Hoạt động tham quan thực tập - thực tế của sinh viên K10 & K11 ngành Vật lý

20-08-2015 07:06 Xem: 1994 lần
Hoạt động tham quan thực tập - thực tế của sinh viên K10 & K11 ngành Vật lý_thumbnail

Thực hiện kế hoạch đào tạo của Khoa và nhà Trường cũng như phương châm đào tạo “học đi đôi với hành” và “đào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội”, việc gắn đào tạo trên giảng đường với các chương trình thực tập, thực tế càng có ý nghĩa quan trọng. Trong quá trình đổi mới chương trình và phương pháp dạy học ở các trường Đại học, hoạt động thực tế càng được chú ý hơn vì nó gắn chặt với việc thực hiện kĩ năng nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Có thể thấy rõ hoạt động thực tế có rất nhiều ý nhĩa với việc học tập và rèn luyện của sinh viên, nhất là sinh viên ngành Vật lý – ngành khoa học thực nghiệm.

Từ ngày 10 - 14/8/2015, Khoa Vật Lý & Công nghệ đã tổ chức cho lớp Cử nhân Vật lý K10 và K11 Trường Đại học Khoa học đi học tập thực tế tại Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Tỉnh Thanh Hóa và Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Vinh, Tỉnh Nghệ An. Đây là một học phần thực tế nằm trong chương trình đào tạo đối với các sinh viên thuộc năm thứ ba của trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên.

Trong chuyến tham quan này, ngoài 40 sinh viên còn có các giảng viên trong Khoa Vật lý & Công nghệ đi cùng để hướng dẫn các em sinh viên, đó là các thầy ThS. Nguyễn Xuân Ca (Trưởng đoàn), TS. Nguyễn Văn Hảo (Phó đoàn), ThS. Lê Văn Hoàng và ThS. Nguyễn Trung Kiên.

Địa điểm đầu tiên Đoàn tham quan đặt chân đến đó là Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 thuộc Xã Hải Hà – Huyện Tĩnh Gia – Khu kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa. Cảm giác đầu tiên của các em sinh viên khi được vào nhà máy đó là sự bất ngờ về quy mô sản xuất của nhà máy và sự háo hức muốn được khám phá các khu vực đang sản xuất. Được sự chỉ đạo của ông Lê Thanh Hảo – Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức của Nhà máy, Đoàn tham quan đã được các Xưởng trưởng dẫn đi tham quan các Tổ máy, lò đốt và cảng biển.

Đoàn cán bộ và sinh viên K10 + K11 ngành Vật lý chụp ảnh lưu niệm cùng các Xưởng trưởng của Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1

Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 là một trong hai nhà máy của trung tâm điện lực Nghi Sơn, thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 350 Ha tại xã Hải Hà và Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Nhà máy này gồm hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 600 MW, sản lượng điện sản xuất hàng năm đạt khoảng 3,6 tỷ kw/h, với tổng vốn đầu tư gần 22.260 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và 15% vốn đối ứng của EVN.

Hệ thống mái vòm chứa than và băng chuyền tại Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1

Một ấn tượng với bất kỳ ai đến công trình này là mái vòm chứa than bằng khung thép, dài 240 m, rộng 72 m, có sức chứa 120.000 tấn than, đủ cho nhà máy sử dụng liên tục trong 14 ngày (mức tiêu thụ bình quân của nhà máy là 8.000 tấn than/ngày). Từ nhà vòm, một băng chuyền dài hơn 1,5 km được nối tới cảng than. Công việc bốc than đã có 2 cần cẩu, công suất bốc 750 tấn/giờ. Như vậy, với tàu trọng tải chở than tới 5.000 tấn nếu 2 cầu trục vận hành hết công suất, chỉ sau 8 tiếng đồng hồ sẽ bốc sạch than trên tàu.

Đoàn cán bộ và sinh viên Khoa Vật lý & Công nghệ  thăm quan cảng biển – nơi đặt hệ thống máy bơm nước cho việc làm mát và nhập than nguyên liệu tại Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1.

