- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học 2009 – 2010 khối các trường ĐH-CĐ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận và đánh giá, sản phẩm ra trường của giáo dục học đại học chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Đội ngũ cử nhân, kỹ sư yếu cả về kỹ năng thực hành nghề, giao tiếp và ngoại ngữ. Nhiều sinh viên mới ra trường lúng túng khi tác nghiệp. Các kiến thức chuyên ngành trang bị ở đại học trở thành mớ lý thuyết hàn lâm, kinh viện. Xuất phát từ thực trạng ấy, một vấn đề cấp thiết và lâu dài đặt ra đối với giáo dục đại học Việt Nam là cần phải nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là đào tạo đúng ngành, đủ người mà sinh viên khi tốt nghiệp phải đáp ứng được mong đợi của nhà tuyển dụng. Muốn giải quyết bài toán này, giáo dục đại học cần chú trọng hơn nữa sợi dây liên hệ nối liền lý thuyết và thực tiễn, đảm bảo cho người học có được nền tảng kiến thức nhất định trên cơ sở đối thoại và thích nghi. Như vậy có nghĩa: giảng đường không còn là không gian duy nhất của sinh viên đại học.
Kết quả tuyển sinh tại trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên trong những năm gần đây cho thấy số thí sinh đăng ký và trúng tuyển khối ngành xã hội tăng vượt so với khối ngành tự nhiên. Trong khi đó, ở bức tranh tuyển sinh chung trong cả nước, tuyển sinh khối A, B lại thuận lợi và có phần dễ dàng hơn khối C, D. Hiện thực có vẻ như trái ngược đó chứng tỏ nhu cầu về nguồn nhân lực ngành xã hội, đặc biệt ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc là rất lớn.
Tuy nhiên, nếu chỉ chú ý đến vấn đề số lượng thì mới giải được 1/2 bài toán về đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Điều quan trọng hơn là đào tạo như thế nào để sinh viên sau khi tốt nghiệp thích ứng tốt với môi trường làm việc, có kỹ năng tác nghiệp tương đối thuần thục, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hài lòng các nhà tuyển dụng. Trong những năm qua, bước đầu Khoa Văn - Xã hội đã ra tìm lời giải. Giữa muôn nẻo đường, Khoa Văn – Xã hội đã lựa chọn hướng đi: chú trọng tính thực tiễn, tăng thời lượng và cơ hội để sinh viên được tiếp xúc với nhiều môi trường tác nghiệp, rèn luyện kỹ năng nghề. Những phác họa chia sẻ trong bài viết này chỉ là dẫn chứng cụ thể cho tính hiệu quả và sự cần thiết về một hướng đào tạo, nhìn từ thực tế Khoa Văn – Xã hội, trường Đại học Khoa học – ĐH Thái Nguyên.
Học tập tại không gian thực tế - cách thức tổ chức lớp học hấp dẫn, sinh động
Đối với sinh viên, giảng đường không phải là không gian học tập duy nhất, giáo trình, tài liệu, sách vở cũng không phải là nguồn kiến thức duy nhất. Ngoài những giờ học trên lớp, các sinh viên, ngay từ năm thứ nhất đã có nhiều cơ hội để tiếp cận với môi trường thực tế. Khoa thường xuyên duy trì các buổi học tại cơ sở có liên quan đến nội dung kiến thức học phần. Chẳng hạn, môn Tôn giáo học đại cương, sinh viên có những giờ nghe giảng sư thuyết pháp tại Chùa Phủ Liễn – Trung tâm Phật giáo tỉnh Thái Nguyên. Sinh viên ngành Du lịch sẽ được trực tiếp học tập tại tuyến điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trong tỉnh. Đối với một số môn thuộc ngành Báo chí, sinh viên được quan sát và học tập tại các cơ quan truyền thông như Đài phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên… Đây là những giờ học đầy lý thú, ấn tượng và hiệu quả. Ở đó các em được bổ sung kiến thức thực tế và thử thách bởi nhiều tình huống cụ thể. Sau những giờ học như vậy, sinh viên sẽ thể hiện điều đã quan sát, tri nhận bằng những bài viết thu hoạch, tiểu luận hoặc thảo luận.
