Tổ chức các hoạt động thực tế sinh viên góp phần cải tiến chất lượng chương trình đào tạo ngành Khoa học quản lý , khoa Luật & Quản lý xã hội

23-11-2016 01:49 Xem: 1238 lần
Tổ chức các hoạt động thực tế sinh viên góp phần cải tiến chất lượng chương trình đào tạo ngành Khoa học quản lý , khoa Luật & Quản lý xã hội_thumbnail

Thực hiện theo kế hoạch số 272/KH-ĐHKH (ban hành ngày 16/4/2015) của trường Đại học Khoa học, Khoa Luật & QLXH đã tiến hành đánh giá hiện trạng sinh viên tốt nghiệp đối với sinh viên ngành KHQL. Căn cứ vào các ý kiến đóng góp và khuyến nghị trong Phiếu khảo sát được đưa ra bởi các chuyên gia, nhà tuyển dụng, hơn một năm qua, Khoa Luật và QLXH đã tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động  hướng đến cải tiến chất lượng chương trình đào tạo như kế hoạch đã đề ra.

Theo thiết kế của chương trình đào tạo, khi kết thúc học kỳ VI, sinh viên ngành KHQL được lựa chọn một trong hai chuyên ngành: Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý các vấn đề xã hội và chính sách xã hội. Mục tiêu đào tạo các chuyên ngành là tập trung người học vào các hướng nghiên cứu chuyên sâu, giúp các em sinh viên có thể phát triển kỹ năng vận dụng kiến thức được trang bị trên giảng đường, nghiên cứu và đề xuất các phương thức giải quyết tình huống quản lý một cách nhạy bén, hình thành tư duy phản biện và kỹ năng giao tiếp linh hoạt...

GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường ĐHKH chỉ đạo Khoa Luật & QLXH một số hoạt động cải tiến chất lượng đào tạo trong năm học mới

Tiếp nối các hình thức tổ chức hoạt động học tập theo mô hình nghiên cứu từ thực tế (tổ chức nghe báo cáo chuyên đề, tổ chức tham quan, học tập ngoại khóa...) được triển khai từ năm học 2014-2015, Khoa Luật & QLXH đã tích cực tổ chức cho sinh viên tham quan, học tập thực tế tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, địa phương theo các học phần chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo.

Sinh viên ngành KHQL nghiên cứu mô hình cai nghiện ma túy ở trung tâm, tại đảo Kim Bảng và đảo Long Hội, Trung tâm chữa bệnh, lao động xã hội tỉnh Thái Nguyên

Sinh viên ngành KHQL quan sát định mức lao động tại phân xưởng may số 2 chi nhánh TNG

       Kết thúc quá trình khảo sát thực tế, các em sinh viên được tổ chức thành các nhóm nghiên cứu, mỗi nhóm gồm 4 đến 6 em, bao gồm trưởng nhóm, thư ký, các thành viên và 1 giáo viên hướng dẫn. Mỗi nhóm sinh viên sẽ tiến hành xây dựng một báo cáo nghiên cứu, được trình bày dưới dạng các đề xuất đề tài nghiên cứu có giải pháp ứng dụng hoặc đề xuất các dự án sinh kế cho người dân từ thực tiễn công tác quản lý của doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, địa phương. Sau 1-2 tuần sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu, Khoa Luật & QLXH sẽ tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề cho sinh viên với sự tham dự của các chuyên gia và các nhà quản lý đến từ các đơn vị, tổ chức mà sinh viên đã tham quan thực tế.

Nhóm sinh viên ngành KHQL báo cáo một dự án sinh kế cho người nông dân  trong phát triển mô hình kinh tế gia trại

Đội ngũ nhân sự Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG hướng dẫn nghiệp vụ cho sinh viên ngành KHQL

Ông Vũ Đức Quyết - Trưởng phòng bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH nhận xét các nhóm sinh viên báo cáo

Ông Phan Văn Bình - trưởng phòng LĐ và An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH nhận xét các nhóm sinh viên báo cáo

       Sau khi triển khai thực hiện các hoạt động thực tế theo các học phần chuyên ngành cho sinh viên năm thứ 4, Ban chủ nhiệm Khoa Luật & QLXH đã không ngừng tích cực liên kết với các cơ sở ngoài nhà trường để tạo ra các môi trường học tập thực tế cho các em sinh viên. Học tập thực tế sẽ giúp sinh viên có khả năng chọn lọc những gì cần học và nên học, rút ngắn khoảng cách lý thuyết và việc làm, tạo cho sinh viên sự tự tin, trưởng thành, tính chủ động, linh hoạt, các kỹ năng làm việc cơ bản và có cái nhìn thực tế về công việc cũng như có những trải nghiệm gần nhất với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp. Thời gian tới, Khoa Luật & QLXH sẽ tổ chức nhiều hoạt động thực tế thiết thực hơn nữa cho sinh viên các chuyên ngành, để hướng đến mục tiêu sản phẩm của chương trình đào tạo ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng yều cầu thị trường lao động xã hội.

Cúc Minh