- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Chuyến hành trình đem hơi ấm tình người đến với đồng bào Vùng cao của Đoàn Thanh niên trường Đại học Khoa học.
Tôi lên tình nguyện theo chương trình “Đông ấm vùng cao” do Đoàn thanh niên- Hội sinh viên trường Đại học Khoa học kết hợp với Câu lạc bộ tình nguyện Khoa học xanh tổ chức tại Phân trường Đán Mẩy xã Nam Mẫu, Huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn vào những ngày giá rét nhất của mùa đông. Cái rét như cắt da, cắt thịt ở vùng miền sơn cước làm cho tôi ấn tượng mãi, nhưng có lẽ hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi là những em học sinh co ro trong những chiếc áo mỏng manh,chân không giầy, không tất, đôi môi tím tái trong giá rét. Nhìn những đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác của các em làm tôi hiểu hơn cuộc sống vất vả khó khăn của các em cũng như của bà con dân Bản nơi đây.
Thôn Đán Mẩy thuộc xã Nam Mẫu, là thôn khó khăn nhất của Xã, việc đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt vào những ngày mưa lũ càng khó khăn gấp bội, đời sống kinh tế còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỉ lệ cao, thôn có 100% là người dân tộc H”Mông sinh sống, nên các em học sinh nơi đây còn thiếu thốn nhiều lắm: Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì làm sao các em có thể chuyên tâm học hành được. Không những thế do những phong tục tập quán lạc hậu nhiều em mới lớp bốn bố mẹ bắt đi tìm vợ (có lẽ đây là một hủ tục lạ lùng mà đồng bào vẫn chưa thực sự dứt ra) vì vậy tỉ lệ bỏ học khá cao. Điều đó làm tôi thấy thật băn khoăn, trăn trở. Hành trình đến với Phân trường Đán Mẩy cũng thật gian nan: Chúng tôi phải mất 1 giờ đồng hồ ngồi trên thuyền ngược theo dòng hồ Ba Bể đến chân thác Đầu Đẳng sau đó mất 1,5 giờ đi bộ theo đường rừng lên tận ngọn núi cao nhất, đoạn đường rừng thì đá ghềnh lởm chởm, đoạn thì toàn đất đỏ mưa trơn. Không những thế chúng tôi với 28 thành viên còn phải đem theo 2 tấn hàng hóa lên trên núi. Thầy Bí thư Đoàn trường Ngô Ngọc Linh đã phải vác tới gần 20kg thịt (lợn và gà) là lương thực chính cho bữa tối và để chuẩn bị cho sáng hôm sau chúng tôi tiến hành chương trình nấu một bữa cơm ấm áp cho các em học sinh, thầy Bùi Trọng Tài và thầy Vũ Văn Lương cũng luôn nhận mang những hàng hóa nặng nhất là gạo, quần áo…để giúp cho các em sinh viên đỡ vất vả. Trên cả chặng đường thầy và trò chúng tối đã hát. Đúng là ở thời chiến tranh “tiếng hát át tiếng bom” thì ở nơi đây, lúc này đây chúng tôi hát để xua đi cái mệt mỏi, hát để cảm thấy yêu đời, yêu mảnh đất này hơn.
Chuyển hàng lên núi
Cứ đi là sẽ đến. Cuối cùng thì nhìn từ xa cũng thấy thấp thoáng ngôi trường nhỏ. Đến nơi thầy Dương Văn Trình là Điểm trưởng của phân trường học này đã ra tận cổng để chào đón chúng tôi. Phân trường này gồm 10 thầy cô giáo, toàn bộ là các thầy cô giáo trẻ. Các thầy cô đều xung phong lên trên này để “cõng cái chữ” đến cho đồng bào miền thượng.
Băng rừng vượt núi với hàng hóa nặng trĩu vai
Chúng tôi nhanh chóng sắp xếp đồ đạc và cùng nhau bắt tay chuẩn bị cho bữa tối. Thầy cô giáo ở đây đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi từ nơi ăn, chốn ở.
Bên bếp lửa, vừa nấu ăn tôi vừa tâm sự với một cô giáo trẻ, chị kể cho tôi nghe về những lần leo lên tận đỉnh núi chênh vênh để vận động học sinh đi học, những ngày đông giá rét vận động được học sinh đi học nhưng không có quần áo ấm phải đốt lửa ở góc lớp sưởi ấm cho các em…..