Thảo luận – một hình thức học tập hiệu quả, phát huy tư duy khoa học độc lập, sáng tạo
Ở khoa Văn – Xã hội, phần lớn học phần chuyên ngành đều tiến hành thảo luận. Vấn đề thảo luận được định hướng ngay từ buổi học đầu tiên. Ngoài những tiết seminar trong khuôn khổ nội dung lý thuyết, sinh viên còn thực hiện thảo luận sau khi đi điền dã, thực địa, thị phạm tại các cơ sở thực tế. Các em sẽ đưa ra những phát hiện về tình huống, vấn đề và luận giải dưới ánh sáng lý thuyết. Sinh viên khoa Văn – Xã hội thực sự hào hứng với cách học này. Các em được thể hiện chủ kiến khoa học, khả năng tư duy độc lập, hoạt động nhóm và thuyết trình, cho dù để tổ chức thảo luận, thầy và trò phải đầu tư nhiều thời gian, công sức.
Thực tế, thực tập chuyên môn – Những nẻo đường tri nhận kiến thức thực tế
Trong chương trình đào tạo cử nhân các ngành Khoa học xã hội, thời gian thực tập, thực tế có thời lượng 8 tín chỉ và chia thành 3 đợt. Yêu cầu mỗi đợi lại khác nhau.
Thực tế chuyên môn 1 thực hiện sau khi sinh viên đã học xong các môn đại cương và cơ sở ngành. Chuyến thực tế đầu tiên được tổ chức theo đoàn, nhóm dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên, từ khâu định hướng đề tài nghiên cứu đến thu thập, xử lý thông tin, mục đích là để sinh viên nhận diện được ngành học, vận dụng những kiến thức lý thuyết trong bước đầu tác nghiệp.
Thực tế chuyên môn 2, sinh viên sẽ tự liên hệ địa điểm và lựa chọn vấn đề chuyên môn dựa trên năng lực bản thân và điều kiện, yêu cầu của cơ quan thực tế. Thầy cô đóng vai trò cố vấn chuyên môn, kiểm tra, nắm bắt tiến độ, ý thức của sinh viên đồng thời ghi nhận ý kiến phản hồi của các cơ quan thực tế để kịp thời có điều chỉnh hợp lý.
Trong khi đó, thực tập chuyên môn là bước cuối hoàn tất quá trình tiếp xúc, thực hành thao tác và kỹ năng nghề tại cơ sở thực tế. Nếu thực tế chuyên môn 1 mới chỉ yêu cầu sinh viên quan sát, nhận diện, bước đầu áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, thực tế lần 2 là lựa chọn và xác định vấn đề chuyên môn, thì đợt thực tập yêu cầu nâng cao, dựa trên kết quả thực tế lần 2. Thường thì, sinh viên sẽ theo đuổi đề tài, vấn đề đã lựa chọn trong đợt thực tế 2. Như vậy, các em sẽ có cơ hội đào sâu vấn đề nghiên cứu, đồng thời, rút ngắn thời gian làm quen với cơ sở thực tế.
Sinh viên khoa Văn – Xã hội đã từng đặt chân đến nhiều vùng đất từ Na Hang, Trung Sơn – Tuyên Quang, Quang Bình – Hà Giang đến Bộc Bố - Bắc Kạn; Quảng Uyên – Cao Bằng, Đồng Văn – Hà Giang... Các đề tài nghiên cứu đều có giá trị khoa học và thực tiễn. Trong những chuyến tác nghiệp ấy, sinh viên không những được tập làm nhà nghiên cứu, thu nhận kiến thức thực tế, bước đầu hình thành ý niệm về nghề nghiệp, mà điều đáng quý ngoài sự mong đợi, là mỗi sinh viên đều nhận chân được giá trị cuộc sống từ những ngày “3 cùng” với đồng bào.
