Tết của sinh viên

29-12-2014 12:39 Xem: 1521 lần
Tết của sinh viên_thumbnail

Đông chí vừa qua, Tết đang đến rất gần. Người ta cảm nhận cái hơi Tết, khí Tết trong cái rét ngọt cuối mùa, trong những búp xuân e ấp, trong câu chuyện mắm, muối, gạo, gà của những người đi chợ. Thời điểm này, sinh viên đã kết thúc những môn thi cuối cùng, bước vào giai đoạn xả hơi với bao dự định hấp dẫn. Dạo một vòng quanh kí túc xá và xóm trọ sinh viên, ta có thể nghe rất rõ hơi thở ngập tràn một mùa xuân sớm.

Tết của sinh viên bắt đầu từ Giáng sinh tây lịch cho đến 23 Chạp ta – quãng thời gian nối giữa Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Tùy từng hoàn cảnh, sở thích, tính cách mà mỗi người chọn cho mình một cách đón Tết riêng. Sự phấn chấn, vui tươi những ngày cuối năm ánh lên trong mắt các bạn trẻ.

1. Tất bật làm thêm

Làm thêm dịp Tết là sự trải nghiệm mà ngày càng có nhiều sinh viên lựa chọn, kể cả những bạn có điều kiện gia đình dư dả. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi lúc thi xong, nhiều bạn nhanh chóng tìm cho mình một công việc thích hợp. Chia sẻ với chúng tôi, bạn Lục Thế Vịnh – sinh viên khoa Văn – Xã hội cho biết: “Ngoài giờ lên lớp, em nhận làm thêm cho Công ty Cây xanh. Nhiệm vụ của em là đến các công viên, đường phố, trường học trồng hoa, cây cảnh. Công việc này không quá vất vả và cho thu nhập khá (khoảng 100 ngàn/công). Khoản tiền kiếm được em dự định sẽ mua quà Tết cho gia đình và phụ bố mẹ đóng học phí kì học tới”. Được biết, khá nhiều nam sinh của trường ĐH Khoa học làm thêm cho Công ty Cây xanh bởi gần Tết, nhu cầu sửa sang, trang trí cơ quan, thành phố là rất lớn.

Những ngày giáp Tết, các bạn nữ sinh cũng dễ dàng tìm được một số công việc mang tính thời vụ như dọn dẹp nhà cửa, gói quà, làm hoa, bán hàng Tết.... Một cựu sinh viên ngành Vật lý kể lại: “Cả 4 mùa Giáng sinh, em đều tranh thủ làm thêm bằng nghề đóng giả ông già Tuyết đi phát quà cho các cháu. Nghề ông già Noel hấp dẫn em không phải chỉ bởi thu nhập mà quan trọng vì cảm giác được lũ trẻ hân hoan chờ đón. Kí ức sinh viên của em là những ngày như vậy”.

2. Đi thư viện, tại sao không?

Một số sinh viên thích chọn thời điểm cuối năm, sau khi thi xong để…đi thư viện. Lí do thật đơn giản, họ tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách, nhất là có thể nghiền ngẫm sách báo trong một không gian yên tĩnh. Lên thư viện mùa Tết rất khác so với cảm giác lên thư viện mùa thi. Không áp lực học hành, không xô bồ, chen lấn, không phải cố gắng nhồi nhét kiến thức lấp đầy đề cương ôn tập, bạn có thể thư thái đọc một tạp chí văn hóa, một cuốn tiểu thuyết yêu thích bấy lâu theo cách mà mình muốn. Một lời khuyên dành cho các bạn làm khóa luận và để tài khoa học, đó là hãy tranh thủ tối đa thời gian này để nghiên cứu tư liệu và “rậm rạp” viết vì sau Tết đã là thời điểm nước rút, nếu chờ đến lúc ấy mới trở tay, e bạn sẽ phải “vắt chân lên cổ”. Và trong tình thế đó, đề tài có hấp dấn đến đâu cũng sẽ trở thành tảng đá áp lực khổng lồ đè lên bạn.

