- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Hiện nay, tất cả chúng ta đều được sống trong một thời đại mới với những thay đổi lớn lao trong cuộc sống con người. Bên cạnh những thay đổi theo hướng tích cực thì có một số vấn đề tiêu cực đã, đang và ngày càng thịnh hành trong đời sống của chúng ta, đặc biệt là đối với sinh viên – thế hệ trẻ của đất nước mà chúng ta cần phải quan tâm, đó là chủ nghĩa thực dụng. Chủ nghĩa này đã làm cho sinh viên chạy theo lối sống hưởng thụ vì họ cho là hợp mốt, sành điệu. Tại trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, hiện tượng này không phải là ngoại lệ mà nó đã trở thành một bài toán có nhiều ẩn số cho các tổ chức và những người làm công tác giáo dục.
Lối sống thực dụng giống như là những con vi khuẩn, khi gặp điều kiện thích hợp nó sẽ len lỏi vào trong các tế bào và phá hủy các tế bào đó. Áp dụng vào trong môi trường sống của sinh viên hiện nay thì điều kiện thích hợp ở đây chính là thời đại CNTT và các tế bào chính là bản thân người sinh viên, cụ thể trong bài viết này là sinh viên trường Đại học Khoa học (ĐHKH). Vậy, lối sống thực dụng là gì? Đó chính là một kỹ năng sống chỉ nhằm vào những gì có thể mang lại lợi ích vật chất thiết thực và trước mắt mình, không quan tâm đến những yếu tố khác. Nôm na, chúng ta hiểu “thực” là thực hành, thực hiện; “dụng” là sử dụng. “Thực dụng” vì vậy, nghĩa là “dùng ngay”, “xài liền” trong ngắn hạn, trước mắt. Phải chăng “teen hiện đại” đồng nghĩa với cách sống thực dụng?
Trên giảng đường của trường ĐHKH, bằng phương pháp điều tra, quan sát, tôi cũng như các bạn chắc chắn đã từng thấy hiện tượng giảng viên đưa ra câu hỏi, bài tập nhưng không có sinh viên nào xung phong trả lời, mặc dù có bạn đã biết đáp án. Nhưng ngay sau khi giảng viên nói “Ai trả lời đúng sẽ được cộng 1 hay 2 điểm” thì lập tức sinh viên thảo luận rất sôi nổi và giơ tay phát biểu rất đông, thậm chí có những bạn còn chưa chắc chắn với câu trả lời của mình cũng giơ tay đòi quyền trả lời. Hơn thế nữa, có những khi sinh viên còn là người đặt ra yêu cầu với giảng viên nhằm thực hiện mục đích cá nhân của mình. Trong vấn đề này, người thầy luôn lấy đó là một nguồn động lực thôi thúc sự cố gắng học hành của các em nhưng ngược lại, sinh viên lại xem đó là một “món lời” trước mắt. Hay trong thi cử, sinh viên làm “phao” cứu sinh, sử dụng tài liệu để mong đạt được kết quả cao mà không phải vất vả học bài chứ họ chưa từng nghĩ đến tác hại của nó.
Sinh viên quay cóp trong giờ thi
Trong gia đình, với vai trò người con, có những sinh viên đã đặt ra những yêu cầu được xem là những đòi hỏi thiếu suy nghĩ với bố mẹ, gia đình của mình.
Vật chất đã làm thay đổi lý trí, tình cảm của con người
Từ nhiều gia đình, ta vẫn nghe thấy những câu kiểu như: “Nếu con thi tốt, mẹ mua điện thoại mới cho con nhé!” hay “Bố cho con tiền mua quần áo thì con mới đi học”… Đây là những tư tưởng, những việc làm chạy theo những giá trị vật chất mà họ đã bỏ qua những giá trị tinh thần, không cần quan tâm đến suy nghĩ của người mà họ đòi hỏi cũng như không cần nghĩ đến tương lai sau này của mình sẽ như thế nào. Người thực dụng chỉ làm mọi việc với tư tưởng chắc chắn phải đem lại một kết quả vật chất mà họ nhìn thấy được, vô cùng tính toán để đạt đến mục đích cuối cùng của mình dù cho phải chà đạp lên mọi nguyên tắc sống, bất chấp hậu quả sau này.
Tệ hơn, trong nhiều tình huống, không chỉ dừng lại ở đây, sinh viên ngày càng thoái hóa với những biểu hiện, hành động thực dụng thiếu suy nghĩ. Thủ phạm của các vụ đánh nhau, giết người xảy ra hiện nay đa phần là học sinh, sinh viên tuổi vị thành niên. Mục đích của họ chỉ để phục vụ nhu cầu trước mắt của mình như ghen ghét, trả thù hay vì một chút lòng tham mà trộm cắp, cướp giật tài sản của người khác.
