- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Trong không khí tưng bừng chào đón năm mới 2016 và chào mừng Đại hội Đảng XII, cũng như thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2015-2016 sáng ngày 04/01/2016 tại Phòng 201 giảng đường 3B, trường Đại học Khoa học, Khoa Vật lý & Công nghệ đã tổ chức thành công Seminar chuyên đề cho cán bộ giảng viên và sinh viên. Đến dự buổi Seminar khoa học có TS. Vũ Xuân Hòa – Phó Trưởng khoa Vật lý & Công nghệ cùng đông đảo các Thày cô giáo và các em sinh viên của Khoa. Tại buổi seminar, các cán bộ giảng viên và sinh viên trong Khoa đã được nghe 02 báo cáo của 2 cán bộ của Khoa.
Báo cáo thứ nhất với tiêu đề “Bản chất chuyển dời quang trong Tetrapod đồng chất CdSe” do TS. Nguyễn Thị Luyến trình bày. Trong báo cáo này, TS Nguyễn Thị Luyến cho biết, các nano tinh thể bán dẫn và cấu trúc nano bán dẫn dị chất gần đây đã được ứng dụng để nghiên cứu chế tạo các linh kiện quang, điện như diot phát quang, laser, nguồn phát đơn photon, đầu thu quang, bộ nhớ dữ liệu quang, transistor, cảm biến nhiệt độ, pin mặt trời, cũng như được sử dụng để đánh dấu sinh học và hiện ảnh tế bào, v.v... Tính chất quang của các nano tinh thể bán dẫn bị chi phối bởi kích thước, hình dạng, thành phần hóa học và cấu trúc tinh thể. Việc kết hợp đồng thời các yếu tố này trong cùng một cấu trúc nano đang là hướng nghiên cứu được quan tâm hiện nay cả về công nghệ chế tạo và khoa học cơ bản nhằm mở rộng hơn nữa khả năng ứng dụng của lớp vật liệu quan trọng này. Do đó, nano tinh thể dạng tetrapod trên cơ sở các hợp chất bán dẫn A2B6 là một trong các đối tượng vật liệu được kỳ vọng cho các mục đích ứng dụng khác nhau.
TS. Nguyễn Thị Luyến trình bày Seminar tại Khoa Vật lý & Công nghệ, ĐHKH
Trong báo cáo thứ 2, ThS. Nguyễn Thị Lệ (Tốt nghiệp Thạc sĩ từ Đại học Việt-Pháp USTH) đã trình bày về đề tài “Tổng hợp hợp chất Calixarenes” mà em đã thực hiện trong đợt em làm Luận văn thạc sĩ tại Marseille, CH Pháp. Calixarenes là hợp chất hóa học siêu phân tử (supramolecular chemistry) thu được sau phản ứng hóa học giữa hợp chất formaldehyde và phenol ở điều kiện có mặt bazơ hoăc acid.
ThS. Nguyễn Thị Lệ cho biết: Calixarenes có một cái lỗ trống kỵ nước do vậy nó có thể giữ các phân tử nhỏ hoặc các ion cho nên nó còn được biết đến là phân tử hóa học host-guest chemistry. Calixarenes là thế hệ phân tử hóa học host-guest chemistry thứ 3 sau Crown ethers và cyclodextrins. Phân tử Calixarens có hình dạng giống như cái chén và cấu trúc phân tử đặc trưng bởi một cái vành rộng phía trên (a wide upper rim), (vành hẹp phía dưới (a narrow lower rim) và vòng tròn trung tâm (a central annulus). Chính vì vậy, phân tử Calixarenes có thể tồn tại ở nhiều cấu hình khác nhau và cấu trúc cũng phụ thuộc vào sự quay của cầu methyl nối giữa các vòng thơm phenol. Hợp chất Calixarenes được phân chia thành 2 nhóm chính là: heterocalixarens (vòng benzen của hợp chất phenol được thay thế bằng furans, pyridines, naphthalenes,..) và heteracalixarene (cầu methylene được thay thế bằng các nguyên tử S, O, N, Si,…).
Với cấu hình đa dạng và cấu trúc phân tử đặc biệt, hợp chất calixarenes đã và đang thu thút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Đặc biệt chi phí nguyên liệu ban đầu thấp, phương pháp tổng hợp đơn giản nên calixarenes được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Calixarenes tạo phức với các ion Lanthanin, actinin và các cations thải hạt nhân khác điển hình là Cs2+ nên nó được ứng dụng làm vật liệu để chế tạo các sensors hóa học. Đặc biệt phân tử Calixarenes có khả năng giữ khí CO2 ở trong lỗ trống kỵ nước chính vì vậy nó một thành phần hữu ích cho việc chế tạo vật liệu xốp dựa trên hệ thống MOF (Metal- organic frameworks) đối với các cảm biến phát hiện, hấp thụ và phân tách khí CO2 từ không khí. Hơn nữa, Calixarenes có thể tách CO2 từ propan hoặc butan và ngược lại tách metan, nito và oxi từ hỗn hợp khí chứa CO2. Vì ưu điểm dễ dàng gắn nhóm chức năng trên phân tử nên các phân tử calixarenes mang nhóm chức phosphat, phosphin có khả năng hoạt động như một chất mang thuốc ung thư. Ngoài ra, các hợp chất calixarenes nói chung và đặc biệt là calix[4]arenes được ứng dụng để xây dựng mô hình thiết bị, thiết kế các siêu phân tử xúc tác bằng cách gắn nhóm chức năng ở vành trên và vành dưới và nối với các ligand có khả năng liên kết với các cation kim loại đáng chú ý nhất là Cu(II), Zn(II) và đây là thành phần hoạt hóa xúc tác cho phản ứng thủy phân.
ThS. Nguyễn Thị Lệ trình bày Seminar khoa học tại Khoa Vật lý & Công nghệ
Buổi Seminar khoa học của Khoa diễn ra với không khí rất cởi mở và có tính học thuật cao. Trong thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, các cán bộ giảng viên và sinh viên của Khoa đã có những trao đổi và thảo luận rất sôi nổi với báo cáo viên. Đây là những hướng nghiên cứu rất mới, được các nhà khoa học quan tâm hiện nay do chúng có nhiều ứng dụng quan trọng trong khoa học và thực tiễn.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi seminar:
TS. Nguyễn Văn Hảo – chủ trì buổi Seminar khoa học của Khoa
Trao đổi khoa học sôi nổi giữa các giảng viên Khoa Vật lý & CN và báo cáo viên
Cán bộ giảng viên và sinh viên Khoa Vật lý & Công nghệ chụp ảnh lưu niệm sau buổi Seminar