Tôi thấy thật cảm phục lòng nhiệt huyết của các thầy cô giáo nơi đây. Bởi vừa vất vả dạy chữ, dạy cho các em biết cách làm người vừa phải vận động, động viên các em đi học đầy đủ, chuyên cần. Hình ảnh những đó đọng lại trong tôi là sự cảm phục và niềm tin yêu. Lòng tôi lại miên man suy nghĩ về hình ảnh những dáng người nhỏ bé luôn miệt mài và tần tảo, những đôi chân không biết mệt mỏi gieo cái chữ lên gữa núi rừng Bắc Cạn để rồi chăm chút nó bằng những suối nguồn của hi vọng và ước mơ. Đó cũng chính là niềm tin, hi vọng và tình yêu thương mà thầy cô giáo đã đem đến cho các em bởi các em còn nhiều thiệt thòi, bởi con đường đến trường của các em còn lắm gian nan. Chính tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia của các thầy cô giáo là động lực nâng bước các em đến trường.
Cả đoàn bắt tay vào công việc nên chúng tôi rất nhanh chóng đã có chuẩn bị xong bữa tối. Bữa cơm rau rừng đạm bạc mà ấm tình người ngược xuôi. Sau đó là chương trình giao lưu văn nghệ giữa địa phương và đoàn chúng tôi. Có lẽ rất ít khi bà con nơi đây được xem những chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” đậm chất sinh viên và rất đỗi “hoành tráng” nên họ đã đến từ rất sớm. Những ánh mắt hân hoan, háo hức ấy lại càng làm chúng tôi thêm phần cố gắng để chương trình diễn ra thật tốt đẹp.
“Sau đây Chương trình văn nghệ xin phép được bắt đầu” lời của hai MC là thầy giáo Bùi Trọng Tài và cô giáo Đỗ Nhung tại phân trường Đán Mẩy đã vang lên.
Chương trình được mở đầu với bài hát “Những dấu chân tình nguyện” do các bạn tình nguyện viên trường Đại học Khoa học trình bày, tiếng vỗ tay của bà con, của thầy cô, đã làm cho không khí của điểm trường dần náo nhiệt hơn.
Tiếng của núi rừng đại ngàn, hòa quyện với tiếng hát trong trẻo của cô giáo Thắm với bài hát Địu con đi nhà trẻ là tiết mục thứ hai , có thể nói tiếng hát của cô có lẽ làm rất nhiều các chàng trai phải rung động.
Để đáp lại tình cảm của cô giáo, thầy Ngô Ngọc Linh và thầy Bùi Trong Tài đã trình bày ca khúc: “ Đi học” với lời ca da diết: trường của em be bé, nằm ở giữa rừng cây, cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay. Lời của bài hát thật đúng với khung cảnh của mái trường này. Chương trình còn có rất nhiều tiết mục khác, được các thầy cô giáo ở đây chuẩn bị, dù đơn sơ, mộc mạc, nhưng đã thể hiện hết được lòng yêu nghề, cũng như yêu người của các thầy cô. Hơn nữa đồng bào nơi đây, đặc biệt các em nhỏ đã vỗ tay không ngừng cổ vũ cho chương trình rất nhiều. Chỉ đơn giản là ít quà bánh và một vài tiết mục văn nghệ nhưng tôi đã thấy niềm vui thực sự trong mắt bọn trẻ.
Ngọn lửa trại tại Đán Mâỷ đã được đốt lên giữa mênh mông núi đồi, giữa cái lạnh tê tái của núi rừng Bắc Cạn đã khiến cho mọi người xích lại gần nhau hơn, thấy yêu mến nhau hơn. Mọi lo toan của cuộc sống dường như tan biến chỉ còn lại con người với thiên nhiên mênh mông, cùng nắm tay nhau hát vang bài ca “bốn phương trời” .
Hòa mình trong điệu nhạc Tây bắc, chúng tôi cùng nhau nhảy sạp bên ngọn lửa, đây là hoạt động thu hút mọi người nhiều nhất, chúng tôi đã có một buổi tối hết sức ý nghĩa.