Sau mỗi đợt thực tập, thực tế, sinh viên trả bài dưới hình thức viết thu hoạch, tiểu luận, báo cáo cá nhân và báo cáo nhóm. Ngoài việc tổ chức Hội đồng chấm báo cáo lấy điểm chính khóa, những công trình tiêu biểu còn được lựa chọn để báo cáo trước toàn Khoa và đề cử tham gia giải thưởng NCKH của sinh viên các cấp. Thông qua hoạt động thực tế, mức độ tiến bộ về khả năng tư duy, phát hiện vấn đề, xử lý tình huống và kỹ năng nghề của sinh viên từng bước nâng lên. Đồng thời, kết quả của những chuyến đi đó trở thành những tư liệu quý giá trong hành trang tri thức khoa học của các em và sớm được chuyển hóa thành những thành công đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Văn – Xã hội. Từ năm 2010 đến 2014, liên tục 01 giải Nhất, 03 giải Nhì, 01 giải Khuyến khích cuộc thi “Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ Việt Nam” đã về với Khoa Văn – Xã hội. Với thành công bước đầu đó, Khoa Văn – Xã hội đã góp phần tạo nên thành tích nghiên cứu khoa học của trường Đại học Khoa học với tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ G&ĐT trao tặng.
4. Ngoại khóa chuyên môn - Hoạt động hữu hiệu trong việc thể hiện và phát huy trí tuệ, kỹ năng của sinh viên
Với phương châm, hoạt động ngoại khóa chuyên môn phải thực sự là sân chơi bổ ích lý thú, gắn với đặc trưng ngành đào tạo, là cơ hội để sinh viên rèn luyện trí lực, kỹ năng mềm và thể hiện sức sáng tạo, trong những năm qua, Khoa Văn – Xã hội đã tổ chức thành công nhiều cuộc ngoại khóa chuyên môn như: Dịu dàng sắc thu, Nhà Quản lý tương lai, Trịnh Công Sơn – Một tấm lòng, Tín ngưỡng thờ Mẫu qua nghi lễ Hầu đồng, Tết Việt, Chợ quê, Mang đến cho em niềm vui trọn vẹn, Niềm vui Trăng Rằm, Mùa Vu Lan báo hiếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim Việt Bắc, Ngày hội sách, Báo chí đương đại với đời sống xã hội, Khúc vui xin lại so dây cùng Người… Loạt chương trình này chẳng những đem đến hiệu quả cao trong công tác đào tạo, thực hành nghề mà còn tạo ra hiệu ứng tốt đối với xã hội.
Chẳng hạn, với chương trình Tín ngưỡng thờ Mẫu qua nghi lễ Hầu đồng, sinh viên được thị phạm “canh đàn khóa lễ” với nghi thức căn bản của hầu đồng, dưới hình thức bán sân khấu. Chương trình giúp sinh viên được cụ thể hóa những lý thuyết khá trừu tượng, có thêm cơ sở khoa học để đánh giá khách quan, chính xác về giá trị của một loại hình nghệ thuật truyền thống tổng hợp. Trong chương trình truyền hình trực tiếp phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình Thái Nguyên sản xuất mang tên “Báo chí đương đại với đời sống xã hội”, sinh viên ngành Báo chí đã được tham gia tác nghiệp theo quy trình từ lên ý tưởng, lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, thực hiện ghi hình, xử lý hậu kỳ… Từ năm học 2007- 2008 đến nay, Khoa Văn – Xã hội đã tổ chức tổng cộng gần 30 chương trình ngoại khóa với quy mô lớn nhỏ, đặc biệt mỗi ngành đào tạo đều có “sân chơi” mang tính đặc thù ngành, được tổ chức thường niên.
Chưa dừng lại ở đó, Khoa còn tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề, tọa đàm với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà báo... Tại những cuộc gặp gỡ này, các bạn trẻ được bổ sung và cập nhật kiến thức chuyên ngành, đồng thời tăng thêm nhiệt huyết từ sự chia sẻ trải nghiệm, lòng say mê và bước đường dẫn đến thành công của các nhà khoa học. Đặc biệt, các em tham gia câu lạc bộ, hoạt động nghề như Bạn yêu truyền hình, Bút trẻ Khoa học… Đó là những “xưởng trường”, là cơ hội để các em thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.
