- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Một năm không phải là quãng thời gian dài, thậm chí nói như Copernicus – nhà thiên văn học người Ba Lan thì “mười hai tháng chỉ là cái chớp mắt kinh hoàng của vũ trụ” nhưng cũng đủ để nhiều sự việc, con người diễn tiến, tái sinh và kết thúc. Trong vô số sự chuyển động, luân hồi của đời sống, vấn đề tiên quyết định vị sự tồn tại của con người chính là những dấu mốc quan trọng đã diễn ra. Dĩ nhiên, dấu mốc ấy bao hàm cả thành công lẫn thất bại.
Là một đơn vị của trường Đại học Khoa học, Khoa Văn - Xã hội đã và đang thực hiện đúng sứ mệnh của mình với tư cách chuyên trách lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn trong khu vực miền núi phía Bắc. Trong một năm qua, nhìn lại những bước đi và lắng nghe những tiếng nói, chúng tôi thấy vẫn còn nguyên một 2014 năng động, đột phá và cũng nhiều bỏ ngỏ. Tất nhiên, với những dấu ấn tích cực đáng ghi nhận, Khoa Văn – Xã hội đã “sống” một năm 2014 ý nghĩa, thực hiện được nhiều điều mà 2013 chưa làm được. Nhẩm nhanh cũng có ít nhất khoảng 5 sự kiện lớn sau đây:
1. Hội nghị khoa học “Hành trình khám phá màu sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”
Tháng 4/2014, Khoa Văn – Xã hội tổ chức thành công Hội nghị nghiên cứu khoa học lần thứ nhất với chủ đề “Hành trình khám phá màu sắc văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”. Hội nghị quy tụ sự góp mặt của các nhà nghiên cứu uy tín trong nước như PGS. TS Nguyễn Văn Huy – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, GS. Nguyễn Lân Dũng – Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS Đỗ Lai Thúy – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật – Viện Văn hóa cùng nhiều chuyên gia, các nhà sư phạm và các em sinh viên quan tâm đến vấn đề dân tộc thiểu số.
Một số vấn đề được đưa ra trao đổi sôi nổi tại Hội nghị như Uống rượu bằng thìa – một nét văn hóa độc đáo của người Nùng An (Phúc Sen – Cao Bằng) của tác giả Hứa Thị Kiều Oanh; Phúc Sen – từ tiếng búa một làng rèn đến dư âm lịch sử của tác giả Trần Thế Dương; Nét độc đáo trong hành trình đưa tiễn linh hồn của người Thái đen ở Mường Lò - Nghĩa Lộ - Yên Bái của nhóm tác giả TS. Phạm Thị Phương Thái, Hà Văn Tú; Tục kiêng kị trong sinh đẻ của người Hà Nhì ở Bát Xát - Lào Cai của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Thị Suối Linh, Ngô Thị Thu Thảo… Cũng tại Hội nghị, Quỹ nghiên cứu khoa học mang tên nhà nghiên cứu Nhân học văn hóa Nguyễn Văn Huyên được thành lập nhằm khuyến khích, động viên tinh thần say mê khoa học của giảng viên và sinh viên trường Đại học Khoa học.
2. Chương trình “Báo chí đương đại với đời sống xã hội”
Đây là chương trình tương tác giữa Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa học với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Thái Nguyên nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên sóng TN1 và TN2.
Chương trình nhấn mạnh đến hình ảnh của một “nhà báo hội tụ” trong thời buổi thông tấn hiện đại nhằm giúp các em sinh viên ngành Báo chí có thêm hình dung về con đường nghề nghiệp sau này. Các trao đổi của diễn đàn xoay quanh một số vấn đề như mô hình đào tạo báo chí gắn liền với thực tiễn; thao tác lấy tin, bài; kỹ thuật làm phóng sự; kỹ năng phát vấn và nhiều chia sẻ xương máu của các nhà báo đi trước như Phan Hữu Minh, Nguyễn Thành Lợi, Thu Hiền… Đây là dịp để các em sinh viên mở mang kiến thức, có điều kiện tương tác với các bậc tiền bối giàu kinh nghiệm trong nghề báo. Đồng thời, cũng là sự chứng thực mối quan hệ mật thiết giữa giảng đường và tòa soạn trong cách thức đào tạo báo chí của Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.