Sinh viên đánh nhau – một hiện tượng khá phổ biến hiện nay
Một vấn nạn khác chính là quan hệ tình dục trước hôn nhân. Sinh viên đua đòi, không nhận thức được những tác hại, ảnh hưởng của những việc mà mình đang làm; họ chỉ suy nghĩ cho niềm vui nhất thời của mình chứ không hề quan tâm đến mức độ ảnh hưởng của nó. Ngoài ra, sinh viên trên cả nước nói chung và sinh viên tại ĐHKH nói riêng hiện nay còn có những biểu hiện văn hóa không lành mạnh như: nghiện văn hóa phẩm đồi trụy, sa đà vào các vũ trường, quan bar và hơn nữa là tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội.
Lối thoát nào cho “con mồi” sinh viên
Tất cả những biểu hiện trên đều được xếp vào một khái niệm có tên “lối sống thực dụng”. Lối sống này được hình thành từ rất nhiều nguyên nhân. Nhưng có thể nói nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất bắt nguồn từ chính bản thân người sinh viên. Bước chân vào môi trường đại học với một cuộc sống xa nhà, đồng nghĩa với việc sinh viên được sống trong một môi trường tự do. Chính sự tự do đó đã làm giảm ý thức sống của sinh viên, đẩy họ vào cuộc sống buông thả, đua đòi vì lạm dụng sự tự do nếu như họ không ý thức được bản thân mình. Jean Cocteau đã đưa ra một nhận định rằng: “Cái thảm kịch của giới trẻ chính là giới trẻ bị đặt vào tình trạng không thể không vâng lời vì sự tự do quá đáng”. Sinh viên chạy đua theo dòng chảy của xã hội mà không nhận thức, không phân biệt được đúng sai. Có đôi lúc suy nghĩ, tôi nhận thấy rằng sinh viên trường tôi “update” các thông tin trên mạng xã hội còn nhanh hơn cả việc họ làm một bài toán đơn giản hay đến thư viện tìm một cuốn sách. Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ phía gia đình của sinh viên. Sinh viên sống thực dụng một phần cũng là do cha mẹ thiếu thời gian quan tâm đến con cái. Vì quá bận rộn với công việc, hơn nữa lại chủ quan cho rằng con mình đã đủ lớn, cha mẹ dành ít thời gian trò chuyện, thăm hỏi chuyện học tập của con hơn mà gần như “ai biết việc người ấy”. Khi con cái phạm sai lầm thì cha mẹ thường chỉ trích, quát mắng mà đáng lý ra họ nên khuyên bảo, động viên con thì có lẽ sẽ tốt hơn. Ông cha ta đã có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”. Chính vì thế, tính cách, lối sống của con cái phụ thuộc rất nhiều vào cách uốn nắn của cha mẹ. Cha mẹ chính là tấm gương hàng đầu về lối sống, là bước chân đi trước cho con theo sau từ thuở nhỏ. Một nguyên nhân nữa là xuất phát từ phía nhà trường. Có thể nói, từ trước đến nay, các trường đại học nói chung và trường ĐHKH nói riêng được xây dựng là để phục vụ mục đích học tập của sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo. Vì thế mà nhà trường chỉ quan tâm đến việc cung cấp, bồi dưỡng kiến thức cho sinh viên, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế” mà không quan tâm nhiều đến việc bồi dưỡng đạo đức và nhân cách sống cho sinh viên. Trong nội dung mỗi bài giảng, giảng viên chủ yếu cũng chỉ bó hẹp trong việc dạy kiến thức trong bài mà ít khi lồng ghép thêm những ảnh hưởng thực tế, những tư tưởng mà sinh viên cần phải hình thành cho công việc học tập cũng như cho nghề nghiệp sau này của mình. Nguyên nhân cuối cùng khiến sinh viên có lối sống thực dụng đó là nguyên nhân bắt nguồn từ xã hội. Do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại với CNTT ngày càng phát triển, tất cả con người nói chung và sinh viên nói riêng đều chạy đua theo nó. Người này có thì người kia cũng có, người này biết thì người kia cũng biết. Do đó, sinh viên tìm tòi, học hỏi từ người khác rất nhanh nhưng vấn đề cốt yếu là những cái mà sinh viên học hỏi đó có thật sự là có ích cho họ hay không? Hơn nữa, do sống trong thời đại mà cơn lốc kinh tế của thị trường đang diễn ra nên sinh viên có xu hướng chạy theo những giá trị vật chất để đảm bảo cho cuộc sống trước mắt được đầy đủ, tiện nghi. Tất cả những nguyên nhân trên lúc nào cũng bao vây xung quanh chúng ta. Nó cản trở và phá hủy tư duy, lối sống của người sinh viên, gây ra những tác hại không thể lường trước được, điều khiển tư tưởng, ý chí của sinh viên.
