- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Trường hè khoa học lần thứ ba dành cho các bạn trẻ yêu thích và muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học diễn ra trong ba ngày 24 - 26/8/2015 tại SmartSkill, Hà Nội.
Đây là hoạt động thường niên do ba Tiến sĩ: Giáp Văn Dương (Tiến sĩ Vật lý) - người sáng lập trường dạy trực tuyến mở Giapschool, Ngô Đức Thế (Tiến sĩ Vật lý, Đại học Kỹ thuật Đan Mạch) và Lưu Quang Hưng (Tiến sĩ Khoa học Trái đất, Singapore) khởi xướng từ năm 2013, giúp các bạn trẻ có ý định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học “quả quyết, tự tin rằng mình sẽ làm gì trong tương lai”. 200 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và giảng viên trẻ và học sinh Trường Chuyên ở cả nước được lựa chọn tham dự chương trình thuần túy học thuật và phi lợi nhuận này từ gần 500 hồ sơ gửi về.
Với mục đích giúp cho các bạn học viên tìm được con đường đi đúng đắn và hiểu được muốn trở thành nhà khoa học thì cần phải chuẩn bị và làm những gì. Trường hè càng ngày càng mở rộng và phát triển, năm nay trường hè rất hoan nghênh khi có các bạn trong Sài Gòn, Cần Thơ tham dự với tinh thần rất sôi nổi.
Ba thầy trò Khoa Vật lý & Công nghệ cùng tham gia Trường hè khoa học “Khoa học trong một hạt dẻ” năm 2015 tại Hà Nội từ ngày 24-26/8/2015.
Nhận được thư mời tham dự Trường hè của Ban tổ chức và Quyết định cử cán bộ đi tham dự Hội nghị - Hội thảo số 617/QĐ-ĐHKH ngày 21/8/2015 của Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học, 3 thành viên của Khoa Vật lý & Công nghệ, Trường Đại học Khoa học bao gồm TS. Nguyễn Văn Hảo và hai em sinh viên tích cực đến từ Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu khoa học là Nguyễn Trường Sơn (Lớp Cử nhân Vật lý K10) và Nguyễn Thị Hải (Lớp Cử nhân Vật lý K11) đã xuống Hà Nội để tham dự hoạt động thú vị này.
Trường hè Khoa học được mở ra lần đầu vào năm 2013. “Summer School” vốn là hình thức lớp học diễn ra vào kì nghỉ hè ở Mỹ và các nước châu Âu dành cho những nhà khoa học muốn trao đổi, trình bày kết quả nghiên cứu mới của mình. Với mong muốn hướng đến các nhà khoa học tương lai, những người sáng lập gọi chương trình của mình là Trường hè thay vì Trại hè. Trọng tâm của chương trình là “Nền tảng khoa học”, bao gồm các bài giảng về khái niệm “tự do học thuật” và phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt nhấn mạnh vào tư duy phản biện (critical thinking). “Đó là những kiến thức mà sinh viên nghiên cứu khoa học cần phải hiểu và nắm bắt được. Nếu không biết thế nào là tự do học thuật thì chúng ta không thể có những nhà khoa học giỏi,” TS Ngô Đức Thế nói.
So với các năm 2013 và 2014, Trường hè Khoa học 2015 có bốn nội dung, bên cạnh nội dung “Hành trang khoa học” tương tự năm trước (các bài giảng cơ sở như khoa học là gì, giáo dục đại học, tự do học thuật, nghiên cứu khoa học ở đại học, kinh nghiệm viết bài báo khoa…), còn có ba nội dung mới: Nghiên cứu khoa học (các bài giảng về nghiên cứu chuyên sâu của giảng viên nhưng được trình bày dễ hiểu với đại chúng, giúp học viên có một cái nhìn cụ thể của cách thức và sản phẩm nghiên cứu khoa học), Khoa học và Cuộc sống (các bài giảng về ứng dụng của khoa học trong cuộc sống, quan hệ giữa khoa học và nghệ thuật, lịch sử, văn hóa…); Trải nghiệm và Tương tác (các phương pháp phân tích số liệu trong khoa học; giả lập phỏng vấn học bổng; nộp hồ sơ tuyển vị trí khoa học; nộp hồ sơ đề tài...). Điều thú vị là dù đề cập những kiến thức khoa học chuyên sâu nhưng không khí của hội trường luôn sôi nổi. Các buổi học thường xuyên kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến vì những cuộc trao đổi liên tiếp giữa học viên và giảng viên.