Giao lưu văn nghệ - nhảy sạp
Sáng hôm sau là chương trình trao quà, phát cơm cho các em học sinh và 25 gia đình hộ nghèo. Chúng tôi có 93 suất quà là quần áo tặng cho 93 học sinh của phân trường. Các bạn tình nguyện viên Khoa học Xanh đã cẩn thận chia nhỏ từng góp quà với dăm ba bộ quần áo phân theo giới tính, để hi vọng rằng những món quà đó sẽ đem lại ấm áp thực sự cho các em trong mùa đông rét mướt này. Đơn vị tài trợ Công ty Mê Công Thái Lan cũng gửi tặng các em 93 phần quà bao gồm bút, vở, chắp cánh cho các em bay xa hơn trong ước mơ học tập của mình. Hướng đến đồng bào, chúng tôi cũng chuyển tấm lòng tình cảm của mình thông qua 25 bộ chăn – màn ấm áp mùa đông. Anh Giàng Mí Páo – đại diện cho các hộ nghèo phát biểu sau khi nhận được quà xúc động nói: “Tôi cảm thấy rất vui, tôi không biết nói gì hơn, xin cảm ơn trường Đại học Khoa học đã có những phần quà cho bọn trẻ con và người lớn chúng tôi, chúc cho các bạn trường Khoa Học sang năm mới sẽ đạt được nhiều kết quả tốt” - những lời nói chân thật, mộc mạc,có chút ngây ngô đáng yêu phần nào cho chúng tôi hiểu được niềm vui, niềm hạnh của đồng bào.
Phát 168 xuất cơm cho các em học sinh Phân trường Đán Mẩy
Nhìn các em ăn ngon lành những xuất cơm chúng tôi tận tay nấu nướng và đưa đến, tôi hỏi cơm các anh chị nấu có ngon không, em nào cũng trả lời có, tôi ra đứng ngoài cửa mà khóe mắt cay cay.
Tuy rằng “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, số quần áo, sách vở, chăn màn còn ít ỏi chúng tôi mang lên, cõ lẽ chưa xua đi hết những cái lạnh của mùa đông nơi đây, nhưng tôi tin rằng tuổi trẻ trường đại học Khoa học đã thực sự mang đến hơi ấm, tình thương góp phần làm cho mùa đông của đồng bào, đặc biệt là các em nhỏ bớt đi lạnh giá.
Thầy Bí thư, Phó bí thư Đoàn trường trao tặng quà cho gia đình hộ nghèo, các em học sinh
Đã đến giờ phải trở về Thái Nguyên, chuyến đi này đã để lại trong tôi nhiều niềm vui, nhiều kỉ niệm, lần đầu tiên được thưởng thức món mèn mén của người H’mông, lần đầu tiên ngắm sao giữa núi rừng đại ngàn không ánh điện, ánh sao soi sáng cả bầu trời, như sáng cả những tấm lòng của tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Lần đầu tiên bị làm MC “bất đắc dĩ” mà nói đồng bào không hiểu mình nói gì, ngơ ngác một lúc rồi đành phải chuyển micro để nhờ anh Điểm trưởng đọc và gọi tên 25 hộ nghèo lên nhận quà. Một chuyến đi đầy những trải nghiệm mới mẻ, trải qua nhiều cảm xúc để suy nghĩ về cuộc sống của bản thân, của những người xung quanh và thấy cuộc sống thức sự muôn màu.Một chuyến đi khiến tôi trưởng thành hơn từ nhận thức cho đến hành động, từ tư tưởng đến tình cảm.Tôi đã biết yêu thương nhiều hơn, biết nhớ, biết ngẫm, biết suy nghĩ về con người mình đã gặp. Mỗi ngày trong chuyến hành trình tôi được trải nghiệm như một trang sách hay, như những con sông lớn chảy qua bồi đắp cho tâm hồn một lớp phù sa màu mỡ . Vượt qua những mơ mộng sau cánh cửa nơi giảng đường với nhiều mơ mộng lãng mạng, sau chuyến đi tôi đã mở toang cánh cửa tâm hồn mình để hít thở thật sâu không khí của cuộc đời. Ở đó có có những số phận nghèo khó cần lắm sự sẻ chia, có những cảnh đời gian nan cần biết bao sự tiếp sức. Chúng tôi đều tự nhủ rằng con đường đến Đán Mẩy sẽ được quay trở lại, bởi còn những day dứt về một vùng đất không điện, không nước sạch, không trường học khang trang, không trạm y tế, trong khi những hủ tuc về sản xuất, lối sống vẫn đi cùng người dân.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” để khi xa vùng đất ấy nhớ về, tôi vẫn thấy những cánh hoa mua bung nở tím ngắt trên các triền núi, những kỉ niệm vẫn thơm thơm như nỗi niềm cổ tích …để hạnh phúc tự nhủ rằng Đán Mẩy một ngày không xa sẽ phát triển , niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một cộng đồng ấm êm có những mái nhà hạnh phúc tràn ngập tiếng cười trẻ thơ.
Đán Mẩy, hẹn ngày trở lại!