- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Ở Việt Nam, Công tác xã hội vẫn là một ngành khoa học còn non trẻ. Do đó, việc chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học trên thế giới đã có kinh nghiệm về giảng dạy và đào tạo ngành Công tác xã hội nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng thực hành và các lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn là rất cần thiết.
Được sự nhất trí của Ban giám hiệu nhà trường, sự quan tâm chỉ đạo của ban lãnh đạo khoa Luật & Quản lý xã hội, trong hai ngày 06 – 07/10/2014, bộ môn Công tác xã hội đã tổ chức Seminar khoa học với chủ đề “Kiến thức và kỹ năng dành cho nhân viên Công tác xã hội” với sự tham gia của GS. Peggy. L. Mcfarland, chuyên gia người Mỹ trong lĩnh vực Công tác xã hội.
Trong chương trình, Giáo sự Peggy đã chia sẻ những kiến thức chuyên môn liên quan đến các kỹ năng giao tiếp hiệu quả, các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp trong thời đại phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, kỹ năng làm chủ các tình huống nảy sinh trong quá trình tiếp cận và giải quyết vấn đề của thân chủ,... Đặc biệt mỗi bài giảng là một kinh nghiệm thực tế quý báu về các lĩnh vực hoạt động của Công tác xã hội, nhất là kiến thức công tác xã hội đối với nhóm đối tượng là người cao tuổi. “… Làm thế nào để chúng ta biết cách chấp nhận sự già đi của con người, có như vậy khi làm việc với thân chủ là người cao tuổi, chúng ta mới có thể thấu hiểu và thông cảm được cho họ…”- Giáo sư chia sẻ.
Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn chú trọng xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, hướng đến đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia, Đề án 32 về phát triển nghề Công tác xã hội đã được phê duyệt (2010) nhằm tăng cường đội ngũ nhân viên công tác xã hội trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế, góp phần cải thiện chất lượng đời sống của tất cả các nhóm dân cư. Tuy nhiên quá trình này vần còn tồn tại những hạn chế nhất định: “…thực tế thì người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em là những nhóm đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của tất cả các cơ quan, tổ chức, trong khi nhóm người cao tuổi còn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề khó khăn và nhu cầu cần đáp ứng thì lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Đây không chỉ là tình trạng của Việt Nam mà còn là tình trạng chung của các quốc gia, trong đó có nước Mỹ” - Giáo sư đã chỉ ra vấn đề này trong bài nói chuyện của mình.
Một trong những điểm còn hạn chế của hầu hết sinh viên Công tác xã hội tại Việt Nam chính là sự thiếu hụt kỹ năng và điều kiện thực hành nghề nghiệp, do đó các em rất mong muốn được trau dồi những kinh nghiệm xử lý tình huống trong thực tế. Đây cũng chính là một trong những vấn đề mà giáo sư Peggy đã nắm bắt và kết nối với sinh viên để các em tích cực trao đổi về những lĩnh vực của Công tác xã hội mà các em thực sự quạn tâm, cụ thể: Vai trò của Công tác xã hội, định hướng nghề nghiệp trong tương lai, sự khác biệt trong mô hình thực hành công tác xã hội của Việt Nam và mô hình của Mỹ, những hoạt động nhằm tăng cường kỹ năng thực hành của các bạn sinh viên Công tác xã hội tại Mỹ.
Seminar diễn ra trong không khí khá sôi nổi. Kết thúc từng mảng vấn đề mà giáo sự Peggy đề cập, các em sinh viên tham dự đều hăng hái đặt câu hỏi và chia sẻ những tình huống mà các em đã gặp phải khi thực hành với đối tượng. Các em cũng bày tỏ lòng tâm huyết sâu sắc với định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai, để góp sức phục vụ cho quê hương, đất nước.
Trải qua một thời gian làm việc, ấn tượng đọng lại đối với toàn thể giảng viên và sinh viên tham dự chính là phong cách thuyết giảng chuyên nghiệp, những kinh nghiệm thực hành nghề nghiệp quý báu, sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, kỹ năng gợi mở tư duy và đặc biệt là sự nhiệt tình cùng những tình cảm chân thành mà GS. Peggy đã dành cho giảng viên và sinh viên khi đến thăm và làm việc tại trường ĐH Khoa học. Một số sinh viên ngành Công tác xã hội xúc động tâm sự:
“…Em thật sự rất cảm ơn GS. Peggy vì đã mang đến cho chúng em những kinh nghiệm thực tế để chúng em có thể thực hành nghề nghiệp của mình trong hiện tại và tương lai. Em cũng rất ấn tượng với phong cách hòa đồng và sự nhiệt tình của Giáo sư…” (Sinh viên lớp CTXH K10)
“…Hai ngày không phải là dài, nhưng rất bổ ích. Có những kỹ năng tưởng rằng rất khó hiểu và khó thực hiện, thế nhưng giáo sư đã giúp chúng em nắm được những vấn đề cốt lõi nhất để có thể ứng dụng vào thực tiễn…”(Sinh viên lớp CTXH K11)
Bản thân Peggy. L. Mcfarland cũng bày tỏ những ấn tượng sâu sắc của mình về tinh thần cầu thị, tâm huyết với nghề của các em sinh viên trường ĐH Khoa học “Khi trở về tôi sẽ nói với những đồng nghiệp của tôi rằng, ở Việt Nam có rất nhiều nhân viên công tác xã hội là nam giới, chứ không phải chỉ có nữ giới như ở Mỹ”. Và đặc biệt xúc động hơn khi Giáo sư đón nhận những món quà tinh thần, những lời ca tiếng hát của các bạn sinh viên dành tặng: “Tôi chưa bao giờ được tham gia một chương trình mà lại tuyệt vời đến như thế. Các em hồn hậu, chân thành và suy nghĩ về nghề một cách giản dị mà sâu sắc như thể làm công tác xã hội là bản năng của mình vậy!”
Seminar khoa học đã kết thúc tốt đẹp với sự hứa hẹn về cơ hội mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế và chia sẻ kiến thức thuộc chuyên ngành Công tác xã hội. Đối với các em sinh viên, tham dự các buổi Seminar chính là cơ hội qúy báu để các em được tiếp cận và phát triển các kỹ năng trong thực tế, thông qua đó các em cũng hiểu biết sâu sắc hơn về vai trò của Công tác xã hội và có niềm tin vững chắc vào nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Chương trình cũng là một trong những mục tiêu mà bộ môn Công tác xã hội hướng tới trong bước đường khẳng định và củng cố vị thế, vai trò của nghề Công tác xã hội trong tương lai.
Một số hình ảnh về hoạt động của Seminar khoa học: