Serminar khoa học của khoa Khoa học sự sống năm học 2015 - 2016

29-11-2015 02:39 Xem: 2111 lần
Serminar khoa học của khoa Khoa học sự sống năm học 2015 - 2016_thumbnail

Với mục đích để cán bộ, giảng viên trong khoa và giữa các khoa trong nhà trường thường xuyên có điều kiện trao đổi, thảo luận về những kết quả nghiên cứu mới nhất; đồng thời học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ các thông tin khoa học hữu ích, ngày 12/11 và ngày 16/11 tại phòng Hội thảo - Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, khoa Khoa học Sự sống đã tổ chức các buổi seminar khoa học do các tân tiến sĩ và nghiên cứu sinh của khoa thực hiện.

TS. Lê Thị Thanh Hương mở đầu bằng báo cáo về chủ đề “Đa dạng nguồn cây thuốc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên”. Nội dung báo cáo đề cập đến đa dạng nguồn cây thuốc và tri thức bản địa trong sử dụng cây cỏ làm thuốc của cộng đồng dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên. Nghiên cứu chỉ ra một tiềm năng phát triển nguồn dược liệu tự nhiên tại Thái Nguyên nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược. Đồng thời, chứng minh vai trò kháng ung thư của những loài dược liệu quý bằng các nghiên cứu thực nghiệm chuyên sâu ở cấp độ tế phân tử và tế bào. Nghiên cứu về đa dạng nguồn tài nguyên dược liệu cũng như ứng dụng trong sản xuất các chế phẩm phục đời sống con người có nguồn gốc thiên nhiên sẽ được Khoa Khoa học Sự sống chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới.

TS. Lê Thị Thanh Hương báo cáo tại buổi Seminar

Báo cáo tiếp theo trong ngày 12/11 được NCS. Nguyễn Thị Yến trình bày với chủ đề về “Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường”. Báo cáo đề cập đến một vấn đề thời sự hiện nay là nguyên nhân, hậu quả của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ở các vùng miền khác nhau trên cả nước, kèm theo đó là các giải pháp để giảm bớt hậu quả mà nó gây ra trong tương lai. Một hướng nghiên cứu tiếp cận ở góc độ sinh học nhằm đánh giá sự thay đổi của các yếu tố môi trường liên quan đến hiệu ứng nhà kính cũng được đề cập và sẽ được triển khai trong thời gian tới tại Khoa Khoa học Sự sống.

NCS. Nguyễn Thị Yến báo cáo tại buổi Seminar

Trong sáng ngày 16/11, TS. Trịnh Đình Khá đã báo cáo một số kết quả ban đầu trong việc tạo ra các chế phẩm có khả năng ức chế vi sinh vật gây bệnh. Nhóm nghiên cứu này đã chiết xuất dịch chiết từ cây Trám trắng (Canarium album) và kiểm tra khả năng ức chế một số vi sinh vật gây bệnh ở người như Trực khuẩn mủ xanh, Tụ cầu vàng và E.coli. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu đã kết hợp với TS. Nguyễn Văn Hảo - Khoa Vật lý Công nghệ cũng bước đầu đánh giá khả năng diệt vi một số vi khuẩn bằng việc sử dụng các hệ thống tạo plasma tự chế. Mặc dù, kết quả nghiên cứu bước đầu thu được khá khả quan, song những nghiên cứu tiếp theo sẽ được tiến hành để tạo ra được một số chế phẩm tự nhiên có thể áp dụng trong đời sống.

TS. Trịnh Đình Khá tại buổi báo cáo

Cùng ngày, TS. Nguyễn Phú Hùng đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Pháp giai đoạn 2011-2015. Nghiên cứu đã lần đầu tiên chỉ ra marker mới để xác định và phân lập tế bào gốc ung thư dạ dày ở người. Đáng chú ý trong nghiên cứu này, liệu pháp sử dụng All trans retinoic acid (ATRA) để gây biệt hóa tế bào gốc ung thư dạ dày nhằm điều trị hiệu quả ung thư dạ dày ở người đã được thực hiện. Kết quả của nghiên cứu đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc tìm kiếm giải pháp chống lại ung thư dạ dày ở người (theo đánh giá của GS. Gegardo Nardone, Khoa Y học lâm sàng - Đại học Naples Federico II, Italy và GS. Matysiak-Budnik, khoa Đường ruột - Bệnh viện Hôtel Dieu - Đại học Nances, Pháp). Kết quả nghiên cứu được trình bày trong các Hội nghị Quốc tế uy tín tại Roma và Berlin (2014), Paris và Washington (2015). Seminar có sự tham gia TS. Phạm Thế Chính và TS. Dương Nghĩa Bang (nhóm nghiên cứu Hóa dược - khoa Hóa học) và TS. Vũ Xuân Hòa (nghiên cứu chuyên sâu về Vật lý y sinh - Khoa Vật lý Công nghệ) đã mở ra cơ hội hợp tác khoa học giữa 3 khoa nhằm xây dựng các hướng nghiên cứu chuyên sâu và đa ngành, đồng thời hướng tới các công bố quốc tế có chất lượng tốt.

TS. Nguyễn Phú Hùng trình bày báo cáo “Xác định đặc tính và liệu pháp nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày”

Rất hy vọng trong thời gian tới, khoa Khoa học Sự sống sẽ có những bước tiến mới trong việc nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm xây dựng khoa ngày càng lớn mạnh.