Khoa Khoa học Sự sống trong trái tim tôi!

17-10-2013 09:55 Xem: 2221 lần
Khoa Khoa học Sự sống trong trái tim tôi!_thumbnail

Năm nào cũng thế, cứ mỗi độ thu sang là lúc trong lòng bất kì một học sinh, sinh viên nào cũng cảm thấy rạo rực và háo hức đón chào một năm học mới. Mới ngày nào còn là sinh viên năm thứ nhất với vẻ ngây thơ và những bước chân thẹn thùng mà giờ đây tôi đã bước sang năm thứ tư ngành Công nghệ Sinh học của Khoa học Sự sống, trường Đại học Khoa học rồi. Lúc này đây, tôi thật sự cảm thấy thật may mắn khi được theo học một ngành học mà tôi mong ước và được có cơ hội viết ra những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của bản thân mình để chia sẻ với mọi người, đặc biệt những bạn sinh viên mới nhập trường. Ba năm học thật sự không phải là khoảng thời gian dài nhưng cũng đủ để tôi có những tình cảm, kỷ niệm không thể nào quên về mái trường, thầy cô, bạn bè thân thương nơi đây.

Tôi còn nhớ như in cái ngày nhập trường, khi thấy cơ sở vật chất của trường còn đang xây dựng chưa hoàn thiện, có chút gì đó thoáng buồn trong suy nghĩ của tôi thời bấy giờ. Phải chăng vì tôi sợ những gì hiện lên trước mắt tôi về mái trường khó có thể cho tôi cơ hội thực hiện những ước mơ của mình. Trước đó, hình dung trong tôi là một mái trường Đại học rất to và rộng, với những khu giảng đường nhiều tầng… như trong phim ảnh mà tôi từng xem. Tuy nhiên, với những gì mà tôi đã trải nghiệm qua 3 năm học, những kiến thức mà bản thân tôi được trang bị bởi mái trường và thầy cô yêu quý của mình, trực tiếp chứng kiến những bước đi và sự phát triển tiến bộ của nhà trường cho đến thời điểm hiện tại thì tôi thật sự thấy quyết định của mình là không hề sai chút nào cả. Nếu như đất nước cho tôi một làng quê để nhớ, cha mẹ cho tôi một hình hài để thương yêu, thì thầy cô, mái trường và bạn bè nơi đây chính là những người đã chắp cánh cho tôi để thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình. Tại mái trường đại học, kiến thức mà tôi được thầy cô truyền đạt không chỉ là những lý thuyết nữa, tôi được trang bị những kiến thức thực nghiệm rất hay, bổ ích và gắn liền với thực tế đời sống. Sau khi kết thúc kì học thứ 3, với điểm trung bình chung học tập đạt 2.85 nên tôi đã được xét làm đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là một hoạt động vô cùng có ý nghĩa, không chỉ trong học tập, nghiên cứu khoa học mà từ đó còn giúp tôi có những khám phá và trải nghiệm thực tế đầy thú vị mà tôi không thể nào quên được trong quãng đời sinh viên của mình. Mặc dù cơ sở vật chất, các thiết bị thí nghiệm còn đơn sơ và thiếu thốn, nhưng nhà trường và khoa luôn cố gắng tạo môi trường học tập và tiếp cận cao nhất với thực tế chuyên môn của ngành học. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, chúng tôi luôn nhận được sự hướng dẫn tận tình và sự quan tâm hết mực của các thầy cô trong khoa, cũng như các anh chị kĩ thuật viên phòng thí nghiệm giúp tôi có thể hoàn thành tốt được đề tài nghiên cứu khoa học của mình.

Sinh viên làm đề tài NCKH tại phòng thí nghiệm
Sinh viên làm đề tài NCKH tại phòng thí nghiệm

Khoảng thời gian được học tập, làm nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của khoa KHSS đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức thực nghiệm vô cùng bổ ích. Không những thế, những trải nghiệm cuộc sống và mối quan hệ thầy cô, bạn bè cũng phong phú và thân thiện hơn, biết hòa đồng, lắng nghe và chia sẻ với tất cả mọi người, tôi không còn rụt rè và xấu hổ nữa, sự trưởng thành của tôi có lẽ bắt đầu từ đó.

Sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm Sinh học
Sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm Sinh học

