh xã hội” (SV Giàng Minh Thành)

“Mình tham gia vào hoạt động tình nguyện này vì muốn được trải nghiệm những kỹ năng hoạt động xã hội và được tiếp cận gần hơn với đạo Phật” (SV Trần Thị Huế)

Khi được hỏi về sự hiểu biết của bạn về đạo Phật, bạn Triệu Thu Hường đã trả lời “Mình biết hiện nay trên đất nước Việt Nam có rất nhiều ngôi chùa, và đã từ rất lâu đời các ngôi chùa này đã làm rất nhiều công việc khác nhau trong cộng đồng và xã hội như nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, những người bệnh bị xã hội chối bỏ; là trường học, trạm y tế, nhà trọ, địa điểm tập kết tạm thời cho cộng đồng trong thời kỳ chiến tranh, trong thiên tai, hoàn cảnh đặc biệt; là một địa chỉ tạm lánh cho các cá nhân, gia đình có vấn đề trong xã hội; và tham gia tích cực vào các vấn đề xã hội của đất nước. Và khi đối chiếu điều đó với hoạt động của Công tác xã hội, mình thấy rằng có thể kết hợp được giữa đạo Phật với Công tác xã hội ở rất nhiều yếu tố để nhằm mục đích giúp đỡ con người giải quyết các vấn đề xã hội mà họ gặp phải..”

Kết thúc ba ngày hoạt động tình nguyện đã để lại trong các bạn sinh viên nhiều kỷ niệm đẹp, thông qua các hoạt động  như thế, tập thể  lớp đoàn kết, gắn bó với nhau hơn. Lớp công tác xã hội sẽ còn có nhiều chương trình hơn nữa để góp một phần sức trẻ của mình vào các hoạt động của xã hội và đồng thời cũng có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành học đã lựa chọn.

[*]­­ Nguồn: www.phattuvietnam.net

Phạm Bích Thủy – Nguyễn Hồng Cúc