Khoa KHMT&TĐ thực tế chuyên môn 1 tại vườn quốc gia ba bể, tỉnh Bắc Kạn

01-12-2015 08:48 Xem: 3538 lần
Khoa KHMT&TĐ thực tế chuyên môn 1 tại vườn quốc gia ba bể, tỉnh Bắc Kạn_thumbnail

Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2015 – 2016 của nhà trường, nhằm mục tiêu gắn kết lý thuyết với thực tế, từ ngày 21/11/2015 đến ngày 25/11/2015, đoàn cán bộ Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất (do thầy giáo – TS Ngô Văn Giới làm Trưởng đoàn) đã đưa sinh viên lớp Cử nhân Khoa học Môi trường K11, Quản lý tài nguyên K11 đi thực tế chuyên môn tại huyện Vườn Quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Đoàn đã tham quan, học tập, khảo sát về địa chất, địa mạo, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thổ nhưỡng đại cương tại Trạm khí tượng Ba Bể, VQG Ba Bể và một số xã vùng đệm. Có những em sinh viên lần đầu tiên được đặt chân đến những điểm học tập này, đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ hùng vĩ của Hồ Ba Bể – 1 trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể với ba nhánh thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Sau mỗi ngày làm việc ngoài thực địa, thầy trò lại cùng nhau tổng kết, rút kinh nghiệm. Những hiểu biết về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa hay địa chất, thổ nhưỡng khu vực VQG Ba Bể được các em thể hiện bằng những báo cáo rất sinh động, sáng tạo. Chuyến đi Bản Pác Ngòi đã củng cố cho sinh viên nhiều kiến thức về văn hoá bản địa trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là lâm nghiệp, quản lí bảo vệ rừng. Các em cũng đã được nhận biết những tác động môi trường của một số hành động phát triển như xây dựng đường giao thông, hoạt động du lịch sinh thái...

Trong những buổi tối nội nghiệp, ngoài trình bày kết quả khảo sát trong ngày, các em sinh viên còn được giao lưu với các thầy cô giáo. Các thầy cô đã tư vấn cho các em nhiều kinh nghiệm làm việc, những kiến thức, kĩ năng cần tích luỹ để đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Đây thực sự là chuyến đi làm em nhớ mãi. Lần đầu tiên em đi bộ nhiều thế, và thấy cuộc sống của người dân khó khăn như vậy. Em rất mong được trở lại đây một lần nữa, để có thể được làm gì đó cho núi rừng Ba Bể và người dân nơi đây”. Đó là cảm nghĩ của sinh viên Trần Thị Liên, cũng là cảm nghĩ của nhiều sinh viên lớp Cử nhân Khoa học Môi trường K11.

Chuyến đi đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Những kiến thức thực tế cần thiết đã được sinh viên học hỏi, khám phá, trải nghiệm, những cảm xúc đã được khơi dậy. Mong rằng trong tương lai gần, sẽ lại có thêm nhiều sinh viên của Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất trở lại với Ba Bể, Bắc Kạn.

Khảo sát địa chất động Hua Mạ

Khảo sát tài nguyên thiên nhiên

Khảo sát về du lịch và địa chất, địa mạo, tài nguyên nước

Lập ô tiêu chuẩn, xác định độ đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Ba Bể

Phỏng vấn người dân địa phương - Vừa làm vừa hỏi

Phỏng vấn về kinh nghiệm truyền thống của cộng đồng địa phương trong sản xuất

Nguyễn Thị Hồng Viên – Khoa Khoa học Môi trường và