“Khúc vui xin lại so dây cùng Người” – Nốt nhạc chậm giữa dòng đời hối hả

30-12-2015 03:33 Xem: 1949 lần
“Khúc vui xin lại so dây cùng Người” – Nốt nhạc chậm giữa dòng đời hối hả_thumbnail

Khi những ngày cuối cùng của năm 2015 dần khép, lắng sau những sự kiện kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du trên mọi miền đất nước, thầy trò  Khoa Văn- Xã hội đã tưởng nhớ Người theo một lối riêng: chứng minh giá trị trường tồn của Truyện Kiều từ nhiều góc độ của cuộc sống thông qua một chuỗi hoạt động chuyên môn. Đêm tri ân “Khúc vui xin lại so dây cùng Người” diễn ra hồi 19h30 ngày 26.12. 2015 tại Nhà Hiệu bộ, Trường Đại học Khoa học không chỉ đánh dấu kết quả đạt được của các hoạt động trước đó, mà còn là cơ hội gặp gỡ giữa thày và trò Văn khoa nhiều thế hệ cùng chung niềm say mê, là khoảnh khắc để chia sẻ những tâm tư về cuộc đời qua lăng kính Truyện Kiều. Và trên tất cả, đây là chương trình quy tụ những tấm lòng thực trân trọng, thực hiểu và thực yêu tác phẩm vốn được coi là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc.

Chương trình gây ấn tượng ngay từ khung cảnh. Nền sân khấu tái hiện một góc thư phòng của nhà nho xưa: một cung đàn treo hờ hững, đôi khóm “vi lô san sát hơi may” bên giá sách nhỏ, nơi những bản in Truyện Kiều cũ kỹ được trang trọng đặt ở vị trí đặc biệt đang mở sẵn, khẽ lay. Không gian yên tĩnh dưới ánh sáng dịu của đèn lồng, phảng phất trầm hương khiến khán giả như lạc vào một thế giới riêng- thế giới Truyện Kiều.

Như không thể hài hòa hơn, chương trình xóa đi khoảng cách giữa diễn viên và khán giả bằng hình thức sân khấu dân gian kiểu chiếu đình. Xen kẽ giữa các trích đoạn được sân khấu hóa là các thú chơi tao nhã như ngâm Kiều, lảy Kiều, đố Kiều, thả Kiều, bói Kiều… với nội dung được bố cục bài bản. Tất cả quyện hòa thành một mạch chảy thống nhất tái hiện sinh động cuộc đời chìm nổi của người con gái tài sắc Thúy Kiều. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại ngay trên sân khấu này đã khẳng định sự ảnh hưởng lớn lao Truyện Kiều trong đời sống tinh thần của người Việt xưa và nay.

Xúc động hơn, chương trình còn là nơi gặp gỡ, chia sẻ của các thày cô giáo vốn là cựu sinh viên Văn khoa nhiều thế hệ, cùng chung niềm thổn thức với từng dòng thơ Nguyễn Du. Trong khoảnh khắc giao lưu, tất cả cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ gắn liền công ơn của nhà nghiên cứu- nhà giáo Phạm Luận, người đã đánh thức và trao truyền tình yêu Truyện Kiều cho biết bao thế hệ nối tiếp, để người người ngày một thực hiểu và thực tâm yêu Truyện Kiều hơn. Như con tằm rút ruột nhả tơ, thầy chính là người âm thầm mà mạnh mẽ khẳng định giá trị của tác phẩm trong giới phê bình Việt Nam và quốc tế, góp phần làm nên sự trường tồn và sức sống lan tỏa thực thụ của kiệt tác.

Có thể nói, “Khúc vui xin lại so dây cùng Người” là tấm lòng thành kính biết ơn của thầy trò khoa Văn- Xã hội dâng lên tác giả- người đã đem Truyện Kiều đến với chúng ta và dâng lên thầy- người đã góp phần làm nên sức sống lâu bền của Truyện Kiều trong lòng nhiều thế hệ. Một nốt nhạc chậm giữa đời đủ khiến lòng ta lắng lại, trân trọng những tinh hoa mà người trước trao cho,  sống thật với cảm xúc của mình để yêu người và yêu đời nhiều hơn.

Tú Anh