3. Mở thành công đào tạo Sau đại học chuyên ngành Văn học Việt Nam
Được sự phê duyệt của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Khoa Văn – Xã hội đã xây dựng và mở thành công đề án đào tạo Cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam, mã ngành 60.22.34. Các hướng nghiên cứu chính: Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa, Nghiên cứu văn học theo loại hình học, Văn học so sánh.
Việc trường Đại học Khoa học xin phép được nhận nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam, một mặt đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ kiến thức của người học, mặt khác góp phần đào tạo nhân lực trình độ cao trong việc nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn học dân gian trong và ngoài khu vực. Đồng thời, nhằm mở rộng và kiện toàn quy mô đào tạo của Trường ở lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Hiện nay, Khoa đã và đang tiến hành đào tạo khóa đầu tiên với hơn 40 học viên.
4. Ngày hội Sách
Trong không khí hưởng ứng sự kiện Hội sách Mùa thu thường niên tại Hà Nội, Khoa Văn – Xã hội tổ chức Ngày hội đọc sách nhằm tôn vinh giá trị của sách, đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc của giảng viên và sinh viên trong nhà trường.
Ngày hội mong muốn phản ánh tầm quan trọng của việc đọc sách thông qua các gian hàng với nhiều thể loại sách thuộc các chuyên ngành, gu thưởng thức khác nhau. Đồng thời, với tư cách là đơn vị đào tạo về khoa học xã hội nhân văn tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, Khoa Văn – Xã hội gửi đến thông điệp bạn đọc sẽ thấu hiểu vẻ đẹp của việc đọc sách trong việc hình thành nhân cách con người.
Chương trình có sự góp mặt của nhà văn Cao Duy Sơn – Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc, TS. Nguyễn Kiến Thọ - Đại học Sư phạm Thái Nguyên, em Vũ Phương Thảo – học sinh lớp 10 trường THPT Định Hóa – Thái Nguyên trong vai trò những khách mời Café sách. Nhằm tăng sự phong phú, đa dạng, Ban tổ chức còn mời các đơn vị liên quan như Thư viện tỉnh Thái Nguyên, NXB Đại học Thái Nguyên, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, và các Khoa Luật - QLXH, Khoa KHCB, Bộ môn Lịch sử trực thuộc trường Đại học Khoa học…
5. Xuất bản chuyên khảo “Sắc diện văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”
Trong khuôn khổ Ngày hội sách, chuyên khảo “Sắc diện văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc” do TS. Phạm Thị Phương Thái chủ biên đã được ra đời. Sách do NXB Giáo dục ấn hành tháng 10/2014.
Cuốn sách là công trình chuyên khảo đầu tiên của tập thể cán bộ giảng viên, sinh viên Khoa Văn – Xã hội sau nhiều năm nghiên cứu, điền dã tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Nội dung chuyên khảo đề cập đến diện mạo văn hóa từ truyền thống đến hiện đại của một số dân tộc như Mông, Dao, Sán Chỉ, Tày, Thái; các tham góp về cách thức điền dã; tình hình sử dụng ngôn ngữ của cư dân thiểu số phía Bắc… Góp mặt trong cuốn sách còn có bài viết của các nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học hàng đầu như cố GS. TS Nguyễn Văn Huyên, PGS. TS Tạ Văn Thông, PGS. TS Nguyễn Thị Huế…
Công trình không chỉ là sự ghi nhận nền móng về nghiên cứu khoa học chuyên sâu của Khoa Văn – Xã hội mà còn là tài liệu tham khảo cho những ai quan tâm đến không gian văn hóa miền núi phía Bắc trong bối cảnh đương đại.
Ngoài 5 sự kiện nổi bật trên, Khoa Văn – Xã hội còn tổ chức thành công nhiêu hoạt động cấp bộ môn và nghiên cứu khoa học chuyên sâu như Những nẻo đường du lịch, Thi trung hữu họa – Thi trung hữu nhạc, CLB Bạn yêu truyền hình, seminar chuyên đề Ngôn ngữ và Văn học Việt Nam… Trong công tác hướng dẫn sinh viên NCKH, Khoa là 2 đơn vị trên toàn quốc có sinh viên đoạt giải Nhì giải thưởng Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam ở mảng khoa học xã hội nhân văn.
Năm 2014, Khoa Văn – Xã hội điềm tĩnh tiếp nhận những điều chưa làm được của 2013 và tiếp tục bồi đắp thêm những thành tích mới. Dù còn nhiều bỏ ngỏ, chúng tôi hy vọng những dấu ấn trên sẽ trở thành động lực để tiếp tục cống hiến và phát huy trong năm tới.