Chỉ tay về phía chiếc ống khói sừng sững, các Xưởng trưởng chia sẻ: “Ống khói này là ống khói kép dùng cho 2 lò đốt than, cao tới 207 m, được làm theo công nghệ polime RFA, tức là được gia cường sợi thủy tinh, đây là công nghệ mới nhất hiện nay. Với công nghệ này, toàn bộ lưu huỳnh và khí độc hại sẽ được triệt tiêu hết trước khi thải qua ống khói ra ngoài”.

Các em sinh viên được tiếp xúc thực tế với các loại máy móc, thiết bị hiện đại như máy hệ thống lò hơi của Mỹ, tuabin của Nhật, hệ thống làm lạnh tuần hoàn bằng nước biển, hệ thống lò đốt, bộ phận lọc bụi và khí thải…là các loại máy móc thiết bị mới và hiện đại chỉ được các Thầy giới thiệu trên lớp hoặc xem qua Internet nên các em thấy rất hào hứng.

Điểm tham quan thực tế tiếp theo của Đoàn là Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Vinh, TP. Vinh, Tỉnh Nghệ An. Tại đây, Đoàn đã được tiếp đón rất nồng nhiệt bởi Ban lãnh đạo Khoa Vât lý & Công nghệ, Đại học Vinh. Về phía Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Vinh có PGS. TS. Nguyễn Huy Bằng – Trưởng Khoa, TS. Mai Văn Lưu – Phó trưởng Khoa, TS. Trịnh Ngọc Hoàng – Trưởng Bộ môn Vật lý đại cương (kiêm Bí thư liên chi), TS. Bùi Đình Thuận – Trưởng Khoa Quang học – Quang Phổ, TS. Nguyễn Thị Nhị - Trưởng Bộ môn Phương pháp giảng dạy, ThS. Lê Thị  Hồng Phương – Trợ lý quản lý HSSV, ThS. Hoàng Văn Thụy, ThS. Lê Văn Vinh, ThS. Phạm Hoàng Nam – cố vấn học tập cùng với 2 em sinh viên xuất sắc trong Khoa. Một điều thú vị là 2 Khoa đều có cùng một tên gọi. Điều này được PGS. Nguyễn Huy Bằng chia sẻ là do nhu cầu từ thực tiễn mà tên Khoa của Đại học Vinh đã được chuyển đổi từ Khoa Vật lý (có truyền thống được 49 năm) thành Khoa Vật lý & Công nghệ vào năm 2013.

Đoàn tham quan thực tế của Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên được đón tiếp trong một không gian rất ấm cúng và nhiều ý nghĩa – đó là Phòng truyền thống của Trường Đại học Vinh. Tại đây, các cán bộ và sinh viên của Khoa đã được Trưởng Khoa, Phó Khoa cũng như nhiều cán bộ trong Khoa Vật lý & Công nghệ của Đại học Vinh chia sẻ về những kinh nghiệm trong phương thức đào tạo, nghiên cứu khoa học và tuyển sinh.

Chúng tôi thật ấn tượng với những thành tích mà phía bạn đã đạt được trong suốt 49 năm xây dựng và trưởng thành. Hiện tại, Khoa Vật lý & Công nghệ là một trong các Khoa mạnh của Đại học Vinh. Với hơn 600 sinh viên (cử nhân sư phạm Vật lý và Kỹ sư công nghệ kỹ thuật điện), gần 120 học viên cao học (cho 2 chuyên ngành: Quang học và Lý luận & phương pháp giảng dạy vật lý) và 20 nghiên cứu sinh (cho 2 chuyên ngành: Quang học và Lý luận & phương pháp giảng dạy vật lý). Khoa có một đội ngũ cán bộ có trình độ cao và chất lượng bao gồm 1 GS, 7 PGS, 10 TS, 9 ThS, 1 KS và 4 NCS.

Do nhu cầu thực tế từ xã hội mà Khoa Vật lý, Đại học Vinh đã mở thêm 01 ngành đào tạo mới về “Kỹ sư công nghệ kỹ thuật điện, điện tử” năm 2013. Ngoài ra, Khoa bạn còn có nhiều lượt thỉnh giảng của các GS, PGS tới từ các Trường Đại học, Viện nghiên cứu quốc tế (Châu Âu, Mỹ, Nhật bản…) và quốc gia. Khoa bạn rất trú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học. Các cán bộ của Khoa đều có lòng say mê nghiên cứu nghiêm túc và sự tận tụy, nhiệt tình chỉ bảo cho sinh viên. Hệ thống phòng thí nghiệm của Khoa cũng rất hiện đại, phong phú và đắt tiền: phòng thí nghiệm đại cương 3.7 tỷ; phòng thí nghiệm Quang phổ-laser 30 tỷ và Phòng thí nghiệm thiết bị điện, điện tử 8 tỷ.