TS. Ngô Đức Thế trao đổi với các học viên của Trường hè khoa học
Trong số những người tham gia giảng dạy có Nguyễn Ngọc Anh (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR), TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm), TS Đinh Hồng Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội), TS Phạm Sỹ Thành (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – ĐH Quốc gia Hà Nội), TS Đặng Văn Sơn (Trường ĐH Ruhr Bochum, Đức), TS. Trần Hải Đức (Khoa Vật lý, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Nguyễn Đức Dũng (Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ AIST, Đại học Bách Khoa Hà Nội) và đặc biệt có nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh (Học viện âm nhạc Hoàng Gia Anh)…, phần lớn các giảng viên đều dưới 40 tuổi. “Chúng tôi hướng tới sự trẻ trung, gợi mở,” TS Ngô Đức Thế cho biết. Tất cả đều tình nguyện tham gia và không nhận thù lao.
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh
Xen kẽ với các bài giảng khác, còn có sự hiện diện và tham gia giảng dạy của nghệ sĩ Piano nổi tiếng Trang Trịnh: “How listening to music might make you a better scientist”. “Trang Trịnh được đánh giá là một trong những nghệ sỹ piano trẻ tài năng nhất hiện nay với một bản thành tích đáng nể mà cô làm được tại nước ngoài”. Bài giảng của Trang Trịnh đã mang tới một bầu không khí rất khác: khi thì trầm lắng, lúc lại sôi nổi và rất hấp dẫn người nghe.
Âm nhạc là một trong những nguồn giải trí được coi là phổ biến nhất và là môt bộ phận không thể thiếu của con người hiện nay. Đặc biệt hơn, âm nhạc có tác động rất lớn đến quá trình hình thành cũng như phát triển của con người. Bên cạnh đó, âm nhạc còn làm cho con người ta vơi đi nỗi buồn, giải tỏa muộn phiền và còn mang lại niềm vui cho con người. Âm nhạc mang đến cho con người những cảm xúc rất đặc biệt và nó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà khoa học sáng tạo và thật sự thì giữa âm nhạc và khoa học nó có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Xin mời các bạn xem sự kết hợp kỳ diệu giữa âm nhạc và khoa học do nhạc sĩ người New Zealand, Nigel Stanford đã thử nghiệm vô cùng ấn tượng trong video ca nhạc mới của anh có tên là “Cymatics - Khi khoa học sánh đôi cùng âm nhạc”. Trong đoạn video, chúng ta có thể thấy rõ các sóng âm thanh hiện ra như thế nào và thay đổi ứng với mỗi tần số khác nhau.
http://clip.vn/watch/Su-ket-hop-ao-dieu-cua-am-nhac-va-khoa-hoc-se-khien-ban-phai-choang-ngop,R3Vp/
SV. Nguyễn Trường Sơn (áo vàng) trong giờ ăn trưa và họp nhóm cùng đội của Trường hè khoa học
“Ba ngày là không đủ để các giảng viên truyền đạt hết kiến thức cho các bạn học viên nhưng ba ngày ấy là cả một hành trang mà có lẽ ở giảng đường đại học chúng ta không được học. Một thành viên mà có lẽ ở một môi trường không được quá nhiều ưu ái và cơ hội như các bạn khác nhưng trường hè đã mang đến cho tôi những điều mà có lẽ rằng trên giảng đường đại học không bao giờ có. Sau 3 ngày ngắn ngủi bản thân tôi và các bạn có lẽ đã hiểu ra được những điều mà có lẽ nếu không tham dự khóa học này sẽ không bao giờ nghĩ đến. Tôi đã có động lực hơn đã tự tin hơn và có những suy nghĩ rộng hơn và khái quát hơn về mọi việc mình làm. Khóa học đã cho tôi những kiến thức rất cần thiết để tôi tiến bước trên con đường khoa học phía trước. Nếu năm sau Trường hè còn tổ chức, tôi mong Ban tổ chức sẽ mang Trường hè khoa học thú vị này lên Trường Đại học Khoa học để tổ chức, vì ngôi trường tôi đang học cũng đang đào tạo rất nhiều nhà khoa học tương lai ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội, những sinh viên như chúng tôi rất cần có những người đi trước và trải nghiệm để chỉ đường dẫn lối vào con đường khoa học” - Nguyễn Trường Sơn, CN Vật lý K10, nói.