Seminar Khoa Văn - Xã hội

03-12-2013 01:11 Xem: 1770 lần
Seminar Khoa Văn - Xã hội_thumbnail

       Sáng ngày 27/11/2013, tại phòng họp trường Đại học Khoa học, khoa Văn – Xã hội đã tổ chức seminar chuyên đề ngành Ngôn ngữ  do TS. Nguyễn Thị Thanh Ngân - Phó trưởng Khoa trình bày.

       Tại buổi seminar, tác giả đã trình bày báo cáo CÁC CÁCH CẦU KHIẾN THÔNG DỤNG CỦA NGƯỜI VIỆT. Đây là một phần nội dung quan trọng và giá trị trong Luận án Tiến sĩ của tác giả. Báo cáo đã đi sâu làm rõ đặc điểm của các hành động cầu khiến từ một trong hai tiêu chí xác lập đó là các dấu hiệu ngôn hành hay còn gọi là phương tiện chỉ dẫn lực ngôn trung. Nhìn từ góc độ dấu hiệu ngôn hành, tác giả đã đưa ra các tiêu chí nhận diện hay 3 cách tiêu biểu để thực hiện hành động cầu khiến. Đó là dùng vị từ ngôn hành (VTNH), dùng từ ngữ chuyên dụng, hoặc dùng kết cấu chuyên dụng.

       Bằng sự phân tích sâu sắc, những dẫn chứng cụ thể và lập luận thuyết phục, báo cáo đã đi đến kết luận, để cầu khiến, người nói có thể dùng một số cách thức như sử dụng lớp VTNH, các vị từ tình thái, các vị từ tình thái tính hay các tiểu từ mang sắc thái nài ép hoặc thôi thúc, ở các kết cấu cầu khiến đặc trưng; và ngược lại, người nghe cũng thông qua chính những dấu hiệu này để nhận diện hành động cầu khiến. Việc nắm rõ các cách thức cầu khiến thông dụng sẽ giúp người sử dụng, người học tiếng Việt không chỉ thành công trong hội thoại mà còn hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa giao tiếp của người Việt.

       Báo cáo đã nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận rất sôi nổi của các giảng viên, sinh viên xoay quanh một số vấn đề như: tính lịch sự trong cầu khiến; sự chi phối của yếu tố xã hội đến việc sử dụng hành động cầu khiến; yếu tố tâm lí và văn hóa trong cầu khiến; cách nhận diện một số hành động cầu khiến đặc biệt. Hơn nữa, vấn đề thảo luận càng trở nên cuốn hút hơn khi có rất nhiều câu hỏi, nhiều ý kiến được đưa ra quan tâm đến các hoàn cảnh sử dụng cầu khiến trong đời sống thực tế như: cầu khiến nơi công sở; sử dụng ưu thế của hành động cầu khiên trong phạm vi lớp học; dạy trẻ cầu khiến và cầu khiến trong giao tiếp với trẻ; tránh sự cố khi cầu khiến; hay văn hóa từ chối khi được cầu khiến…Nhiều sinh viên có mặt tại buổi seminar cũng quan tâm đến hành động cầu khiến trong tác phẩm văn chương và mối quan hệ giữa nó với phong cách nghệ thuật của nhà văn.

       Tại buổi seminar, TS. Phạm Thị Phương Thái – Trưởng Khoa Văn – Xã hội cũng đưa ra nhiều ý kiến thảo luận thú vị cởi mở, sâu sắc về vấn đề. Đồng thời, Tiến sĩ khẳng định rằng đây là một buổi seminar có chất lượng khoa học tốt và ngành Văn sẽ tiếp tục duy trì việc tổ chức hoạt động seminar định kỳ.

       Buổi seminar một lần nữa cho thấy bản lĩnh khoa học vững vàng của TS. Nguyễn Thị Thanh Ngân và tinh thần say mê khoa học của giảng viên, sinh viên Khoa Văn – Xã hội. Buổi báo cáo đã gợi mở nhiều vấn đề thú vị như: đặt hành động cấu khiến trong mối tương quan với với các yếu tố xã hội hay với hành động từ chối, nghiên cứu hành động cầu khiến của người Việt trong thế đối sánh với các ngôn ngữ khác, những lưu ý khi sử dụng hành động cầu khiến. Đồng thời đây cũng là một sự mở màn cho hàng loạt các hoạt động seminar của các bộ môn thuộc Khoa Văn – Xã hội trong thời gian tới. 

       Một số hình ảnh về buổi seminar:


Toàn cảnh buổi báo cáo


TS. Nguyễn Thị Thanh Ngân say sưa thuyết trình


Không khí thảo luận sôi nổi


TS. Phạm Thị Phương Thái phát biểu

Thu Hương - Khoa Văn- Xã hội