Những thành công bước đầu
Từ những bước đi chập chững, đến nay Khoa Văn – Xã hội bước đầu đã khẳng định tính hợp lý và đúng đắn trong cách thức đào tạo. Tuy mới có 04 khóa sinh viên tốt nghiệp nhưng theo thống kê ban đầu, gần 80 % sinh viên ra trường có việc làm, trong số đó khoảng 50% làm đúng nghề và được các nhà tuyển dụng đánh giá tốt. Nhiều sinh viên đã thuyết phục các nhà quản lý bằng thành tích “đáng nể” và được mời làm việc ngay khi kết thúc thực tập. Trong thời gian thực tập, sinh viên Nguyễn Thị Nguyệt (Văn K5) có 15 bài và tin đăng trên Báo Hải Dương, Lê Thị Ngọc Diệp (Văn K5) có 18 tin, bài đăng Báo Bắc Ninh, Bùi Thị Ngọc Anh (Văn K6) có 19 tin, bài ở Đài Truyền thanh huyện Đông Triều – Quảng Ninh…
Sinh viên Khoa Văn – Xã hội sau khi ra trường đã tham gia vào nhiều vị trí công tác. Dù ở lĩnh vực nào, thuộc cơ quan nhà nước hay tư nhân, các em đều đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, nhanh chóng thích nghi với công việc, khá mạnh bạo, tự tin trong giao tiếp, chủ động, sáng tạo trong công việc. Tiêu biểu như sinh viên Trần Thanh Sơn đã khởi nghiệp thành công sau một năm ra trường và hiện đang là chủ trang trại nuôi chim bồ câu trị giá hàng tỉ đồng (từ số vốn ban đầu gần 30 triệu), em Triệu Thị Múi, Ngọc Tiến Lực (Khoa học quản lý K5) và Bùi Thị Chung (Văn K5) chững chạc và năng động với cương vị phó chủ tịch xã vùng cao theo đề án 62 của Trung ương Đoàn Thanh niên, các em Vương Ngọc Hà (Văn K5), Bùi Ngọc Anh (Văn K6), Ngô Thị Hương Liên (Văn K6), Lê Thị Thùy Chinh (Văn k9)… là những cô giáo có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, lòng yêu nghề và có trách nhiệm, lòng tự trọng nghề cao, cựu sinh viên Nguyễn Thị Hường (Văn K5), Nguyễn Thị Nguyệt (Văn K5), Tạ Hồng Oanh (Văn k7), Nguyễn Thị Huyên (Báo chí K9), Thùy Linh (Báo chí K9)… được đánh giá là những nhà báo có nhiều triển vọng, Nguyễn Văn Sinh, Trần Quang Mạnh, Tạ Thị Oanh, Phạm Nguyên… đều là những hướng dẫn viên du lịch sớm khẳng định thành công trong lĩnh vực đã được đào tạo tại Khoa Văn – Xã hội.
Những thành công bước đầu của sinh viên được bắt nguồn từ việc tích lũy tri thức trong sách vở, giáo trình nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của hướng đào tạo gắn với thực tế mà thầy – trò Khoa Văn – Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Hướng đi ấy thêm một lần nữa minh định tính chính xác quan điểm giáo dục của nhà sư phạm nổi tiếng của nước Nga đầu thế kỷ XX -Antol Makarenco: “Tôi kiên trì nói rằng các vấn đề giáo dục, phương pháp giáo dục không thể hạn chế trong các vấn đề giảng dạy, lại càng không thể để cho quá trình giáo dục chỉ thực hiện trên lớp học mà đáng ra phải là trên mỗi mét vuông của đất nước ta… Nghĩa là trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không được quan niệm rằng công tác giáo dục chỉ được tiến hành trong lớp”.
Chương trình Dịu dàng sắc thu, năm 2009
Chương trình Tết Việt, năm 2010
Chương trình Trịnh Công Sơn - Một tấm lòng, 2011
Ngoại khóa Tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi thức Hầu đồng, năm 2011
Sinh viên K8 nghe thuyết pháp tại chùa Phủ Liễn - Thái Nguyên
Nghiệm thu Đề tài NCKH năm 2012 - 2013
Chương trình Ngày hội sách, năm 2014
Thầy trò Khoa Văn - Xã hội trong buổi báo cáo kết quả thực tế
Thực tế nghiên cứu về lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn
Thực tế Nghiên cứu về Văn hóa tâm linh Sán Chỉ - Văn K7 tại Pắc Nặm Bắc Kạn
Thực tế tai Khuổi Bẻ - Bắc Kạn
Thực tế thôn My Bắc - Quang Bình - Hà Giang - Nghiên cứu về dân tộc Pà Thẻn