Hội thảo Quốc tế "Kinh tế, văn hóa - xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh Hội nhập ASEAN" thành công tốt đẹp.

21-05-2015 02:19 Xem: 1701 lần
Hội thảo Quốc tế "Kinh tế, văn hóa - xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh Hội nhập ASEAN" thành công tốt đẹp._thumbnail

Được sự cho phép của Bộ Giáo dục Philippines, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Hội thảo quốc tế “Kinh tế, Văn hóa – Xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập ASEAN” do Trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên và Đại học Kalinga Apayao (Philippines) đồng tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Đại học Thái Nguyên trong các ngày 14-15/5/2015. Hội thảo đã thu hút gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường đến tham dự ( trong đó gồm có đại biểu đến từ 06 trường đại học của Philippinnes và nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức giáo dục tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên…). Đây là một sự kiện khoa học quan trọng, là ngày hội của các nhà nghiên cứu, nơi hội tụ của tri thức và tình cảm nồng ấm đối với đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

PGS.TS Nông Quốc Chinh (HT trường ĐH Khoa học – ĐH Thái Nguyên đọc diễn văn khai mạc Hội thảo)

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội thảo

Hội thảo quốc tế “Kinh tế, Văn hóa – Xã hội các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập ASEAN” được tổ chức trong bối cảnh thế giới nói chung và các nước ASEAN đang có những biến chuyển lớn lao. Các nước ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đây là một trong ba trụ cột quan trọng của cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong “tầm nhìn ASEAN 2020”. Với các mục tiêu đó, việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội các dân tộc thiểu số luôn được coi là một trong những vấn đề chiến lược quan trọng hàng đầu. Vì vậy, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học có thể chia sẻ kết quả nghiên cứu, những phát kiến khoa học trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội các dân tộc thiểu số Việt Nam, Philippines và các nước khác thuộc Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á, từ đó thảo luận, đề xuất ý tưởng, đưa ra những kiến giải, những hướng đi, những giải pháp hữu hiệu giúp các nhà quản trị đất nước vận dụng vào việc quản lý, chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số của Việt Nam, Philipines, trong tiến trình hội nhập ASEAN và hội nhập với thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa hôm nay. Hy vọng diễn đàn khoa học này là bước khởi đầu quan trọng để các nhà khoa học từng bước tiến tới cùng nhau hợp tác, mở rộng việc nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề này.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 100 báo cáo khoa học được viết công phu, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng, các cơ quan quản lí, sở, ban, ngành của Việt Nam và Philippines. Các báo cáo chủ yếu tập trung vào 6 chủ đề của Hội thảo:

- Quản lý nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số;

- Vấn đề phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số;

- Giáo dục, văn hóa - xã hội của dân tộc thiểu số;

- Tình hình y tế của đồng bào dân tộc thiểu số;

- Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên;

- Ứng phó với biến đổi khí hậu của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đây cũng là những vấn đề mà thực tiễn phát triển kinh tế văn hóa – xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, Philippines và các nước thuộc Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á đang đặt ra trên bình diện lý luận và thực tiễn, cần sự luận giải của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Ban tổ chức rất vui mừng nhận được báo cáo khoa học của các tác giả đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đà Lạt, Huế, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, v.v. Nhiều tác giả Việt Nam đã có bề dày trong hoạt động nghiên cứu như PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, PGS.TS. Trần Trung, PGS.TS. Kiều Trung Sơn, GS.TS. Trần Trí Dõi, PGS.TS. Đoàn Văn Phúc, PGS.TS. Hồ Minh Lí, PGS.TS. Đào Xuân Vinh, PGS.TS Đàm Thị Uyên, PGS.TS. Trần Thị Việt Trung, TS. Trần Hoài Anh, TS. Phạm Viết Hồng, TS. Phạm Hồng Hải, TS. Phạm Thị Phương Thái, TS. Phạm Văn Lợi,v.v. Nhiều chuyên gia đầu ngành từ các trường đại học của Philippines như GS.TS. Rolando F. Hechanova (Sultan Kudarat State University), GS.TS. Mario A. Garcia, PGS.TS. Divina Balocnit, TS. Robert Rodolfo, PGS.TS. Jessie Grace. M. Sannadan và TS. Odette C. Pannogan (Kalinga - Apayao State College), GS.TS. Regucivilla A. Pobar (Bohol Island State University), TS. Manuel P. Malingan (Ifugao State University), GS. Elizabeth T. Carig và Marissa B. Hernando (Quirino State University), TS. Rexton F. Chakas (Mountain Province State Polytechnic College), TS. Serafin L. Ngohayon (Executive Director of the Cordillera Administrative Region Association of State Universities and Colleges in Philippine) đã tích cực gửi tham luận và trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo. Có nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số với những hiểu biết sâu sắc về chính dân tộc mình, tiêu biểu như PGS.TS. Đàm Thị Uyên, TS. Lương Thị Hạnh, TS. Triệu Thị Kiều Dung, ThS. Bàn Thị Quỳnh Giao… Có những nhà hoạt động văn hóa tên tuổi như nhà văn Y Phương, nhà văn – nhà văn hóa người Chăm Inrasara, v.v. cũng nhiệt tình tham gia báo cáo tại Hội thảo.

