Seminar khoa học thường niên của Khoa Khoa học Sự sống

18-11-2014 07:43 Xem: 1210 lần
Seminar khoa học thường niên của Khoa Khoa học Sự sống_thumbnail

   Nằm trong kế hoạch hoạt động năm học 2014 – 2015, 8h00’, ngày 14/11/2014, tại phòng Hội thảo số 2 của Trường Đại học Khoa học, khoa Khoa học Sự sống đã tổ chức seminar khoa học thường niên do TS. Nguyễn Thị Hải Yến (Bộ môn Di truyền và Sinh học phân tử) và ThS. Trịnh Ngọc Hoàng (Bộ môn Vi sinh – Hóa sinh) trình bày. Đây là một hoạt động khoa học thường niên của Khoa nhằm tăng cường trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu trong các lĩnh vực, từ đó đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong toàn Khoa.

   Buổi seminar khoa học có sự tham gia của Ban chủ nhiệm Khoa cùng các thầy, cô trong Khoa quan tâm tới dự. Nội dung nghiên cứu khoa học trình bày tại buổi seminar đã được thầy, cô thảo luận sôi nổi, đưa ra các ý kiến nhằm hiểu rõ hơn về nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu. Nội dung báo cáo và thảo luận tại buổi seminar tập trung vào 2 chủ đề: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào vào nhân giống và thương mại lan rừng” do TS. Nguyễn Thị Hải Yến – Trưởng bộ môn Di truyền và Sinh học phân tử trình bày và “Nghiên cứu bước đầu về ứng dụng nấm Beauveria basiana và Metarhizium anisopliae để phòng trừ sâu hại ở Thái Nguyên” do ThS. Trịnh Ngọc Hoàng trình bày.

   Với tâm huyết của một người “chơi” lan lâu năm, TS. Nguyễn Thị Hải Yến  rất mong muốn có thể ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ tế vào vào việc nhân giống bảo tồn và thương mại nguồn lan rừng quý hiếm. Chủ đề này đã thu hút được sự quan tâm thảo luận đặc biệt sôi nổi của các cán bộ tham gia. Theo phát biểu của PGS.TS Nguyễn Vũ Thanh Thanh – Trưởng khoa Khoa học Sự sống, đây là một hướng nghiên cứu hay và có nhiều tiềm năng để phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, để phát triển thì còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực và nguồn kinh phí hạn hẹp của Khoa. Cũng tại buổi seminar, đồng chí cũng giao nhiệm vụ cho TS. Nguyễn Thị Hải Yến và nhóm nghiên cứu lập kế hoạch chi tiết, đồng thời đề xuất về việc sẽ báo cáo và kiến nghị lên Ban giám hiệu Nhà trường ủng hộ và tạo điều kiện tuyển thêm nhân lực và hỗ trợ về mặt kinh phí để có thể hiện thực hóa hướng nghiên cứu này và lâu dài hơn nữa là có thể chuyển giao công nghệ nhằm quảng bá thương hiệu cho Nhà trường.

   Với hướng ứng dụng nấm Beauveria basianaMetarhizium anisopliae để phòng trừ sâu hại ở Thái Nguyên, mặc dù việc sử dụng thiên địch là nấm trong phòng trừ sâu hại cây trồng không phải là một hướng đi mới, tuy nhiên để có những nghiên cứu cụ thể và bám sát với tình hình sâu hại cây trồng ở Thái Nguyên thì đây là một hướng nghiên cứu mang tính thực tế và có nhiều triển vọng. ThS. Trịnh Ngọc Hoàng cùng với nhóm tác giả đã có những công bố bước đầu về tình hình nấm gây bệnh trên sâu hại cây trồng và trên cơ sở đó phân lập và tuyển chọn những chủng nấm có hiệu quả diệt sâu cao nhằm định hướng sản xuất chế phẩm nấm diệt côn trùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

   Hai chủ đề được trình bày tại buổi seminar đều có hàm lượng khoa học cao và đã nhận được sự quan tâm và cổ vũ nhiệt tình của cán bộ trong khoa. Điều đó cho thấy một tiềm lực khoa học mạnh mẽ của khoa Khoa học Sự sống.

   Một số hình ảnh tại buổi seminar:

TS. Nguyễn Thị Hải Yến trình bày seminar

ThS. Trịnh Ngọc Hoàng  trình bày seminar

Các cán bộ, giảng viên Khoa Khoa học sự sống tham dự seminar

Khoa Khoa học Sự sống