- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
“ Một đời người – một dòng sông...
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,
“Muốn qua sông phải lụy đò”
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa...”
( Người lái đò )
Những vần thơ này tôi đã được học thuộc lòng khi còn thơ bé, nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Bao nhiêu mùa bằng lăng nở, là bấy nhiêu chuyến đò thầy, cô đưa được cập bến. Nhưng lúc ấy, với tôi những vần thơ này sáo rỗng lắm. Bởi lúc đó suy nghĩ còn non nớt. Giờ đã là sinh viên năm thứ ba, khi đọc lại những dòng thơ này, thấy có gì đó nghèn nghẹn ở tim, người đầu tiên tôi nhớ đến khi ngâm nga những dòng này là cô – giáo viên chủ nhiệm lớp Khoa học quản lý – K9 của chúng tôi. Cô mang một cái tên dịu dàng và trầm lắng. Vâng, tên của Cô là Bế Hồng Cúc – một cái tên không chút ồn ào, cũng chẳng bóng bẩy. Thế nhưng cái tên ấy đã in đậm trong trái tim của hàng trăm sinh viên chúng tôi...
(Cô của tôi giữa đời thường)
Là một cô bé đa sầu đa cảm, lần đầu tiên xa nhà, bước vào cuộc sống bon chen ngoài xã hội, bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu lừa lọc, tôi không khỏi lo lắng và hoang mang. Ngày tôi gặp cô, cảm giác đầu tiên mà cô mang lại không phải là cảm giác ấm áp với nụ cười thân thiện, không phải là ánh mắt quan tâm trìu mến. Thế nhưng bài học đầu tiên cô dạy chúng tôi không phải là bài học gì cao sang bác học, mà cô chỉ dạy chúng tôi bài học có hai từ “ yêu thương”. Cô rất lạnh lùng và có phần nghiêm khắc. Lúc đó tôi nghĩ, giảng viên đại học mà, ai chẳng thế.
Tôi cũng chẳng quan tâm lắm với sự có mặt của cô, lúc đó tôi sống khép kín lắm, tôi chỉ quan tâm nhất tới việc học, còn các hoạt động của lớp tôi chưa hề tham gia. Bởi tôi thấy lạc lõng chốn đông người, thấy mình bơ vơ giữa cuộc đời đầy thương tích. Lần đầu tiên làm việc với cô, suy nghĩ của tôi về cô đã thay đổi chút ít. Cô không lạnh lùng và khó gần như tôi nghĩ. Nụ cười của cô cũng không còn lạnh lùng trong suy nghĩ của tôi. Nhưng lúc đó, tôi cũng chưa nghĩ nhiều về cô. Những lần sinh hoạt lớp, cô luôn là người đến đúng giờ. Từng công việc của lớp được cô quan tâm từng chút, từng chút. Cô như một người mẹ, dẫn dắt những người con của mình – những chú chim non còn bỡ ngỡ, muốn bay cao nhưng lại sợ vấp ngã, lạc bầy.
Ngày qua, tháng lại, năm đi, những con chim non ngày nào đã mọc lông, cánh cũng đã có phần cứng cáp. Còn cô của tôi thì vẫn vậy. Bao nhiêu rắc rối chúng tôi gây ra là bấy nhiêu trách nhiệm cô phải nhận. Thế nhưng lũ học trò chúng tôi chẳng ai thèm mảy may để ý đến điều đó. Mang tiếng là dân khối C giàu cảm xúc, ấy vậy mà chưa bao giờ cảm xúc của chúng tôi mang tên cô. Còn riêng tôi, tôi đã cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của cô. Có lần tôi định bảo lưu kết quả học tập vì gia đình khó khăn, cô đã đến bên an ủi, động viên và tìm cách giúp đỡ tôi. Tôi không thể tin cô lại dành cho tôi sự quan tâm nhiều đến vậy. Thực sự lúc đó tôi đã rất cảm động, tôi biết ơn cô nhiều lắm, không có sự động viên quan tâm của cô ngày ấy, có lẽ bây giờ tôi chẳng còn là sinh viên nữa. Và tôi biết, tôi không phải là người duy nhất được cô quan tâm nhiều như thế.
Có những lúc nội bộ lớp xảy ra mâu thuẫn, cô lại là người đứng giữa khuyên nhủ. Làm vừa lòng hai người đã khó, làm vừa lòng cả lớp có hàng trăm sinh viên còn khó hơn rất nhiều. Áp lực từ mọi phía, có lẽ cô đã rất mệt mỏi, thế nhưng chưa bao giờ cô mang cảm xúc cá nhân của mình khi làm việc với chúng tôi. Đã có lần tôi lặng hàng giờ trước những dòng cô gửi đến lớp tôi, những dòng chứa chan cảm xúc và mang nặng nỗi lòng của một người mẹ dành cho những đứa con thơ của mình. Trong tôi lúc ấy, cô cao cả lắm, cô ơi... Ánh mắt cô đôi lúc đượm buồn, khuôn mặt cô đôi lúc có sự mệt mỏi thoáng qua. Thế nhưng sự vô tâm của chúng tôi chưa bao giờ nhận ra điều đó. Và cô thì vẫn vậy, nhẫn nại, kiên trì và thầm lặng.
Tôi được biết sức khỏe của cô không được tốt. Không ít lần cô bị ngất, không ít lần cô phải đi viện trị bệnh. Thế nhưng chưa một lần cô phàn nàn với chúng tôi, chưa một lần cô vô trách nhiệm với chúng tôi. Đôi lúc tôi tự hỏi, nghị lực nào đã giúp cô mạnh mẽ đến vậy ?
Nếu như người khác tự hào họ có thầy giỏi, có học hàm này, học vị kia, thì tôi, tự hào vì có một người cô như thế. Với sinh viên xa nhà như chúng tôi, thứ chúng tôi cần nhất là tình thương của cô, sự chăm sóc quan tâm của những người thầy. Cô là điều tuyệt vời nhất mà có lẽ trong bốn năm đại học chúng tôi có được – nó ngọt ngào và thơm dịu làm sâu lắng lòng người như chính cái tên của cô vậy – trà hoa Cúc. Cô hy sinh cho chúng tôi rất nhiều, mà nào có mong một lần được báo đáp. Giữa bộn bề lo toan của cuộc sống, giữa những trầm bổng của cuộc đời, cô của tôi có lẽ giống như một nốt “ Lặng ” . Một nốt “lặng” cho lòng ai lắng lại, một nốt “lặng” để lòng cảm thấy bình yên, và ... một nốt “lặng” cho cuộc đời thêm đẹp...