Các nhà khoa học đến từ đất nước Philippinnes

Các nhà khoa học Việt Nam.

Căn cứ vào các chủ đề Hội thảo, vào nội dung bài viết của các nhà khoa học và để thuận lợi cho việc thảo luận, chia sẻ thông tin giữa các nhà khoa học, Ban tổ chức Hội thảo chia các báo cáo khoa học theo hai nhóm vấn đề. Ngoài những tham luận trong phiên họp toàn thể, các báo cáo khác được trình bày song song trong hai tiểu ban:

* Tiểu Ban 1: Quản lí nhà nước, Văn hóa – Xã hội;

* Tiểu Ban 2: Kinh tế, Y tế, Giáo dục, Quản lí tài nguyên.

Ở nhóm vấn đề thứ nhất:  Quá trình hội nhập đã làm biến đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực của đời sống mà rõ nhất là lĩnh vực quản lí nhà nước và văn hóa – xã hội. Sự biến đổi này đang diễn ra ở nhiều cấp độ từ cá nhân, gia đình, cộng đồng, và trên  nhiều bình diện: nhận thức, tâm lý, phong tục, tập quán, các hệ giá trị làm nên bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Có lẽ vì thế, một số lượng lớn bài viết của các nhà khoa học gửi đến đã tập trung bàn bạc về các vấn đề trên. Đối với các học giả Việt Nam, quan tâm  đến vấn đề hội nhập quốc tế có bài viết của PGS.TS. Trần Trung “Vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác dân tộc”, bài viết của PGS.TS. Kiều Trung Sơn “Nghệ thuật biểu diễn của các dân tộc thiểu số Việt Nam và hội nhập ASEAN”, bài viết của nhà văn Inrasara “Dân tộc Chăm và cầu nối Việt Nam với Đông Nam Á hải đảo”, bài viết của PGS.TS. Đàm Thị Uyên “Bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người ở miền Tây Cao Bằng trong bối cảnh hội nhập ASEAN”, nhiều bài viết khác của TS. Phạm Viết Hồng, TS. Nguyễn Kiến Thọ, TS. Lê Thị Hiền, ThS. Đỗ Mạc Ngân Doanh, ThS. Hà Thị Mỹ Hạnh, ThS. Lê Thị Thỏa v.v. đề cập đến tiếp biến văn hóa, quyền, đặc điểm tính cách,… của người dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập ASEAN, v.v.  Quan tâm về văn hóa – xã hội của các dân tộc thiểu số có nhóm bài viết của TS. Phạm Thị Phương Thái “Bảo vệ rừng qua tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi phí Bắc Việt Nam”, bài viết của TS. Trần Hoài Anh “Đô thị hóa và sự biến đổi giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên”, các bài viết của TS. Nguyễn Thị Phương Lan, TS. Trần Thị Tuyết Mai về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, v.v. Đối với các học giả Philippines, đề cập đến vấn đề quản lí hành chính và mô hình bản địa có các bài viết của GS.TS. Regucivilla A. Pobar “Quản lý nhà nước, văn hoá và thực tiễn của người dân bản địa tại Bohol, trung tâm Philippines”, của TS. Manuel p. MalinganPhân tích hỗn tạp về quy trình hành chính của nghị viện Ifugao”, v.v. Quan tâm đến văn hóa, phong tục tập quán có các bài viết của GS. Elizabeth T. Carig “Tình yêu, Tán tỉnh và thực tiễn Cưới hỏi: Một sự thay đổi”, của PGS.TS. Divina BalocnitCác phương cách làm đẹp truyền thống của phụ nữ Kalinga”, v.v.

