Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015)

30-12-2015 03:39 Xem: 3861 lần
Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015)_thumbnail

“Khúc vui xin lại so dây cùng Người”

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” là lời nhận xét của ông chủ bút báo Nam Phong – Phạm Quỳnh khi nói về Truyện Kiều. Tác phẩm được mệnh danh là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc, có thể thấy giá trị của Truyện Kiều trong nền văn hóa dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tối ngày 26/12, Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa học đã long trọng tổ chức chương trình Đêm chiếu Kiều“Khúc vui xin lại so giây cùng Người” như một lời tri ân với nhà thơ lỗi lạc của dân tộc. Đến dự có đông đảo nhà văn, nhà thơ, cựu học sinh các trường trong khối Đại học Thái Nguyên, các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh, cùng đông đảo các bạn sinh viên.

Đêm chiếu Kiều: “Khúc vui xin lại so dây cùng Người”

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái – Trưởng Khoa Văn – Xã hội, trưởng BTC nhấn mạnh: Truyện Kiều gắn với tên tuổi Nguyễn Du, nó có một vị trí vô cùng quan trọng, đóng góp những giá trị nghệ thuật đối với nền văn học dân tộc và có vị thế quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.

Lẩy Kiều – một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo

Với hình thức “chiếu Kiều” độc đáo, khán giả đã có dịp thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sắc xuất phát từ Truyện Kiều như: lẩy Kiều, trò Kiều, tranh Kiều, bói Kiều… Đặc biệt, dưới sự sáng tạo của các bạn sinh viên, nhiều phân đoạn nổi tiếng trong Truyện Kiều đã được “sân khấu hóa” một cách thành công, vừa giữ được linh hồn của tác phẩm, vừa thể hiện góc nhìn của giới trẻ với Truyện Kiều.

Trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều” được các bạn sinh viên thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa

Bên cạnh đó, qua những phóng sự ngắn, các bạn sinh viên ngành Báo chí đã phản ánh một cách rõ nét thực trạng tiếp nhận Truyện Kiều trong đời sống hiện nay. Bên cạnh những giá trị xuyên suốt theo thời gian thì việc đại bộ phận giới trẻ đang không còn biết đến Truyện Kiều, không cảm nhận hết giá trị của Truyện Kiều đã và đang là một thực trạng đáng báo động. Liệu rằng “Ba trăm năm lẻ nữa/Người đời ai khóc Tố Như chăng?”,làm sao để bảo tồn và phát huy được giá trị của Truyện Kiều trong đời sống hiện đại đã và đang là câu hỏi khó đối với những nhà nghiên cứu, nhưng người yêu Kiều, say mê với Kiều.

Các vị khách mời rất chăm chú theo dõi

Cũng tại chương trình, các vị khách mời và các bạn sinh viên cũng được tìm hiểu thêm về một người thầy dành cả cuộc đời mình để giảng dạy, truyền đạt tình yêu Truyện Kiều đối với nhiều thế hệ sinh viên, đó là thầy Phạm Luận – cố giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. TS. Ngô Gia Võ – cựu sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: “Thầy giảng Kiều và bình Kiều từng câu một, với phong cách không giống như một nghệ sĩ đi lại trên bục giảng hay cầm phấn viết những từ ngữ hoa mỹ, nhưng khiến chúng tôi mê mẩn đến mức không dám thở mạnh.”

Đêm truyện Kiều“Khúc vui xin lại so giây cùng Người” không chỉ là một lời tri ân đến vị Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, mà còn là hoạt động truyền tải tình yêu Truyện Kiều đến thế hệ trẻ. Để rồi, “Chắc chắn ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời vẫn sẽ khóc Tố Như”.

Phạm Nam (Báo chí K11A)