3. Những nẻo đường tình nguyện

Không chỉ có mùa hè xanh, quãng thời gian giáp Tết cũng được coi là mùa tình nguyện bởi với cái lạnh tái tê, rất nhiều trẻ em và người nghèo cần đến mảnh chăn, manh áo. Thầy Vũ Thạch An, người gắn bó với CLB tình nguyện Khoa học xanh cho biết: “Niềm vui mỗi độ tết về của chúng tôi là lên đường đến những mảnh đất còn nhiều gian khó. Kể từ khi mạng xã hội ra đời, công việc từ thiện trở nên thuận lợi hơn. Tôi nhận ra nằng, cùng với những hoàn cảnh khó khăn cần được sẻ chia là  rất nhiều tấm lòng từ tâm đang mong tìm thấy một sự kết nối ”. Các câu lạc bộ tình nguyện mang tên Thiện nguyện, Hạnh phúc trao tay, Khoa học xanh hay chi hội sinh viên Bắc Giang, Phú Bình từ lâu trở thành cầu nối tin cậy để nhiều người gửi gắm tấm lòng thơm thảo đến những mảnh đời còn cực nhọc.

Người xưa có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” nhưng ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ tìm thấy niềm vui và sự cân bằng cuộc sống khi đến cửa Phật. Biết công việc sửa soạn cho những khóa lễ cuối năm tất bật, sinh viên thiện nguyện sẵn sàng chia sẻ những nhiệm vụ tưởng như chỉ dành cho các bà, các cụ. Một nhóm sinh viên ngành Việt Nam học từ khóa 8 đến khóa 11 mấy năm nay đã trở thành Phật tử quen thuộc của chùa Cả (xã Quyết Thắng). Họ lên chùa mỗi cuối tuần giúp sư thầy dọn dẹp trai đường, hương án, nấu bữa cơm chay hay đi phát tâm tình nguyện.  Bạn Nguyễn Thị Hồng tự hào nói về công việc này: “Nhà chùa đối với chúng em vừa thiêng liêng, vừa thân thiết. Đến chùa không chỉ khiến em cảm thấy tĩnh tâm, thư thái mà còn tạo cơ hội tiếp xúc với môi trường văn hóa dân gian – điều rất cần thiết cho chuyên môn của em sau này”.

4. Thời trân và phong vị Tết sinh viên

Thăm kí túc xá hay nhà trọ sinh viên những ngày này, đi đâu ta cũng gặp cảnh các bạn nữ se chỉ luồn kim hay các bạn nam tay dao tay thớt. Chợ sinh viên đông hơn hẳn mọi khi với những mặt hàng giảm giá đặc biệt. Năm hết Tết đến, ai cũng muốn sắm cho mình một chiếc áo mới hay mua về nhà chút quà Thái Nguyên. Các bạn trẻ xa quê ngày thường phải chắt bóp chi tiêu cho vừa vặn đồng tiền ít ỏi nhưng đến cuối năm thì khó lòng từ chối những bữa tiệc tất niên vui vẻ. Nào lớp, nào phòng, nào xóm, nào hội đồng hương, bao nhiêu yêu thương gắn bó là bấy nhiêu cuộc sum vầy đoàn tụ. Rộn ràng chợ búa, chặt chặt băm băm rồi kề vai bên nồi lẩu nghi ngút là phong vị thời trân của Tết sinh viên mà sau này ra trường, ắt hẳn nhiều người sẽ còn nhắc mãi.

Đông chưa tàn nhưng những câu chuyện mang chủ đề về quê ăn Tết đã râm ran khắp giảng đường, kí túc. Chúc các bạn có một cái Tết sinh viên tràn ngập niềm vui trước khi về đoàn viên cùng gia đình vào một ngày không xa, khi mùa xuân thực sự gõ cửa…

Những ông già Noel… rất trẻ!

Mùa đông ấm áp hơn trên những nẻo đường tình nguyện…

Tất niên vui vẻ!

 

 

Suối Linh – Hà Tú