- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Đất nước ta với bề dày bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những người con ưu tú của đất Việt anh hùng đã luôn một lòng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ bờ cõi, non sông đất nước. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là những bài ca bất tử về những người con ưu tú, bất khuất, kiên cường đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Truyền thống ngàn đời của dân tộc – đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” – “Ăn quả nhớ người trồng cây”… đã trở thành một trong những nội dung cơ bản trong kho tàng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Truyền thống đó đã hun đúc lên khí phách con người Việt Nam trọng đạo lý, luôn tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, khắc ghi những công lao to lớn của thế hệ cha anh đi trước. Đó là những anh hùng liệt sỹ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, bệnh binh đã không tiếc máu xương, sức người, sức của, đã chiến đấu cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, để đến ngày hôm nay, những thương binh “tàn nhưng không phế” vẫn là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận xây dựng quê hương đất nước.
Những người thương binh:
“…Một tay bỏ lại chiến trường
Mang về một chục vết thương trên người
Lính tăng thiếp giáp mười mươi
Một tay còn lại xanh tươi ruộng vườn
Lợn gà, ao cá, vườn ươm
Nhãn lồng chĩu quả, lúa nương đầy bồ
Anh là bộ đội cụ Hồ
Gia tài chỉ một ba lô thiếu… thừa”…
Năm nay chương trình tình nguyện Hè của Đoàn trường Đại học Khoa học đã về với bà con xã Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn từ ngày 22 tháng 7 đến ngày 28 tháng 7 năm 2017. Để đến với quê hương Na Rì chúng tôi đã qua Phủ Thông, Đèo Giàng, Đèo Khau Pi. Đèo Giàng, Đèo Khau Pi uốn lượn ngoằn ngoèo, xe chao như đưa võng làm ai cũng nôn nao, nhưng mọi vất vả đường đi khó khăn lạ lẫm, rừng núi âm u xa xăm ấy dần nhường chỗ cho lòng háo hức mong chờ nhanh được đến với bà con nhân dân Na Rì. Chiều hôm ấy với ánh nắng dưới thung lũng Bản Giang từng đàn trâu đang gặm cỏ, từng tiếng mõ lốc cốc vang lên, những làn khói bay lên càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng Việt Bắc, đâu đó xa xa là hình ảnh những ngôi nhà sàn – một khung cảnh thật bình dị nhưng đầy thơ mộng. Đến với nơi đây, đoàn chúng tôi đã giúp đỡ bà con nhân dân làm được một số việc như dải sỏi, vét mương, xây lò đốt rác, cho các em sinh hoạt Hè…Bên cạnh đó, nhân dịp kỉ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), đoàn chúng tôi đã có những chuyến thăm hỏi động viên những gia đình chính sách, những người có công với đất nước, với cách mạng, đã tổ chức được nhiều hoạt động giúp đỡ các gia đình chính sách ở địa phương.
Sáng ngày 26/7/2017, chúng tôi đại diện các đoàn viên đoàn tình nguyện (gồm các thầy: Thái Sơn, Trung Kiên, bạn Thảo khoa Luật) đã đến thăm gia đình nhà ông Sằn – chiến sỹ thuộc đơn vị C10, K6, E2, F324 thuộc Quân khu Trị Thiên tại cao điểm 367 Quảng Trị. Bước vào căn nhà đơn sơ, giản dị của gia đình ông, điều đập vào mắt chúng tôi nhìn thấy và chú ý ngay là những “khẩu hiệu” được dán lên trên những khung gỗ như: “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” hay “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và nhiều bức hình kỷ niệm về những ngày ông tham gia chiến trường cứu nước... Chỉ qua những khẩu hiệu này đã nói lên tình yêu đất nước, những phẩm chất trung kiên của những người lính, những chiến sỹ bộ đội cụ Hồ. Dù chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại vẫn còn đó. Gia đình ông Sằn cũng nằm trong số những gia đình chịu những đau thương do chiến tranh để lại, bản thân ông Sằn bị mù một mắt, còn con trai của ông bị nhiễm chất độc màu da cam.
Cả đoàn chúng tôi ai cũng nao nao xúc động. Chúng tôi được lắng nghe nhiều chia sẻ của bác Sằn về những chiến công, về những mất mát đến tột cùng của bác khi chứng kiến những người đồng đội của mình từng người ra đi mà không thể làm gì níu giữ. Điều mà các bác, các anh còn níu lại là những bức hình, những khẩu hiệu ái quốc – là những minh chứng cho tình đồng đội, đồng chí, cho lòng yêu nước của mình. Bồi hồi xúc động, tôi đã thầm hứa với chính mình phải sống và phấn đấu sao cho xứng với những công lao trời biển, với những mất mát mà các chú, các anh đã cống hiến bằng cả xương, máu của mình để đổi lại hòa bình ngày hôm nay của thế hệ chúng tôi.
Hôm nay, ngày 27/7/2017, đoàn chúng tôi đã vinh dự được gặp mặt các chú, các anh, là những người có công với cách mạng hoặc những thân nhân của các gia đình chính sách trên địa bàn xã Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn trong buổi Tọa đàm nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7. 60 anh hùng, liệt sỹ, những người có công với cách mạng ở địa phương đã được vinh danh nhưng vẫn còn đó nhiều anh hùng, thương bệnh binh, những thân nhân những người có công với cách mạng vẫn vì một số lý do nào đó về thủ tục, hồ sơ mà chưa được công nhận. Được lắng nghe những chia sẻ của lãnh đạo địa phương, chúng tôi hiểu rằng Đảng và Nhà nước ta đã và đang cố gắng hết sức để công nhận và ghi danh, đền đáp công ơn những người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Chúng tôi tin tưởng rằng, cùng với nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta và chính quyền địa phương, cùng với quá trình xã hội hóa, kêu gọi những những nguồn lực khác nhau, và với sự nỗ lực của chính bản thân các chú, các anh thương bệnh binh, thân nhân những gia đình chính sách, cuộc sống của những người có công với cách mạng sẽ ngày một cải thiện, đảm bảo hơn.
Chiến tranh đã qua đi trên toàn đất nước Việt Nam ai cũng biết nhưng những nỗi đau, mất mát, những hậu quả của chiến tranh để lại thì không phải ai cũng nhìn thấy, cũng cảm nhận được. Nhìn lại và hiểu đúng những năm tháng oanh liệt đó sẽ trờ thành sức mạnh để thế hệ trẻ tương lai tiếp tục phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, xứng đáng với những xương máu mà cha anh ta đã đổ xuống vì nền hòa bình hôm nay. Qua bút ký này chúng em muốn gửi một thông điệp của tuổi trẻ Trường Đại học Khoa học rằng: chúng em và “Lịch sử không bao giờ quên những người có công với đất nước”.
Ngọc Linh – Trần Huệ