Đào tạo ngành cử nhân Hóa dược tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

26-03-2014 02:22 Xem: 4322 lần
Đào tạo ngành cử nhân Hóa dược tại trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên_thumbnail

        1. Tại sao Hóa dược là một ngành học tiềm năng và triển vọng?

        Việt Nam là nước có diện tích rừng khá lớn với số lượng cây thuốc vô cùng phong phú. Đây chính là tiềm năng và là cơ sở để Nhà nước ta phát triển ngành Công nghiệp hóa dược, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, tiến tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy  nhiên, cho đến nay, xét về quy mô ngành Công nghiệp hóa dược nước ta vẫn rất khiêm tốn.

       Ngày 7 tháng 5 năm 2007 Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Quyết định số 61/2007/QĐ-TTg về Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020 có chỉ rõ các mục tiêu chính như “Giai đoạn 2011 - 2015  - Tăng cường mạnh mẽ tiềm lực cả về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực, đưa khoa học công nghệ trong lĩnh vực hoá dược của nước ta đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực then chốt đạt trình độ của các nước phát triển trên thế giới”, “Tầm nhìn đến năm 2020 - Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực hóa dược ở nước ta đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, góp phần phát triển ngành công nghiệp hoá dược thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn để sản xuất và cung cấp đủ nguyên liệu làm thuốc thiết yếu, tiến tới chủ động sản xuất thuốc chữa bệnh ở trong nước”

       Những vấn đề trên đã mở ra cơ hội đồng thời cũng là thách thức cho công tác đào tạo cử nhân hóa dược của nước nhà. Chính vì vậy, ngành hóa dược trở thành một trong những ngành đang được chú trọng đầu tư, đẩy mạnh phát triển trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm cũng ứng nguồn nhân lực chất lượng đảm bảo phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp dược của đất nước.

       2. Chương trình đào tạo ngành Hóa dược của Trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên

       Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên là một trong số ít trường Đại học trong cả nước được Bộ GD & ĐT cho phép đào tạo và cấp bằng Hóa dược.

       Mục tiêu của chương trình: Trang bị cho SV các kiến thức cơ bản nhằm phát triển toàn diện cả về cơ sở lý thuyết cũng như kỹ năng thực hành để có khả năng đảm nhiệm công tác của một cử nhân Hoá dược trong việc quản  lý và sản xuất chế phẩm của thuốc, đáp ứng được các nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

       Nội dung chương trình đào tạo:

       Khối kiến thức giáo dục đại cương: Bao gồm những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, an ninh quốc phòng, giáo dục thể chất và các môn khoa học tự nhiên.

       Khối kiến thức giáo dục chuyên ngành: Tập trung vào 3 mô đul.

       Khối kiến thức cơ bản của ngành Hóa học: Hóa học Vô cơ, Hóa học Hữu cơ, Hóa học phân tích, Hóa lý, Hóa Kỹ thuật, các phương pháp phân tích và xác định cấu trúc hiện đại.

       Khối kiến thức cơ sở của ngành nghề đào tạo: Hóa dược, Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Thiết bị sản xuất hóa dược, Thiết kế phát triển thuốc,  Kĩ thuật tổng hợp Hóa dược, v.v.

       Khối kiến thức chuyên sâu:  Dược liệu; Tổng hợp Hóa dược; Phân tích và tiêu chuẩn hóa Dược liệu.

       Điều kiện thực hiện chương trình: Theo học ngành Hóa dược tại Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên sinh viên được học trong môi trường dạy học hiện đại, trang bị đầy đủ trang thiết bị thí nghiệm, thực hành giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu những kiến thức được giảng dạy đồng thời nâng cao các kỹ năng thực hành và hiểu rõ được những đặc trưng, thực tế ngành học. Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội tiếp cận với thực tế thông qua các môn học thực tế tại bệnh viện Thực hành của Đại học và các cơ sở sản xuất hóa dược trong địa bàn.

       3. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp

 Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng cử nhân Hóa dược và có thể làm việc ở các lĩnh vực sau:

       - Đảm nhiệm các vị trí công tác trong Công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm, Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm, kiểm tra giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Sở Y tế hoặc các cơ sở y tế khác có liên quan tới ngành hóa dược

       - Làm Cán bộ kỹ thuật tại các trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm của địa phương và trung ương, làm ở các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất được phẩm.

       - Làm công tác nghiên cứu tại các Viện, các trung tâm nghiên cứu không chỉ trong lĩnh vực Hóa dược mà còn cả trong các lĩnh vực khác như: Sinh học, Hóa học…

       - Giảng dạy tại các trường Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học có đào tạo về Hóa dược, Công nghiệp dược, Dược sỹ. 

       4. Khả năng học tập nâng cao trình độ

      - Đảm bảo kiến thức về chuyên môn và nghiệp vụ để học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các chuyên ngành thuộc lĩnh vực hóa dược ở trong và ngoài nước.

      - Có thể thực hiện được các đề tài nghiên cứu hóa dược ở các cấp khác nhau.

      - Có thể học liên thông ngang để nhận văn bằng 2 các ngành gần như: Hóa học, công nghệ kĩ thuật hóa học, ngành dược...

Khoa Hóa học