Sinh viên lớp Công tác xã hội K10 hứng thú, say sưa với phương pháp giảng dạy mới lạ, độc đáo của giáo viên thỉnh giảng Phan Hồng Giang

31-12-2014 02:46 Xem: 1226 lần
Sinh viên lớp Công tác xã hội K10 hứng thú, say sưa với phương pháp giảng dạy mới lạ, độc đáo của giáo viên thỉnh giảng Phan Hồng Giang_thumbnail

Thực hiện kế hoạch đào tạo của nhà trường, lớp Công tác xã hội K10 đã chính thức bước vào học kỳ 2 của năm học 2014-2015 với 6 học phần chuyên ngành, trong đó 3 học phần sẽ mời giảng do là ngành mới nên đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa còn chưa đáp ứng đủ. Học phần mời giảng đầu tiên của lớp là môn “Dự án công tác xã hội và quản trị ngành” – một học phần mà được cả sinh viên các khóa và giáo viên đều đánh giá là khó. Tuy nhiên bằng một phương pháp giảng dạy mới lạ, độc đáo của giáo viên thỉnh giảng thì sinh viên lớp Công tác xã hội K10 đã tiếp thu và hiểu bài khá tốt.

Buổi học bắt đầu bằng việc phân các sinh viên trong lớp thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm được giảng viên giao một bài tập với chủ đề riêng và hoàn thiện trong vòng 20 phút. Ngay sau bài tập sôi nổi về việc nhìn nhận sự việc một cách sáng tạo, là bài học về phương pháp diễn đạt. Theo cô Giang, bài tập này xuất phát từ tâm sự của nhiều sinh viên: kiến thức có đủ nhưng thiếu khả năng diễn đạt trước đám đông. Bài tập tưởng đơn giản nhưng những ai trực tiếp tham gia mới thấy được sự hấp dẫn và hiệu quả. Trong quá trình làm việc nhóm, cô theo dõi, hướng dẫn sinh viên như thế nào là làm việc và sáng tạo theo nhóm, khả năng hợp tác trong công việc; biết chấp nhận những con người khác biệt về tính cách như thế nào để cùng hoàn thành công việc... Phương pháp thảo luận nhóm được đánh giá là phương pháp giảng dạy rất hay vì thông qua hoạt động nhóm sinh viên có thể tham gia nhiều vào bài học, học tập hiệu quả hơn, không phải học vẹt, và phương pháp này phát triển khả năng sáng tạo của sinh viên. Qua đó, sinh viên biết lắng nghe ý kiến của người ​​khác và bày tỏ ý kiến ​​của mình, tự học, tìm ra những điểm chính và đòi hỏi sinh viên cần phải có tài liệu và kiến ​​thức trước khi thảo luận hoặc đề xuất.

Phát huy tinh thần làm việc nhóm, cô Giang yêu cầu mỗi nhóm làm bài tập ra nháp sau đó viết, vẽ ra giấy A0. Cách thức giảng dạy mới lạ của cô là biến lớp học thành một lớp mầm non thu nhỏ với đầy đủ các bức tranh đa sắc màu của các nhóm treo xung quanh lớp. Khi bước chân vào lớp học sẽ có một cảm giác rất mới lạ, độc đáo, sinh động và thoải mái với cách bố trí lớp học của cô. Thông qua mỗi bức tranh là thể hiện sự sáng tạo, sự am hiểu về kiến thức và tư duy của sinh viên. Bài tập sau khi hoàn thành được treo dán khắp lớp để các nhóm khác có thể tham khảo. Cô kết hợp giữa hai phương pháp chơi mà học, học mà chơi. Và để làm được điều này, giảng viên không chỉ có kiến thức mà còn phải biết lắng nghe, quan sát kỹ lưỡng, và nhất là phải có óc hài hước. Đây chính là một cách giáo viên đổi mới “món ăn”, tăng “gia vị” cho từng tiết học để kích thích được sự yêu thích, khích lệ sự khám phá, say mê của sinh viên. Tinh thần học tập sôi nổi và tự giác bao trùm toàn bộ lớp học. Các bạn sinh viên chăm chú làm bài, trao đổi bài, tranh luận với nhau. Về phía mình, trong quá trình giảng dạy, cô đi đến từng nhóm nhiệt tình hướng dẫn, sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. Sinh viên có thể tự do đặt câu hỏi ngay trong giờ học, và nếu có thắc mắc thêm, sinh viên có thể trao đổi với giáo viên ngoài giờ học hoặc qua email. Mặc dù mời giảng nên thời gian học khá dài, thời gian ra chơi không nhiều nhưng tất cả sinh viên đều cảm thấy thời gian học thật ngắn ngủi, có những nhóm chưa hoàn thành bài tập  không cần ai bảo ai đều tự giác ở lại làm bài.. Cuối mỗi buổi học, cô Giang mời các bạn sinh viên phát biểu, rút ra bài học cho nhóm để hoàn thiện hơn.

