- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Hiện nay, trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vần đề toàn cầu liên quan đến biến đổi khí hậu, cạn kiệt, suy thoái tài nguyên... rừng thực sự đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của toàn nhân loại. Vai trò của hệ sinh thái rừng thể hiện trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, hấp thụ carbon, bảo vệ chống sa mạc hóa... Các hệ sinh thái rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Quản lý hệ sinh thái rừng bền vững nhằm duy trì, tăng cường giá trị môi trường, kinh tế của tất cả các loại rừng vì lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai. Quản lý rừng bền vững giúp đạt được các lợi ích trong các lĩnh vực đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học và suy thoái đất. Mục tiêu của Chiến lược quản lý rừng bền vững hiện nay đó là (i) Giảm áp lực lên tài nguyên rừng và tạo ra các dòng bền vững của dịch vụ hệ sinh thái rừng, (ii) Tăng cường môi trường thuận lợi để giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, tăng cường bể hấp thụ carbon từ các hoạt động sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất. Hướng nghiên cứu bảo vệ, quản lý hệ sinh thái rừng hiện đang được giảng viên, sinh viên các ngành Khoa học Môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Địa lý đặc biệt quan tâm.
Được sự nhất trí của lãnh đạo nhà trường, với mong muốn trao đổi kiến thức, tiếp cận hướng nghiên cứu mới về bảo vệ hệ sinh thái rừng, vào sáng ngày 24/09/2015, Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất, Trường Đại học Khoa học đã tổ chức seminar “Quản lý hệ sinh thái rừng trong bảo vệ môi trường” với sự tham gia trình bày của các giảng viên đến từ Khoa Lâm nghiệp, trường Đại học tổng hợp Georg-August Göttingen, CHLB Đức: GS.TS. Renate Bürger-Arndt - Trưởng bộ môn Quản lý Tài nguyên và Quy hoạch Cảnh quan. Đến tham dự buổi seminar còn có đồng chí Nguyễn Đức Lạng - Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Hoàng Lâm - Trưởng phòng Khoa học - công nghệ và Hợp tác quốc tế; ThS. Nguyễn Thế Vinh - Trưởng phòng Khảo thí & ĐBCLGD, ThS. Nguyễn Tô Giang - Phó trưởng phòng Thanh tra Pháp chế.... cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên tiên tiến của trường và Khoa KH MT&TĐ quan tâm đến dự. Trong buổi Seminar, hai báo cáo khoa học quan trọng thể hiện hướng nghiên cứu chuyên sâu của GS.TS. Renate Bürger-Arndt, Đại học tổng hợp Georg-August Göttingen, CHLB Đức và của NCS. Nguyễn Thị Đông - giảng viên Khoa KH MT&TĐ đã được trình bày. Chủ trì seminar khoa học là đồng chí Mai Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa Khoa KH MT&TĐ.
Mở đầu seminar, GS.TS. Renate Bürger-Arndt đã trình bày báo cáo khoa học với chủ đề “Khái niệm dịch vụ hệ sinh thái - Khung khái niệm cơ bản cho sự tham gia các dự án nghiên cứu ứng dụng”. Báo cáo đã trình bày cách tiếp cận nghiên cứu, cơ sở cho dự án nghiên cứu ứng dụng hệ sinh thái rừng của các chuyên gia Đức. Bản báo cáo giúp cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa KHMT&TĐ có những kiến thức mới về các vấn đề: đánh giá toàn cầu hiện trạng của hệ sinh thái hiện nay, các quan điểm về mối quan hệ qua lại giữa con người với môi trường tự nhiên, các vấn đề trong nghiên cứu cảnh quan và đa dạng sinh học, tiếp cận trong đánh giá dịch vụ hệ sinh thái, nghiên cứu chỉ thị cho việc cung cấp dịch vụ hệ sinh thái.
Tiếp theo báo cáo của Giáo sư, NCS. Nguyễn Thị Đông đã trình bày báo cáo “Nghiên cứu khả năng chi trả dịch vụ cảnh quan tại rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên”. Rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc có vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh, đồng thời là khu du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, bảo vệ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trong thời gian qua rừng Hồ Núi Cốc đang bị tàn phá do sự quản lý thiếu chặt chẽ và khai thác của người dân địa phương. Vì vậy, rất cần một cơ chế quản lý mới vừa bảo vệ được tài nguyên rừng đồng thời cung cấp nguồn tài chính cho cộng đồng địa phương. Bản báo cáo đã xác định được giá trị dịch vụ môi trường cảnh quan và dịch vụ hấp thụ các bon rừng Hồ Núi Cốc, từ đó đánh giá khả năng chi trả dịch vụ cảnh quan, khả năng hấp thụ các bon tại rừng phòng hộ, xây dựng được mô hình chi trả dịch vụ cảnh quan từ nhóm người hưởng lợi (khách du lịch, nhóm đối tượng kinh doanh dịch vụ, đối tượng mua tín chỉ cacbon) và nhóm người bảo vệ (Ban quản lý rừng phòng hộ và người dân trồng rừng) tại rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.
Các báo cáo của Giáo sư và NCS đã thể hiện những hướng nghiên cứu hiện đại, có giá trị khoa học và thực tiễn, là cơ sở khoa học giúp quản lý, bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo vệ môi trường định hướng phát triển bền vững. Hai bản báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, các em sinh viên nhằm trao đổi, làm rõ và tiếp thu các vấn đề nghiên cứu, và cũng là những gợi mở hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học trẻ khoa KH MT&TĐ.
Sau khoảng thời gian thảo luận sôi nổi, buổi seminar đã kết thúc tốt đẹp. Những hướng NCKH mới đã được nhiều giảng viên, các em sinh viên tiếp thu, học tập và mở ra các nghiên cứu quan trọng trong tương lai.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi seminar:
Lãnh đạo nhà trường, các giảng viên và đông đảo sinh viên tham dự buổi seminar khoa học
GS.TS. Renate Bürger-Arndt trình bày báo cáo khoa học
NCS. Nguyễn Thị Đông - giảng viên Khoa KH MT&TĐ trình bày báo cáo
Đồng chí Mai Thị Lan Anh - Phó trưởng khoa Khoa KH MT&TĐ điều khiển thảo luận tại seminar
Sinh viên Khoa KH MT&TĐ đặt câu hỏi với Giáo sư
Trao đổi giữa Giáo sư với các nhà khoa học và sinh viên
Chụp ảnh lưu niệm kỷ niệm sự thành công của seminar