PGS.TS. Nguyễn Huy Bằng giao lưu với sinh viên Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên

Buổi giao lưu, trao đổi và chia sẻ giữa 2 Đoàn diễn ra trong không khí rất cởi mở, sôi nổi và hòa đồng. Sinh viên rất hào hứng với những chia sẻ về các kỹ năng, kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của phía Khoa bạn. Đã có rất nhiều câu hỏi đã được Đoàn cán bộ và sinh viên của Trường Đại học Khoa học đặt ra cho phía Khoa bạn. Mọi thắc mắc đã được giải đáp một cách ngắn gọn nhưng dễ hiểu và đầy đủ. Qua buổi giao lưu và học tập này, Đoàn cán bộ và sinh viên đã đi thăm các dấu mốc cũng như những thành tích mà phía Đại học Vinh đã đạt được sau 55 năm truyền thống ở tại Phòng truyền thống của Nhà trường.

Một số CB của hai Khoa chụp ảnh lưu niệm tại Phòng truyền thống của ĐH Vinh

Sau đó, Đoàn đã chia làm 3 nhóm để tới thăm các Phòng thí nghiệm của Khoa Vật lý & Công nghệ: Phòng thí nghiệm Cơ – Nhiệt; Phòng thí nghiệm Điện – Quang; Phòng thí nghiệm Vật lý - Công nghệ; Phòng thực hành Máy điện; Phòng thực hành Cung cấp điện; Phòng thực hành điều khiển lập trình PLC; Phòng thí nghiệm Quang học - Quang phổ; Phòng thí nghiệm chuyên đề về PPGD vật lý và Phòng thí nghiệm chuyên đề Quang phổ - Laser. Tại đây, các em sinh viên được các cán bộ của phía bạn giới thiệu về các trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu ở bậc sau đại học.

Bộ thí nghiệm chuyên đề về máy phát thông số quang OPO – tại PTN Quang phổ - Laser.

Bộ phận thu nhận và xử tín hiệu quang lấy trung bình Boxcar của SRS, USA.

Hệ thí nghiệm ở gần 0 độ tuyệt đối

ThS. Nguyễn Xuân Ca (Phó trưởng Khoa Vật lý & Công nghệ, ĐH Khoa học) trao tặng quà cho PGS.TS. Nguyễn Huy Bằng (Trưởng Khoa Khoa Vật lý & Công nghệ, ĐH Vinh)

Sau khi kết thúc các buổi học tập thực tế tại Đại học Vinh, Đoàn đã tổ chức cho sinh viên hành hương về thăm Làng Sen - quê nội Bác, Làng Hoàng Trù – quê ngoại Bác và viếng thăm lăng mộ Bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Người). Ngoài ra, Đoàn cũng đi thăm quan thêm một danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình.              

Đoàn cán bộ, sinh viên Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học chụp ảnh lưu niệm trước nhà Bác (ở quê ngoại) tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Qua đợt học tập thực tế tại Thanh Hóa và Nghệ An sẽ giúp cho các bạn sinh viên thấy được những ứng dụng to lớn của Vật Lý nói chung và những ứng dụng rộng rãi của năng lượng Cơ/ Nhiệt và nguyên tử trong đời sống sản xuất và trong kỹ thuật. Chắc chắn qua đợt học tập thực tế này các bạn sinh viên sẽ yêu thích ngành Vật lý hơn, hiểu nhau và gần gũi nhau hơn trong học tập và trong sinh hoạt. Đây là đợt học tập thực tế vô cùng bổ ích đối với các bạn sinh viên K10 và K11 Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học.

Đoàn cán bộ, sinh viên Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học chụp ảnh lưu niệm trong Bảo tàng (trước Nhà tưởng niệm) Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam Đàn, Nghệ An

Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình

 

Nguyễn Văn Hảo - Khoa Vật Lý & CN