- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” đó là câu mà ông cha ta thường nói. Hay Thomas Fuller đã đúc kết trong câu danh ngôn rất hay rằng: “Hãy đi tìm thực tế, nếu không thực tế sẽ tìm đến bạn. Và khi bạn có được chúng, hãy có chúng đúng cách, nếu không chúng sẽ tóm được bạn trong sai lầm”.
“Học đi đôi với hành” là một trong những phương châm của nhiều cơ sở đào tạo các cấp, đặc biệt với các trường đại học, cao đẳng, việc gắn giảng dạy trên giảng đường với các chương trình thực tập, thực tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong quá trình đổi mới chương trình và phương pháp dạy học ở các trường đại học, hoạt động thực tế càng được chú ý hơn vì nó gắn chặt với việc thực hiện kĩ năng nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Có thể thấy rõ hoạt động thực tế có rất nhiều ý nghĩa với việc học tập và rèn luyện của sinh viên, nhất là sinh viên ngành Địa lý. Vì thế, được sự đồng ý của Ban giám hiệu, Ban chủ nhiệm Khoa, từ ngày 07 đến ngày 13 tháng 11 năm 2016 dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong bộ môn Địa lý - khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất - trường Đại học Khoa học, sinh viên lớp cử nhân Địa lý K11 đã thực hiện chuyến đi thực tế tại tỉnh Lào Cai.
Nội dung thực tập nhằm củng cố kiến thức lý thuyết và bổ sung kiến thức, kỹ năng thực tế về các học phần: Cơ sở Địa lý Nhân văn, Địa lí tự nhiên Việt Nam, Địa lý kinh tế - xã hội Việt Nam, Cơ sở cảnh quan, Đánh giá tác động môi trườngg….. Đối với sinh viên ngành Địa lý sau mỗi học phần học tập trên giảng đường, những chuyến đi thực địa không chỉ là những cơ hội quý báu cho mỗi sinh viên củng cố kiến thức lý thuyết đã học và trải nghiệm kiến thức thực tế. Đặc biệt đối với sinh viên năm cuối, thực địa Địa lí càng có vai trò quan trọng hơn khi mỗi sinh viên đang chuẩn bị những hành trang cuối cùng để hòa mình vào cuộc sống xung quanh, cũng như xác định định hướng công việc phù hợp với ngành đào tạo.
Xuất phát từ Thái Nguyên, đoàn theo cao tốc Hà Nội- Lào Cai thẳng tiến. Đã từng nghe về con đường cao tốc dài nhất Việt Nam này và hôm nay chúng tôi được có những trải nghiệm thú vị về sự hiện đại và tiện lợi của nó. Nếu các chuyến thực địa trước đây, đoàn thực địa phải mất 10 giờ đồng hồ, vượt đèo, vượt núi đầy vất vả vì cả cô và trò đều say xe, thì nay thời gian di chuyển chỉ còn một nửa. Không chỉ là sự nhanh chóng mà hòa theo dòng xe xuôi ngược, tấp nập, dân Địa lý chúng tôi hoàn toàn tin vào sự phát triển của những tỉnh thành mà cao tốc đi qua. Chắc chắn rằng hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng sẽ phát triển xứng tầm với mục tiêu của Chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc đề ra và nó sẽ làm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh miền núi với các tỉnh đồng bằng Việt Nam.
Lào Cai đón đoàn thực địa bằng cái rét của khối không khí lạnh đầu mùa. Đi kèm với gió rét là mưa rả rích nhưng không vì thế mà làm cản bước chân của cô và trò. Cô và trò dường như càng gần nhau hơn, ấm áp hơn và hừng hực khí thế hơn mặc dù chỉ mang trên mình mảnh áo mưa mỏng mảnh. Địa điểm đầu tiên, đoàn thực địa đến tham quan, học tập là Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng và quy chế, chính sách. Khu kinh tế nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) đã đưa Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương đặc biệt quan trọng với hành trình ngắn nhất nối Việt Nam, các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc. Dưới sự đón tiếp nhiệt tình của Ban quản lý và sự hướng dẫn nhiệt tình của chiến sỹ bộ đội biên phòng, chúng tôi đã hiểu rõ hơn vai trò, sự phát triển của Khu kinh tế này với tỉnh Lào Cai.
Ngày hôm sau, cô trò chúng tôi tiếp tục tìm hiểu hoạt động khai thác, chế biến và các tác động môi trường tại mỏ Apatit (Cam Đường). Sự háo hức của sinh viên Địa lý lần đầu đi mỏ chỉ cầu mong cho trời ngừng mưa, đường vào mỏ không bị lầy thụt để ô tô có thể vào tận khai trường. Mong ước đó cũng trở thành hiện thực, đoàn thực địa đã được đứng giữa khai trường, trong mưa được nghe các cán bộ kỹ thuật của Công ty Apatit Việt Nam hướng dẫn tận tình. Những kiến thức trong sách vở được lần lượt làm sáng rõ trên thực tế nào là mỏ được hình thành ra sao, đặc điểm quặng như thế nào, các tác động môi trường khi khai thác và tuyển quặng…Và chúng tôi cứ miệt mài ghi chép và quan sát. Kết quả của tuyến thực địa này càng làm củng cố cho mỗi chúng tôi rằng Việt Nam không thật sự giàu có về tài nguyên khoáng sản, nên chúng ta cần khai thác, sử dụng hợp lý để giữ gìn tài sản quý báu cho các thế hệ mai sau.
Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II, Kim Thành
Khai trường mỏ Cóc, Apatit Lào Cai
Trong hành trình thực tế, mỗi điểm, tuyến thực địa, mỗi sinh viên Địa lý chúng tôi đều rất háo hức nhưng có lẽ Sa Pa là địa bàn mà chúng tôi mong chờ nhất. Mọi người biết đến Sa Pa là khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng, song với chúng tôi đây còn là nơi chứa đựng nhiều kiến thức địa lý độc đáo, đặc sắc và nổi bật. Qua những tuyến tham quan khảo sát tại thị trấn, bản Cát Cát, đèo Ô Quý Hồ, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi đã hiểu hơn về sự phân hóa tự nhiên theo đai cao, theo chiều Đông Tây; các giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là những giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo cũng như sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi trung du phía Bắc. Hơn hết, chúng tôi hiểu rằng sức hút du lịch của Sa Pa có được nó là sự hội tụ của các những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của một địa danh nổi tiếng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nó hùng vĩ và hiểm trở đến thế nhưng con người chúng ta vẫn có thể chinh phục.
Trung tâm VQG Hoàng Liên
Chinh phục đỉnh Fanxipan
Công trình cáp treo Fanxipan là một minh chứng hùng hồn cho sự chinh phục đó. Công trình đã đạt 2 kỷ lục Guinness gồm: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.292,5 m). Ngồi trên cáp treo, mà chúng tôi vẫn chưa tin rằng mình sắp được lên Fanxipan, giấc mơ chinh phục nóc nhà Đông Dương. Và giấc mơ đã trở thành hiện thực sau khi chúng tôi mất 20 phút để vượt qua 600 bậc đá giữa mây mù, gió rét. Mặc dù mây mù cản trở tầm nhìn nhưng dân địa lý chúng tôi đã được nhìn, được sờ đất mùn thô than bùn trên núi, thực vật trúc lùn núi cao và đặc biệt là cái rét thấu xương của đai khí hậu ôn đới núi cao ở xứ sở nhiệt đới. Cầm cờ Tổ quốc, hít căng lồng ngực khí trời, mỗi thầy cô và sinh viên Địa lý K11 càng thêm yêu, thêm tự hào về đất nước Việt Nam. Trong sự tự hào đó là trách nhiệm xây dựng và phát triển đất nước có dấu chân của những nhà Địa lý tương lai.
Nếu như ngày, chúng tôi hăng say với các tuyến thực địa, thì tối đến sinh viên lại tích cực nội nghiệp, làm bài tập để củng cố và nghiên cứu các vấn đề trong chuyến thực tế đã đi. Tranh thủ tối đa thời gian, dù thức đến nửa đêm nhưng mỗi sinh viên Địa lý K11 đều cố gắng hoàn thành báo cáo cho buổi Seminar dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô. Vì thế, cả đoàn đã có buổi Seminar thành công và thú vị, sinh viên chúng tôi được trình bày, được chia sẻ với nhau những kiến thức thực tế bổ ích.
Dừng chân trạm ga Fanxipan
Báo cáo seminar thực địa
Chuyến thực địa đã để lại trong mỗi sinh viên nhiều cảm xúc khó quên. Sau chuyến đi này, mỗi thành viên của lớp cử nhân Địa lý K11 đều cảm thấy gắn bó và thêm yêu thiên nhiên, thêm yêu những con người nơi mảnh đất Sa Pa hùng vĩ, yêu đất nước Việt Nam tươi đẹp... Chuyến thực địa này đã để lại cho sinh viên lớp cử nhân Địa lý K11 nhiều bài học quý báu, giúp sinh viên chúng tôi hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm với công việc trong tương lai của mình – công việc của những người làm Địa lý. Trên hết, quãng thời gian thực tế tuy ngắn ngủi, nhưng nó như chất keo dính gắn kết chúng tôi lại với nhau để chúng tôi có nhiều thời gian hiểu nhau hơn. Đại học là cuộc sống rộng mở, đôi khi khó có thể gặp nhau. Nhưng qua chuyến đi này, tôi hiểu hơn về tính cách, thói quen của từng người. Nó giúp chúng tôi biết yêu thương, chia sẻ hơn. Hơn hết tất cả, là chúng tôi là dường như là một, cảm thông và thấu hiểu nhau.
Chúng tôi đã học thế đó, không chỉ trên giảng đường mà còn từ chính những điều mà mình trải nghiệm, nghe thấy, nhìn thấy. Quả thực đây là một chuyến đi ý nghĩa, vô giá trong đời sinh viên với vô vàn điều bổ ích đã được thu đầy trong “túi ba gang” của những sinh viên chuẩn bị rời xa mái trường, cất bước vững vàng trong sự nghiệp. Qua chuyến đi này, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm ấm áp của Nhà trường, các thầy cô giáo trong khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất, đặc biệt các thầy cô bộ môn Địa lý. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tập thể lớp Địa K11, xin gửi lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công đến toàn thể các thầy cô giáo của Trường Đại học Khoa học. Chúng em xin chân thành cảm ơn những tình cảm ấm áp, chân thành mà các thầy cô đã dành cho chúng em.
Phạm Thị Hồng Nhung- GV Khoa KHMT&TĐ
Hoàng Tuấn- SV Địa K11