“Báo chí đương đại với đời sống xã hội” – Câu chuyện của những người làm báo hiện đại

17-09-2014 00:36 Xem: 2313 lần
“Báo chí đương đại với đời sống xã hội” – Câu chuyện của những người làm báo hiện đại_thumbnail

        Nhằm chào mừng Đại hội Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên lần thứ V (nhiệm kỳ 2014 – 2019), đồng thời, hiện thực hóa chương trình ký kết hợp tác giữa hai đơn vị,  tối ngày 10-9, tại Trường quay S1, Đài PT – TH Thái Nguyên phối hợp cùng Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa  học – Đại học Thái Nguyên đã tổ chức chương trình giao lưu "Báo chí đương đại với đời sống xã hội", phát sóng trực tiếp trên kênh TN1, TN2.

Tiết mục Tự hào báo chí Việt Nam đã mở đầu buổi giao lưu

        Tham dự chương trình có Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên BCH Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Thái Nguyên; Tiến sĩ, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam; Bà Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên; Bà Nguyễn Thúy Quỳnh – Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên; PGS.TS Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học, cùng các hội viên Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên và đông đảo sinh viên Trường Đại học Khoa học. 

Các nhà báo giao lưu tại chương trình

        Trong suốt 90 phút truyền hình trực tiếp của chương trình giao lưu “Báo chí đương đại với đời sống xã hội”, các vị đại biểu, khán giả, đặc biệt là các bạn sinh viên đã được nghe các nhà báo chia sẻ về những câu chuyện dung dị trong quá trình tác nghiệp; cuộc đời làm báo và cùng nhìn nhận tác động của báo chí đương đại với đời sống xã hội cũng như xu hướng đào tạo, phát triển báo chí trong tương lai.

         Vai trò của Báo chí đương đại với đời sống xã hội

        Trong buổi giao lưu, các quan điểm về mối quan hệ, tác động của báo chí đương đại tới đời sống xã hội và vai trò của Báo chí địa phương đã được các vị khách mời thảo luận. Nhà báo có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí - TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của báo chí: “Báo chí là một kênh quản lí, điều hành, giám sát và phản biện xã hội”. Trong bối cảnh hiện tại, với những thay đổi liên tục về nhu cầu và điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế, báo chí truyền thống  đứng trước những thách thức to lớn. Những người làm nghề luôn trăn trở, làm thế nào để tác phẩm báo chí phản ánh đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, mặt khác thỏa mãn được nguyện vọng và nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Toàn cảnh buổi giao lưu

       Từ câu chuyện “Một ngày làm việc của phóng viên Đài huyện” đến khái niệm về “Nhà báo hội tụ”

       Trong xu thế hội tụ truyền thông của báo chí hiện đại, một yêu cầu được đặt ra đối với người làm báo là phải “đa di năng”, cùng một lúc phải làm được nhiều khâu, phải "hội tụ" được nhiều kỹ năng làm báo - quay phim, viết lời bình tới dựng hậu kỳ thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Những tưởng, hình ảnh nhà báo hội tụ đó chỉ xuất hiện trong những tòa soạn hiện đại trên thế giới thì ngay tại Thái Nguyên, ở một đài huyện bình thường, cũng có những phóng viên như vậy. Qua câu chuyện về phóng viên Triệu Anh Tuấn - Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên đã giúp khán giả hiểu hơn về những khó khăn, vất vả và những phẩm chất, tài năng “hội tụ” của người làm báo. Qua đó, đặt ra vấn đề về yêu cầu, kĩ năng đối với những người theo học báo chí. TS. Nguyễn Thành Lợi cũng khẳng định những tác động quan trọng của xu hướng hội tụ đến cơ quan báo chí. Vai trò “hội tụ” trong làm báo buộc sinh viên phải tự ý thức trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng ngay khi còn đang học trong nhà trường.

         Đào tạo báo chí tại giảng đường và yêu cầu từ thực tế

        Buổi giao lưu cũng cho thấy khoảng cách giữa thực tế làm báo và lí thuyết đào tạo ở giảng đường đã và đang là một trong những rào cản lớn, khiến sinh viên báo chí luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ còn phải trang bị thêm kĩ năng nghề nghiệp, vốn sống và sự trải nghiệm cho bản thân sau khi rời nhà trường để có thể hòa nhập với những đòi hỏi ngày một khắt khe của nghề báo. Thực tế, với sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên và đông đảo các bạn sinh viên, bên cạnh các hoạt động liên kết hợp tác thì việc chú trọng đào tạo gắn với thực hành trong công tác đào tạo báo chí ở Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên đã mang lại một môi trường thực hành kỹ năng nghề khá hiệu quả cho sinh viên. TS. Phạm Thị Phương Thái, trưởng Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa học chia sẻ: “Chúng tôi đã có những nghiên cứu, khảo sát để đưa ra được hướng đào tạo phù hợp. Với đặc trưng vừa mới thành lập, sinh viên là con em của vùng miền núi phía Bắc không có nhiều điều kiện tiếp xúc với báo chí, truyền thông; trang thiết bị đào tạo còn nhiều hạn chế thì việc xây dựng các sân chơi và khuyến khích sinh viên tham gia thực hành nghề là hướng đi phù hợp”.

         Những câu chuyện cởi mở, gần gũi và những tâm sự giản dị của các nhà báo về chuyện đời, chuyện nghề, phần nào đã giúp khán giả hiểu rõ hơn về những khó khăn, vất vả của nghề báo và niềm vinh dự, tự hào mà nghề báo mang lại. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đem đến cho chúng ta cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về bức tranh báo chí nói chung và truyền hình tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đồng thời nhằm chia sẻ, động viên đội ngũ những người làm báo Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho quý khán, thính giả những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, góp phần đưa báo chí gắn chặt với đời sống xã hội.

Đài PT-TH Thái Nguyên trao 10 suất học bổng cho sinh viên

        Cũng nhân dịp này, để động viên các sinh viên có kết quả cao trong học tập, Đài PT-TH Thái Nguyên đã tặng 10 suất học bổng cho 10 sinh viên có thành tích cao trong học tập của trường Đại học Khoa học và 100 cuốn sách “Văn nghệ văn hóa dân gian” cho Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa học.

Giai điệu của tiết mục "Những huyết cầu Tổ quốc" do các bạn sinh viên Khoa Văn - Xã hội biểu diễn đã khép lại chương trình giao lưu

        Đêm giao lưu “Báo chí đương đại với đời sống xã hội” cũng là minh chứng cho những nỗ lực của cơ sở đào tạo trong việc tìm dấu gạch nối giữa giảng đường và tòa soạn. Thầy và trò ngành báo chí của Khoa Văn – Xã hội đã được tham gia các khâu, công đoạn, kỹ thuật trong quy trình sản xuất một chương trình truyền hình trực tiếp, từ việc xây dựng kịch bản, chọn cảnh, quay film, dựng hình, lồng tiếng đến dẫn chương trình, xe màu, truyền phát… Đây là những cơ hội quý báu giúp sinh viên Báo chí của Trường Đại học Khoa học được rèn luyện, thực hành trong môi trường thực tiễn ở các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, đồng thời cũng được tiếp thêm ngọn lửa đam mê nghề nghiệp.

Vy Phương (Khoa Văn – Xã hội)