Trong quá trình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của khoa KHSS, có những thí nghiệm làm khó quá, nhóm làm đề tài của tôi phải góp chung sức cùng giúp đỡ nhau làm và chia nhau ra mỗi người một việc, cũng vì thế mà tình đoàn kết và gắn bó với nhau giữa chúng tôi ngày càng thân thiết và bền chặt. Có những hôm mưa bão hay những hôm thiết kế thí nghiệm phải làm qua trưa không về được, bữa cơm tại phòng thí nghiệm của chúng tôi thật giản dị mà vui biết mấy. Những chiếc bánh mì nguội mua vội ngoài cổng trường sao mà ngon thế, và cứ vậy, bánh mì sẻ đôi, ngụm nước cùng uống, bữa trưa của biết bao nhiêu tháng ngày cực nhọc cứ thế mà qua đi, tình cảm bạn bè chúng tôi lại thêm ngày càng trở nên gắn bó thân mật và hiểu nhau hơn. Đó không chỉ là những kỉ niệm của đời sinh viên mà còn là những kỉ niệm mà suốt đời mỗi người trong số chúng tôi đều không ai có thể quên được. Những khi thí nghiệm còn đang dang giở không may bị hỏng máy móc chưa khắc phục ngay được, để kịp tiến độ của đề tài, chúng tôi vẫn vui vẻ cùng nhau đạp những vòng xe mệt mỏi sang viện Khoa học sự sống để xin làm nhờ ở đó. Dù gian nan là thế, nhưng mỗi lần vất vả chúng tôi lại thu được những kết quả đáng khích lệ, sự gian nan kia bỗng bay mất tự khi nào chẳng ai nhớ nữa, thay vào đó là cả một niềm vui lớn mà chúng tôi không phải dễ dàng có được…Tôi còn nhớ, có lần chúng tôi mải mê làm thí nghiệm quá, giờ làm việc hết rồi mà cũng chẳng ai biết nữa ấy, bác Nậm – bác bảo vệ của trường đã đi kiểm tra và khóa cửa cầu thang từ lúc nào mà chẳng hề hay biết, hậu quả là cả nhóm bị bác mắng cho một trận. Nhưng chúng tôi biết bác thương và tạo điều kiện giúp chúng tôi lắm, vì bác luôn nhắc chúng tôi làm phải để ý giờ giấc nghỉ ngơi sớm để hôm sau còn làm tiếp…

Lòng đam mê khoa học và sự nhiệt huyết ấy đã khiến mỗi người trong số chúng tôi đều cảm thấy rằng, phòng thí nghiệm như một lớp học, một mái ấm thứ hai của chúng tôi vậy. Ngày cuối tuần cũng vì thế mà trở nên dài dằng dặc, sự mong đợi cho thời gian qua nhanh không chỉ vì để chúng tôi được bắt tay làm những thí nghiệm thú vị, để kiểm tra những con vi khuẩn xem chúng có phát triển tốt hay không…mà còn để chúng tôi được gặp nhau và tán gẫu những câu chuyện trên trời dưới đất, cùng chia nhau múi khế chua chấm đường mà khu vườn trước cửa phòng thí nghiệm lúc nào cũng sẵn, đứa nào cũng nheo mày chép miệng kêu chua nhưng mà hái bao nhiêu cũng hết sạch. Mỗi thế hệ sinh viên ra trường, mấy ai có thể quên được những kí ức đơn thuần mà đầy ý nghĩa như vậy chứ. Nỗi buồn và sự thương nhớ đến một giọng cười, một lời nói và cả những tiếng than vãn buồn chán, thậm chí là cả sự bực tức khi thí nghiệm bị thất bại của một anh chị đã ra trường cũng đủ để chúng tôi tán chuyện cả buổi.

Do đặc thù của ngành học (Công nghệ sinh học) nên hầu hết chúng tôi khi đã làm đề tài nghiên cứu khoa học ai cũng ít nhiều phải làm việc và tiếp xúc với những hóa chất, dung môi độc hại, những loại vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm và truyền nhiễm….Nhóm sinh viên chúng tôi luôn có ý thức nhắc nhở nhau bảo vệ sức khỏe, đeo bảo hộ đầy đủ khi làm thí nghiệm. Lời nhắc nhở chia sẻ của bác Nguyệt – bác lao công của trường nói với chúng tôi cũng như lời dặn của người cha, người mẹ với những đứa con của họ vậy: “Dù làm gì thì làm, nhưng các cháu cũng phải chú ý giữ sức khỏe cho nó tốt vào, nếu không làm cẩn thận thì đến lúc bị làm sao thì khổ lắm đấy các cháu ạ, lại vất vả cả bố mẹ ở nhà nữa đấy”. Lời nói ân cần đơn sơ mà chứa đầy tình cảm của bác thật sự đã làm vơi đi trong tôi nỗi buồn tủi khi nhớ về quê nhà. Các anh chị kĩ thuật viên làm việc tại phòng thí nghiệm nữa, cũng luôn giám sát và nhắc nhở, phân tích đúng sai cho chúng tôi mỗi khi chúng tôi làm việc sơ ý và không ngăn nắp…. Thật sự ở một nơi không ai quen biết, không một họ hàng thân thích như thế này mà có thể nhận được những thứ tình cảm chân thành và quý báu của thầy cô, các chú, các bác, các anh chị và bạn bè như vậy quả thực là một niềm vui, niềm hạnh phúc, và may mắn, làm vơi đi phần nào sự thiếu hụt tình cảm của người thân gia đình cũng như nỗi buồn khi phải xa nhà.


Sinh viên bảo vệ đề tài NCKH trước Hội đồng khoa học

Mặc dù còn thiếu thốn nhiều thứ, nhưng chính tại nơi đây, từ phòng thí nghiệm đơn sơ mà ấp đầy những hoài bão này đã khơi dậy nên bao nhiêu ước mơ và khát vọng, chúng tôi biết rằng mình có thể làm được những gì, biết định hướng cho tương lai của chính bản thân mình, giúp chúng tôi “thấm” hơn về những kiến thức mà thầy cô trang bị cho chúng tôi trong mỗi tiết học. Thay mặt các thế hệ học trò, chúng em gửi gắm những lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến nhà trường, các thầy cô, bạn bè…đã hết lòng trao cho chúng em những hành trang kiến thức vô giá, giúp chúng em thêm tự tin và có thể mỉm cười vững bước và vượt qua những khó khăn và thử thách sau này.

Nguyễn Thị Vân – Công nghệ Sinh K8