Hành trình khám phá sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc

15-04-2014 01:31 Xem: 2112 lần
Hành trình khám phá sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc_thumbnail

       “Hành trình khám phá sắc màu văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc là một sự kiện khoa học mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam thời hội nhập”

        Ngày 11/4, Khoa Văn - Xã hội, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học lần thứ nhất với chủ đề “Hành trình khám phá sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”. Tham dự Hội nghị có: PGS,TS. Đặng Văn Minh - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, PGS,TS. Nông Quốc Chinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học; cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành và đông đảo giảng viên, sinh viên các ngành Văn học, Báo chí, Du lịch, Việt Nam học.

Hội nghị thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia và đông đảo giảng viên, sinh viên

       Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, với nguy cơ đáng báo động về sự mai một văn hoá truyền thống, đặc biệt là văn hoá các dân tộc thiểu số, việc nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá theơ hướng bền vững là một hướng đi đúng đắn, cần được sự quan tâm đầu tư và khích lệ. Hội nghị đã nhận được 50 báo cáo khoa học của giảng viên và sinh viên. Thông qua các báo cáo, bức tranh văn hoá đa sắc màu hiện lên rõ nét với những luật tục trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số như: Lễ trưởng thành, cấp sắc, cưới hỏi, tang ma… của một số dân tộc Sán Chỉ, Sán Dìu, Thái đen, Thái trắng; lễ cúng vía của người Mường Bí - Hoà Bình; trang phục người Bố Y ở xã Quyết Tiến - Quản Bạ - Hà Giang; cách thức xây dựng nhà truyền thống của người Thái trắng ở Mường Lò - Nghĩa Lộ - Hoà Bình…

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cùng đại diện gia đình cố GS,TS. Nguyễn Văn Huyên tới tham gia Hội nghị.

        Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Phạm Thị Phương Thái – Trưởng Khoa Văn – Xã hội đã nhấn mạnh: “Hội nghị nghiên cứu khoa học lần thứ nhất với chủ đề “Hành trình khám phá sắc màu văn hóa dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc” là một sự kiện khoa học mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam thời hội nhập. Đồng thời, Hội nghị là dấu mốc cho sự ra đời của một diễn khoa học dành riêng cho nhóm ngành Khoa học xã hội & Nhân văn, tạo hứng khởi say mê nghiên cứu không chỉ cho sinh viên mà cả giảng viên trong Khoa”.

PGS, TS. Nông Quốc Chinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học trao bằng khen cho các cá nhân đạt giải trong cuộc thi “Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ toàn quốc”từ năm 2010 – 2014.

        Các Báo cáo được trình bày tại Hội nghị đã thu hút sự quan tâm chú ý của các đại biểu tham gia như: Uống rượu bằng thìa – một nét văn hóa độc đáo của người Nùng An (Phúc Sen – Cao Bằng) của tác giả: Hứa Thị Kiều Oanh;  Phúc Sen – từ tiếng búa một làng rèn đến dư âm lịch sử của tác giả Trần Thế Dương; Nét độc đáo trong hành trình đưa tiễn linh hồn của người Thái đen ở Mường Lò  - Nghĩa Lộ - Yên Bái của nhóm tác giả: TS. Phạm Thị Phương Thái - Hà Văn Tú; Tục kiêng kị trong sinh đẻ của người Hà Nhì ở Bát Xát - Lào Cai của nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Thị Suối Linh - Ngô Thị Thu Thảo.

Tổ chức vận động gây Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học Nguyễn Văn Huyên

        Hội nghị được tổ chức là một sự kiện khoa học mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, được sự đồng ý của gia đình cố GS,TS. Nguyễn Văn Huyên - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (giai đoạn 1946-1975), Khoa Văn – Xã hội đã thành lập và tổ chức vận động gây Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học mang tên nhà sử học, nhà nhân học văn hóa, nhà giáo dục Việt Nam - Nguyễn Văn Huyên, để làm động lực thúc đẩy, ươm mầm và thắp sáng nhiều hơn nữa những tài năng nghiên cứu, làm dày hơn những công trình của sinh viên về vốn văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam. 

Đình Hải – Lan Phương Khoa Văn- Xã hội