Mặt khác, một điểm mới trong phương pháp giảng dạy của cô mà không phải giảng viên nào cũng làm được đó là: Giảng viên Phan Hồng Giang có cách để ổn định trật tự đầu giờ rất khác. Không hề nhắc nhở các bạn sinh viên phải giữ im lặng mà cô dùng một cách đó chính là thu hút sự quan tâm của sinh viên, tự khắc sinh viên sẽ giữ im lặng. Nhiều khi chỉ đơn thuần là một đoạn video nho nhỏ hài hước hay một video gợi lên trong các bạn sinh viên về lòng nhân ái hoặc là một trò chơi khởi động đầu giờ. Bắt đầu buổi học bằng sự chú ý lắng nghe hẳn là một cách hay để sinh viên tiếp thu bài hiệu quả. Cô yêu cầu một nhóm bất kì về nhà chuẩn bị một trò chơi, sau đó lên lớp khởi động đầu giờ. Trò chơi này nhất định cần có sự tương tác của các thành viên trong nhóm khác, trong lớp. Thật bất ngờ, nhờ điều này mà phát hiện ra nhiều bạn là nhân tố tích cực, có khả năng làm MC, có kĩ năng ứng xử khi đứng trước đám đông. Giải thích về việc có những trò chơi đầu giờ, cô Giang nói: “Là một nhân viên công tác xã hội, kỹ năng hoạt náo là điều không thể thiếu, vì thế các em cần phải rèn luyện kỹ năng này nhiều hơn nữa”.

Cuối cùng bốn ngày học cũng đã kết thúc trong sự tiếp thu kiến thức khá tốt của sinh viên, các em đều mang trong mình niềm hứng khởi, tinh thần phấn chấn, tràn trề năng lượng sẵn sàng cho những buổi học tiếp theo. Với cô Giang – không gì vui bằng việc cô đã gắng hết sức mình đem những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để truyền đạt cho sinh viên trường Đại học Khoa học, mong sao cho những thế hệ sinh viên ngành CTXH có được nhiều kiến thức, kỹ năng thực hành vận dụng vào thực tế để trợ giúp những đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần làm cho xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn. Thay mặt cho tập thể lớp Công tác xã hội K10 em xin chân thành gửi lời cảm ơn đến giáo viên thỉnh giảng Phan Hồng Giang đã cho chúng em những tiết học vô cùng lý thú và bổ ích. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng, phấn đấu học tập thật tốt, vận dụng tốt những kiến thức cô đã dạy vào thực tế và tương lai sẽ trở thành những nhân viên Công tác xã hội chuyên nghiệp.

Một số hình ảnh:

Giảng viên Phan Hồng Giang với lớp học

Cả lớp hăng say với tiết học

Sinh viên thuyết trình bài của nhóm

Sinh viên chăm chú theo dõi phương pháp giảng dạy độc đáo của cô Giang

Bức tranh bao hàm kiến thức rất sáng tạo

Thành quả của nhóm sau khi thảo luận

Hồng Thắm(GV) – Lan Anh(SV), Khoa Luật và Quản lý