- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Ngày 5/11/2016, Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Hà Nội, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định và Trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016. Theo đó, cả nước có 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư. Trường Đại học Khoa học vinh dự có TS Nguyễn Thị Thu Thủy và TS Dương Nghĩa Bang được phong học hàm trong đợt này.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời chúc mừng và nhiệt liệt biểu dương các thành tích mà các tân Giáo sư (GS) và Phó Giáo sư (PGS) năm 2016 đã đạt được. Lẵng hoa tươi thắm của Phó Thủ tướng gửi đến các tân GS, PGS thể hiện sự ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và cống hiến hết mình của các GS, PGS. Họ chính là lực lượng tiên phong trong trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa, đạo đức và khẳng định tầm vóc khoa học quốc gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa chúc mừng
Trong bài phát biểu của mình, GS Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chúc mừng và biểu dương những cống hiến lớn lao của các GS, PGS, đồng thời khẳng định đây cũng là kết quả của sự hỗ trợ, động viên, thậm chí là sự hi sinh từ các gia đình, sự hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên từ cơ quan và đồng nghiệp của các tân GS, PGS.
Sau báo cáo kết quả xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2016 của GS Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký HĐCDGSNN, các tân GS và PGS năm 2016 lần lượt được vinh danh, bước lên bục danh dự nhận hoa và Giấy chứng nhận công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cao quý này.
Trao giấy chứng nhận cho tân PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy
PGS. TS Dương Nghĩa Bang nhận Giấy chứng nhận
Để đạt tiêu chuẩn và được công nhận đạt tiêu chuẩn cao quý này, 02 nhà giáo của trường Đại học Khoa học là TS Nguyễn Thị Thu Thủy (ngành Toán học) và TS Dương Nghĩa Bang (ngành Hóa học) đã trải qua quá trình đánh giá hồ sơ theo yêu cầu gắt gao của HĐCDGSNN.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy đã công bố 19 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, trong đó có 15 bài báo đăng trên tạp chí ISI, Scopus; hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, 15 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, 03 sinh viên đạt Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" toàn quốc; đã hoàn thành 04 đề tài NCKH cấp Bộ; đồng chủ biên 02 cuốn giáo trình, sách chuyên khảo.
PGS.TS Dương Nghĩa Bang có 26 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 11 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế thuộc danh mục SCI; hướng dẫn 02 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, 01 sinh viên đạt Giải ba "Tài năng khoa học trẻ Việt Nam". Đã bảo vệ thành công 01 đề tài NCKH cấp Nhà nước, 01 cấp Bộ và chủ biên 02 giáo trình đã xuất bản.
Không chỉ đáp ứng đúng và đủ về điểm quy đổi các công trình khoa học, các GS, PGS còn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, điều kiện khác như thâm niên công tác, trình độ ngoại ngữ… theo Thông tư 30/2012/TT-BGD ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2009/TT-BGD ĐT ngày 17/7/209 quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS.
Đại diện lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp tặng hoa chúc mừng 02 tân PGS
GS Lê Thị Thanh Nhàn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học đã đến dự và tặng hoa chúc mừng chia vui với 02 tân PGS năm 2016. Ngoài ra, gia đình, người thân, bạn bè đồng nghiệp cũng chia sẻ niềm vui với các tân PGS bằng những bó hoa tươi thắm.
02 tân PGS chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo nhà trường, gia đình
Cũng tại thời điểm này của năm 2015, 02 nhà giáo của Trường Đại học Khoa học là GS. Lê Thị Thanh Nhàn (ngành Toán học) và PGS. Phạm Thị Phương Thái (ngành Văn học) được xướng tên và vinh danh tại buổi lễ này. Như vậy, với sự cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi, PGS Thu Thủy và PGS Nghĩa Bang đã tiếp tục ghi tên vào danh sách nhà giáo có học hàm cao của trường Đại học Khoa học, nâng tổng số GS và PGS lên số lượng là 06 người.
Một số thông tin tham khảo: 1. Năm nay, số ứng viên ban đầu: GS 118 người, PGS 813, tổng cộng 931, chỉ thấp hơn năm 2009 là 1.167, cao hơn tất cả các năm 2010-2015. Sau xét tuyển ở ba cấp hội đồng, chỉ còn được 65 GS và 638 PGS, tổng cộng là 703, đạt tỉ lệ 75,51%. Như vậy chỉ còn lại 3/4 số ứng viên ban đầu vinh hạnh được có mặt hôm nay ở đây! Con số các GS và PGS trong những năm gần đây như sau (năm/số): 2009/706, 2010/578, 2011/408, 2012/469, 2013/547, 2014/644, 2015/522, 2016/703. Tuổi trung bình khi được phong/bổ nhiệm của GS Việt Nam từ năm 1980 đến 2016, là 57,13 và của PGS là 50,14; Như vậy là già hơn các GS, PGS ở các nước phát triển. Trong lịch sử nước ta, khi được phong/bổ nhiệm, GS ở trong nước trẻ nhất là 37 tuổi và PGS là 29. Trong số 65 GS có 59 nam (90,77%), 6 nữ (9,23%), 73,85% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Trong 638 PGS có 449 nam (70,38%), 189 nữ (29,53%), 6 người dân tộc thiểu số, 79,62% là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Năm 2016, Văn phòng HĐCDGSNN nhận được 02 hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS đặc cách, trong đó có nhà giáo GS. Đào Văn Lập, ngành Vật lý, giảng dạy tại Trung tâm Khoa học Quang học và Lượng tử, Đại học Công nghệ Swinburne, Úc được đặc cách và công nhận tiêu chuẩn GS năm nay. 2. Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm 2016 (Tải về) Danh sách các GS và PGS năm 2016 (Tải về) |