Tại trường ĐHKH, hiện tượng sống thực dụng ở người sinh viên đang dần phát triển và lan rộng. Lối sống này hình thành cho sinh viên những thói quen xấu như làm gì cũng phải có lợi ích cho mình thì mới làm và luôn đặt điều kiện với người khác khi phải thực hiện một việc nào đó. Không những thế, nó còn thu hẹp mức độ sống tình cảm của người sinh viên, sinh viên trở nên sống hẹp hòi hơn, mất dần đi sự quan tâm, dành tình cảm và suy nghĩ cho người khác vì lúc này họ chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình mà thôi. Người sống thực dụng sẽ không được bạn bè, người thân, xã hội coi trọng và tin tưởng mà lúc nào cũng bị mọi người sống trong cùng cộng đồng né tránh, không nhận được tình cảm từ những người xung quanh và mất dần đi những người bạn, người thân của mình. Bên cạnh đó, trong học tập, người sống thực dụng sẽ khó gây thiện cảm với thầy cô, quá trình học tập giảm sút đáng kể và có thể dẫn đến bỏ học để làm những công việc mang lại lợi ích trước mắt cho mình. Sinh viên ra trường với tấm bằng đạt loại khá, giỏi rất nhiều nhưng thực chất thì đầu óc không có kiến thức cũng khiến cho họ không thể nhận được một công việc phù hợp.
Lối sống này có thể đẩy những người mới bước ra xã hội như sinh viên vào con đường phạm pháp, vào những việc làm không tốt cho xã hội và hơn nữa là làm thay đổi tư duy của họ.
Để khắc phục thực trạng này, tất cả các trường đại học trên cả nước và cụ thể ở đây là trường ĐHKH cần tăng cường thêm các tuần sinh hoạt công dân, tổ chức sinh hoạt lớp thường xuyên và phát động nhiều phong trào, chương trình, cuộc thi nói về những vấn đề xoay quanh cuộc sống của sinh viên để bồi dưỡng tư tưởng cho họ về kỹ năng sống cũng như xử lý các tình huống trong cuộc sống. Qua mỗi bài giảng, giảng viên cũng nên xen kẽ một vài ví dụ và ảnh hưởng của nó ngoài đời thường để mở rộng tư duy, lý trí, kiến thức cho sinh viên. Ngoài ra, trong gia đình, cha mẹ cũng cần phải dành thời gian quan tâm con cái hơn, trở thành điểm tựa vững chắc cho con về vật chất cũng như tinh thần; thấu hiểu và phát huy khả năng trở thành “chuyên gia tâm lý” cho con để con không bao giờ phải lo sợ mỗi khi mình làm điều gì sai mà có thể yên tâm chia sẻ với cha mẹ và nhận được những lời khuyên bổ ích nhất từ những người sinh ra và nuôi dưỡng mình. Cha mẹ cũng cần phải hình thành cho con những nguyên tắc sống nhất định, không chiều chuộng con quá mức và nghiêm khắc trong quá trình dạy con để khi bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ, con cái của mình có thể vững bước hơn trong xã hội nhiều cạm bẫy. Các giải pháp được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là ở chính bản thân người sinh viên. Trở thành sinh viên là một trong những ước mơ của các bạn ngay khi còn học trung học, nó được hình thành, nuôi dưỡng và rèn luyện từ khi các bạn còn nhỏ. Đó chính là mục đích cuối cùng sau 12 năm học từ cấp 1 đến cấp 3. Khi đạt được mục đích đó, các bạn lại hình thành cho mình một mục đích khác cao hơn, đó là nghề nghiệp tương lai của mình và công việc hiện tại chính là nguồn nuôi dưỡng ước mơ đó. Chính vì vậy, khi còn là sinh viên, các bạn cần phải và chỉ nên tập trung vào việc học vì mục đích cuối cùng chứ không nên đặt những lợi ích cá nhân trước mắt lên hàng đầu mà tạo ra những lỗ hổng trong quá trình học tập của mình. Bên cạnh đó, người sinh viên cũng cần hình thành cho mình những nguyên tắc sống nhất định, mở rộng suy nghĩ trước mọi vấn đề, nhận thức rõ ràng , cẩn thận những việc nên và không nên làm. Biết cảm thông, chia sẻ, suy nghĩ cho người khác, sống vì mình và vì những người xung quanh. Trong cộng đồng và trong môi trường mà mình đang học tập, sinh viên nên tham gia tuyên truyền, hưởng ứng các phong trào rèn luyện lối sống cho sinh viên cũng như cho tất cả mọi người để đẩy lùi dần và bài trừ lối sống thực dụng đầy nguy hiểm trong môi trường gíao dục cũng như trong xã hội.
Sống thực dụng là một hiện tượng, một vấn nạn không nên có, đáng lên án ở sinh viên ĐHKH hiện nay. Tuy nhiên, chưa có một cá nhân hay tập thể nào trong trường đứng lên lên án nó. Vì vậy, thông qua bài viết này, tôi mong muốn đóng góp một vài ý kiến của mình với mục đích cải thiện kỹ năng sống của sinh viên Khoa học chúng ta; hy vọng những bạn sinh viên đang có lối sống này nói riêng và tất cả các bạn sinh viên ĐHKH nói chung sẽ có cái nhìn và suy nghĩ đúng đắn về lối sống của mình để cuộc sống sinh hoạt và học tập của chúng ta thật “khoa học” như chính cái tên mà ngôi trường chúng ta đang mang.
Ảnh: sưu tầm từ Internet