Những bài học thực tiễn của sinh viên ngành Địa lý qua chuyến học tập thực tế chuyên môn của lớp cử nhân Địa lý K11

09-12-2015 08:39 Xem: 2701 lần
Những bài học thực tiễn của sinh viên ngành Địa lý qua chuyến học tập thực tế chuyên môn của lớp cử nhân Địa lý K11_thumbnail

Nằm trong kế hoạch đào tạo của ngành cử nhân Địa lý, từ ngày 20/11/2015 đến 26/11/2015, đoàn cán bộ giảng viên và sinh viên (SV) lớp CN Địa lý K11- Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất đã đến Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể thực tế môn học “Thực địa địa lý tự nhiên tổng hợp và trắc địa”. Đây là một trong những hoạt động đào tạo thực tế thường niên của ngành Địa lý với mục đích giúp SV gắn kết giữa kiến thức lý thuyết trên lớp với kiến thức thực tiễn. Qua chuyến học tập thực tế các giảng viên muốn củng cố kiến thức học phần đã được SV nghiên cứu và học tập trên lớp.

Trong 7 ngày tại Ba Bể, các giảng viên đã hướng dẫn SV học tập dưới nhiều hình thức: nghe báo cáo và thảo luận cùng cán bộ VQG, cùng chuyên gia lâm nghiệp; phỏng vấn người dân bản Bó Lù, Pắc Ngòi. Trong chuyến đi thực tế, sinh viên được trực tiếp nghiên cứu, khảo sát, điều tra, thực hành đo vẽ, phân tích mẫu ngoài thực địa các thành phần tự nhiên: địa chất, địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn, thảm thực vật. Trong buổi học đầu tiên, khi nghe báo cáo của cán bộ VQG, các em sinh viên hiểu hơn về đặc điểm tài nguyên, đa dạng sinh học và bảo tồn hệ sinh thái của VQG. Bên cạnh những buổi học tập tại trụ sở của vườn, các em cũng có những buổi học trải nghiệm thực tiễn. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ VQG, của cán bộ lâm nghiệp trong tuyến tham quan sinh thái rừng, sinh viên càng hiểu hơn về các loài bản địa, đặc hữu tại vườn, vấn đề bảo tồn và phương thức bảo vệ, tái tạo tài nguyên rừng của VQG. Sinh viên cũng được thực tế đo vẽ, phân tích ô tiêu chuẩn thực vật trong rừng nguyên sinh, rừng trồng. Bên cạnh đó, những buổi thực tế dã ngoại bằng thuyền trên hồ Ba Bể, trên dòng sông Năng đã giúp SV nghiên cứu, vận dụng kiến thức học tập giải thích đặc điểm thủy văn sông hồ đặc thù của khu vực. Để gắn lý thuyết với học tập thực tế, các em đã được thực hành đo đạc, phân tích các thông số khí hậu, thủy văn thông qua báo cáo  và sự chỉ dẫn của cán bộ trạm khí tượng Chợ Rã, trạm thủy văn Đầu Đẳng. Đặc biệt, chuyến thực địa đã mang lại cơ hội cho các bạn SV quan sát những loài cây đặc hữu như cây “trúc dây”, những cây gỗ quý mà lâu nay chỉ được nghe nói trên sách vở... Kết hợp trong từng buổi học thực tế đó, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên phân tích  về các quá trình địa chất địa mạo hình thành hồ Ba Bể, thác Đầu Đẳng. Trên cơ sở kiến thức đã học, các em đã giải thích được đặc điểm địa mạo, cấu trúc địa chất của VQG và thực hành đo vẽ thế nằm của đá. Để hiểu sâu hơn về đặc điểm điều kiện tự nhiên, phân hóa tài nguyên thiên nhiên khu vực, có những buổi học, đoàn học tập đã đi bộ hơn 10 km dọc theo tuyến đường xuyên vùng lõi của Vườn quốc gia để khám phá thế giới tự nhiên Ba Bể. Trong đó, đáng lưu ý các em đã được nghiên cứu hang động đẹp điển hình của khu vực: động Hua Mạ, động Nà Phòng, động Puông. Mỗi hang động lại có vẻ đẹp kỳ bí khác nhau, song bằng kiến thức đã học, SV hiểu được lịch sử phát triển địa chất và giải thích được nguyên nhân dẫn đến sự khác lạ của những hang động thiên nhiên đó. Một phần trong số những buổi học thực tế, khi nghiên cứu tài nguyên đất khu vực, các em được trực tiếp đào phẫu diện đất, lấy mẫu, đo vẽ, xác định thành phần, tính chất lý hóa học và giải thích nguyên nhân hình thành đất... Từ những bài học thực tiễn đó, các em đã thực sự yêu thích và say mê hơn các môn học chuyên ngành. Buổi học thực tế còn như gắn kết mỗi bạn SV lại với nhau, gần gũi, hiều nhau, tập thể lớp có thêm sự đoàn kết, chia sẻ và yêu thương.

Mặc dù trong suốt khoảng thời gian học tập, tiết trời khá lạnh, thiếu chăn ấm, điều kiện sinh hoạt khó khăn, song các em vẫn tích cực học tập. Nhiều tối nội nghiệp, các nhóm sinh viên trao đổi kiến thức sôi nổi, không khí học tập của lớp lúc nào thêm phần hứng khởi. Có thể nói qua chuyến đi thực tế này, ngoài kiến thức thực tiễn, sinh viên được rèn luyện thêm một số kỹ năng mềm như: khả năng giao tiếp, làm việc nhóm; kỹ năng thu thập, phân tích và xử lý thông tin; kỹ năng tích lũy kinh nghiệm, làm quen với nghiên cứu khoa học.

Chuyến thực địa đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Những kiến thức thực tế cần thiết đã được sinh viên học hỏi, khám phá và trải nghiệm. Các em như có thêm tình yêu đối với thiên nhiên, với quê hương đất nước và con người nơi đây. Mong rằng một ngày gần nhất, những lớp SV khóa tiếp sau lại được trở lại thực địa tại VQG Ba Bể.

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của Đoàn trong đợt thực địa:

Cô và trò trên đường khám phá động Hua Mạ

ThS. Vũ Thị Phương hướng dẫn SV nghiên cứu đặc điểm địa chất khu vực và đo vẽ thế nằm của đá

Tuyến nghiên cứu thú vị của đoàn thực tế trên hồ Ba Bể và dòng sông Năng

Cô và trò nghe báo cáo về đa dạng sinh học của VQG Ba Bể

Sinh viên học tập tại trạm thủy văn Đầu Đẳng

Sinh viên thực hành đo vẽ ô tiêu chuẩn tại khu vực rừng trồng cây Xưa - Ba Bể

Lớp CN Địa lý K11 chụp ảnh kỷ niệm cùng giáo viên tại VQG Ba Bể

Vân Hương, khoa KH MT&TĐ