Ở nhóm vấn đề thứ hai: Các tham luận từ những nhà nghiên cứu cao niên đến các nhà nghiên cứu trẻ đều gặp nhau ở một điểm: trăn trở trước câu hỏi làm thế nào để nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, Philippines và các nước thuộc Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á. Nhiều học giả quan tâm đến vấn đề sinh kế và phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc thiểu số như TS. Phạm Văn Lợi “Tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh Sơn La: Sự giảm sút cấy trồng lúa nước, một số vấn đề đặt ra và giải pháp”, GS.TS. Ruby Hechanova “Hệ thống tri thức bản địa về sản xuất và quản lý của IPS được chọn tại khu vực XII”, TS. Robert Rodolfo “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới thực tiễn sản xuất café trong các khu vực được chọn tại tỉnh Kalinga, Philippines”, GS.TS. Mario A. Garcia “Luật của người Badong: ảnh hưởng tới sự duy trì hòa bình và trật tự tại Kaling”, và một số bài viết khác của TS. Nguyễn Thu Hồng, TS. Lương Thị Hạnh, ThS. Dương Văn Mạnh, ThS. Đỗ Xuân Đức, ThS. Lê Thị Thỏa cũng quan tâm về vấn đề này. Về chủ đề tài nguyên thiên nhiên có các bài viết của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh “Tri thức về sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên ở người Dao”, TS. Loinaz D. Dulawan “Hệ thống quản lý bền vững các tài nguyên dân tộc miền núi”, TS. Nguyễn Lanh “Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền núi”. Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe của các dân tộc thiểu số có các bài viết của GS.TS. Trần Trí Dõi “Vấn đề mù chữ và chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số: khảo sát trường hợp tỉnh Điện Biên”, TS. Phạm Hồng Hải “Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc: rào cản và giải pháp”, TS. Cao Thị Hồng, TS. Hoàng Lâm và phòng KH – CN&HTQT trường ĐH Khoa học Thái Nguyên “ Phát triển Anh ngữ cho các dân tộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc từ mô hình dạy – học tiếng Việt và văn hóa Việt kết hợp du lịch văn hóa cho sinh viên Quốc tế tại Đại học Thái Nguyên” và một số bài viết khác của TS. Triệu Thị Kiều Dung, TS. Mai Văn Tùng, ThS. Đoàn Thị Yến…

Kết thúc Hội thảo, các đơn vị: Đại học Thái Nguyên, Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên và 06 trường Đại học của Philippines đã thống nhất,  ký kết tuyên bố chung về việc hợp tác nghiên cứu phát triển kinh tế,  bảo vệ, giữ gìn văn hóa – xã hội vì sự  tiến bộ của các dân tộc thiểu số trong khu vực ASEAN…. Hy vọng, từ diễn đàn Hội thảo này, với tinh thần hợp tác cùng phát triển, các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp hữu hiệu, những khuyến nghị thiết thực, góp phần  đẩy mạnh sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa – xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số Philippines và Việt Nam nói riêng cũng như dân tộc thiểu số thuộc cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong bối cảnh hội nhập với các nước khu vực Đông Á và thế giới.

 

Lễ ký tuyên bố chung về việc hợp tác nghiên cứu phát triển kinh tế,  bảo vệ, giữ gìn văn hóa – xã hội vì sự  tiến bộ của các dân tộc thiểu số trong khu vực ASEAN

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm, lưu luyến chia tay và hẹn gặp lại.

Cao Hồng (Phòng KH-CN&HTQT - Trường ĐHKH)