NCS. Hoàng Thị Tuyết Mai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ

04-01-2016 01:10 Xem: 4473 lần
NCS. Hoàng Thị Tuyết Mai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ_thumbnail

Chiều ngày 29/12/2015, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã diễn ra buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Đại học của NCS Hoàng Thị Tuyết Mai – giảng viên Khoa Văn – Xã hội, Trường Đại học Khoa học, với đề tài: “Phương thức ứng xử với chữ Nôm,  Văn học Nôm của các chính thể ở Việt Nam thời Trung đại” (Khảo sát qua thư tịch lịch sử và sáng tác văn chương), chuyên ngành: Văn học Việt Nam, mã số: 62223401. Người hướng dẫn là GS.TS. Trần Ngọc Vương

Tại buổi báo cáo, nghiên cứu sinh Hoàng Thị Tuyết Mai đã trình bày những kết quả đạt được của đề tài trước Hội đồng khoa học. Các thành viên trong hội đồng bao gồm:

 1. GS. TS. Trần Đình Sử – Chủ tịch

2. PGS.TS. Lã Thị Minh Hằng – Phản biện 1

3. PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn – Phản biện 2

4. PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn – Phản biện 3

5. TS. Nguyễn Văn Nam – Thư kí

6. GS.TS. Vũ Đức Nghiệu – Ủy viên

7. PGS.TS. Phạm Văn Khoái – Ủy viên

Luận án được hội đồng, các nhà khoa học đánh giá là công trình khoa học nghiêm túc, công phu có đóng góp cả về lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu, giảng dạy về chữ Nôm, văn học Nôm thời trung đại. Luận án thể hiện sự tâm huyết, say mê và khả năng bao quát vấn đề, giải quyết vấn đề một cách logic và thuyết phục của NCS.

Những đóng góp mới của luận án:

Hệ thống hóa những tư liệu thành văn chủ yếu có liên quan đến phương thức ứng xử của các chính thể thời trung đại đối với chữ Nôm và đời sống văn học Nôm.

Hình hài hóa những biểu hiện cụ thể được coi là “phương thức ứng xử” của các chính thể thời trung đại với chữ Nôm và đời sống văn học Nôm qua những tư liệu có tính “minh trưng” văn hiến theo các cách thức trình bày trong các mối liên hệ và đối lập giữa những biểu hiện của “Ứng xử định hướng” có tính hiển ngôn và “Ứng xử làm gương” có tính hàm ngôn.

Góp phần nhận thức về những biến đổi của đời sống văn học Nôm dưới sự tác động của “Phương thức ứng xử” của các chính thể thời trung đại với chữ Nôm và đời sống văn học Nôm trong môi trường văn hóa trung đại.

Góp phần khách quan hóa trong việc xem xét và giải thích cách thức ứng xử của các chính thể đối với chữ Nôm và văn học Nôm trên phông nền và các mối liên hệ và đối lập ngôn ngữ, văn học, văn hóa thời trung đại; làm sáng tỏ các nguyên nhân lịch sử - xã hội - ngôn ngữ - văn học - văn hóa cho sự hình thành thái độ của chính thể vừa “bài trừ” vừa “sử dụng”, vừa “coi thường” vừa “lợi dụng” đối với chữ Nôm, văn học Nôm.

Góp phần cho một sự nhìn nhận tiến trình văn học trung đại Việt Nam một cách khách quan hơn, bước đầu hướng tới cách khắc phục những nhận định có tính thiên kiến về phương thức ứng xử với chữ Nôm và văn học chữ Nôm của các chính thể khi cho rằng chữ Nôm, văn học Nôm luôn bị các chính thể miệt thị; lí giải những nhân tố nội tại và lịch cho sự hình thành của phương thức ứng xử đối với chữ Nôm và văn học chữ Nôm.

Góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy văn học Nôm nói riêng và văn học quốc âm nói chung. Đồng thời, ở một mức độ nhất định cũng cung cấp một trải nghiệm lịch sử trong việc ứng xử với nền quốc văn hiện đại.

Kết quả của luận án được công bố trên 12 công trình nghiên cứu bao gồm các bài báo, báo cáo khoa học trong nước và quốc tế.

Đánh giá về luận án, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phản biện 2 nhận xét: “Luận án xác định một đề tài nghiên cứu lí thú, có giá trị khoa học mang tính hàn lâm, có chiều sâu khoa học. Luận án đem lại những hướng tiếp cận mới mẻ cho việc nghiên cứu văn học thời kì trung đại trong hướng triển khai mang tính liên ngành. Tác giả luận án đã thể hiện năng lực nghiên cứu rất tốt, sức nghĩ và sức biểu đạt tốt. Các mục tiêu khoa học đề ra đã được giải quyết ở những nội dung quan trọng.”

Nhận xét của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn – Phản biện 3 “Đóng góp mới của luận án thể hiện rõ trước hết ở việc NCS nhìn ra thực chất mối quan hệ hai chiều giữa vị trí, tầm quan trọng và tính vấn đề của phương thức ứng xử với  chữ Nôm, văn học Nôm trong khoa nghiên cứu văn học; mặt khác là yêu cầu học thuật của việc triển khai thực thể chữ Nôm và văn học Nôm nhìn từ hệ qui chiếu văn tự học... Văn phong giàu sắc sái suy tư, thông tuệ, vang động, biểu cảm học thuật.

GS.TS Trần Đình Sử - Chủ tịch hội đồng nhận xét: “Đây là đề tài mới, có ý nghĩa lí thuyết và thực tiễn, không trùng lặp với bất cứ đề tài nào có trước. Giải quyết đề tài này có ý nghĩa soi sáng một phương diện quan trọng đối với tình trạng song ngữ ở văn học Việt Nam, một vấn đề của chuyên ngành lịch sử văn học.

Luận án đã được 6/7 thành viên Hội đồng có mặt (vắng PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn), kết quả bỏ phiếu 6/6 xuất sắc.

Thay mặt lãnh đạo nhà trường, TS. Nguyễn Văn Đăng đã đến dự và chúc mừng những thành công mà NCS đã đạt được. Đến dự buổi bảo vệ và chúc mừng NCS, còn có lãnh đạo Khoa Văn – Xã hội, người thân, các bạn bè đồng nghiệp của NCS.

Một số hình ảnh của buổi lễ: 

Trà My - Khoa Văn – Xã hội