Dự án "Chia sẻ kiến thức sử dụng than sinh học trong quản lý đất bền vững"

03-03-2017 01:22 Xem: 3092 lần
Dự án "Chia sẻ kiến thức sử dụng than sinh học trong quản lý đất bền vững"_thumbnail

Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 9 triệu ha diện tích canh tác, trong đó đất có thành phần kết cấu nhẹ, bao gồm Arenosols (đất cát) và Acrisols (đất xám), chiếm một phần đáng kể khoảng 5,3 triệu ha. Các loại đất này rất dễ bị suy thoái do việc canh tác không phù hợp, dẫn đến bị chua, giảm độ phì nhiêu của đất, giảm năng suất cây trồng.

Than sinh học (TSH) là loại than được sản xuất từ các nguồn sinh khối cây trồng hay rác thải hữu cơ thông qua quá trình nhiệt phân yếm khí mà cấu trúc tự nhiên của nó được duy trì và carbon vẫn còn trong than với hàm lượng cao. Than sinh học có thể tồn tại nhiều năm trong đất với cấu trúc tơi xốp, diện tích bề mặt lớn và độ hấp phụ các chất cao (Tryon 1948; Mbagwu and Piccolo 1997), nhờ đó cải tạo được đặc điểm vật lý của đất như tăng sức trữ ẩm (Piccolo et al. 1996), giữ dinh dưỡng (Lehmann et al. 2002), ngoài ra còn cải thiện độ chua đất (Mbagwu and Piccolo 1997), cung cấp chất dinh dưỡng dễ tiêu và tạo môi trường phát triển các tập đoàn sinh vật bộ rễ (Glaser et al. 2000), giúp tăng năng suất cây trồng, có tác động tích cực trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường từ các hoạt động nông nghiệp.

Hướng dẫn người dân canh tác lúa cải tiến

Với các lợi ích kể trên từ than sinh học, việc tiến hành các đề tài nghiên cứu, đánh giá mức độ hiệu quả trong sử dụng cũng như sản xuất than sinh học cũng như chia sẻ các kiến thức về than sinh học và tập huấn tổ chức sản xuất, ứng dụng than sinh học vào canh tác nông nghiệp là rất quan trọng.

Dự án “Chia sẻ kiến thức sử dụng than sinh học trong quản lý đất bền vững” được thực hiện từ tháng 6/ 2015 tới tháng 5/2018 tại xã Quảng Chu – Huyện Chợ Mới– Tỉnh Bắc Kạn. Chủ trì dự án là NCS Mai Thị Lan Anh - Phó Trưởng khoa Khoa học Môi trường và Trái đất, trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên. Mục tiêu của dự án là phát triển công nghệ than sinh học, khuyến khích công tác quản lý đất bền vững sử dụng các loại phân bón phức hợp than sinh học NPK giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các chất dinh dưỡng trong đất, nâng cao năng suất và cải thiện đời sống nông thôn.

Hướng dẫn người dân phân loại rác và  dử dụng  than sinh học ủ rác hữu cơ

Hường dẫn người dân địa phương sử dụng than sinh học ủ phân chuồng

 

Trên cơ sở đó, dự án đã tiến hành các hoạt động:

- Điều tra nông hộ: Tiến hành chọn và phỏng vấn 100 nông hộ trên toàn xã về tình hình sản xuất nông nghiệp, sử dụng phân bón, than sinh học tại địa phương.

-  Tập huấn kỹ thuật: Mở các đợt tập huấn về kỹ thuật cho các nông hộ, các thành phần nông hộ tham gia dự án. Các nội dung tập huấn bao gồm: Tập huấn sản xuất, sử dụng than sinh học, men vi sinh vào trong hoạt động canh tác nông nghiệp của gia đình. Giới thiệu các loại bếp cải tiến tạo than sinh học: DK-T5, DK-TR1 và DKDC3

-  Thí nghiệm đồng ruộng: Thí nghiệm đồng ruộng được thực hiện trên hai đối tượng cây trồng: Lúa và rau màu. Tổng diện tích khu vực tiến hành thí nghiệm vào khoảng 1000m2 bao gồm cả kênh nước, bờ, khu vực bảo vệ... Lượng phân bón NPK trung bình sử dụng cho khu vực thí nghiệm được tính toán dựa trên lượng phân bón mà nông dân sử dụng. Những thông tin này được thu thập từ điều tra cơ bản. Tỷ lệ sử dụng tối ưu của NPK sẽ được xác định đối với lúa và ngô dựa trên tham vấn với Viện Nghiên cứu Đất và Phân bón. Than sinh học được sử dụng trong các thí nghiệm sẽ được sản xuất từ rơm rạ hoặc thân cây ngô ở hai quy mô: lò nhỏ và di động (DK - TR1); và lò cố định (DK - CD3).

- Triển khai mô hình trình diễn có sự tham gia của nông dân: Chọn ra 20 hộ nông dân tiêu biểu để tham gia vào mô hình trình diễn với diện tích mỗi ô trình diễn là từ 360- 450m2.

Các hộ nông dân tham gia vào triển khai mô hình trình diễn sẽ được hưởng các quyền lợi như:

  • Được tài trợ toàn bộ phân bón cho khu vực tiến hành mô hình trình diễn;
  • Được hỗ trợ về kỹ thuật;
  • Được hỗ trợ năng suất. Khi năng suất của khu vực áp dụng kỹ thuật canh tác mới theo đề tài thấp hơn năng suất của chính khu vực đó trước đó thì nông hộ sẽ được hỗ trợ năng suất;
  • Được tập huấn miễn phí về sử dụng bếp than cải tiến, cách đốt than, ủ phân cách sử dụng men vi sinh…;
  • Cung cấp một số thiết bị đốt than sinh học;
  • Được hỗ trợ 01 mô hình lò đốt than cố định trên một thôn;

Dự án đã được triển khai đến năm thứ 3. Theo đánh giá sơ bộ, dự án đã đạt được những hiệu quả nhất định. Một số hộ dân xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã dần thay đổi phương thức sản xuất, sinh hoạt, ứng dụng những kinh nghiệm, kiến thức sử dụng than sinh học vào đời sống. Các hộ dân được chọn thí điểm cũng đã nhận thấy những lợi ích mà than sinh học đem lại trong canh tác nông nghiệp.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiến hành những hoạt động cuối cùng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền mở rộng quy mô áp dụng kỹ thuật mới - sử dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

Lớp học đầu bờ trong khuôn khổ dự án

Lò đốt than sinh học xây dựng cho người dân xã Quảng Chu

Sản xuất than sinh học bằng lò Kontiki

 

 

Nguyễn Thị Hồng Viên, Mai Thị Lan Anh -KHMT&TĐ