- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Vào hồi 14h ngày 09/09/2015 tại Phòng 201 giảng đường 3B, trường Đại học Khoa học, Khoa Vật lý & Công nghệ đã tổ chức thành công Seminar chuyên đề cho cán bộ và sinh viên trong Khoa. Đến dự buổi Seminar khoa học có TS. Nguyễn Văn Đăng – Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa cùng đông đảo các Thày cô giáo và các em sinh viên K10 và K11 của Khoa Vật lý & Công nghệ. Đây cũng là hoạt động khoa học thường xuyên của cán bộ giảng viên và sinh viên của Khoa nhằm mục đích trao đổi học thuật, chuyên môn cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trong nghiên cứu chuyên sâu đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học.
Tại buổi seminar, các cán bộ và sinh viên trong Khoa đã được nghe 2 báo cáo về hai lĩnh vực mới. Báo cáo thứ nhất do sinh viên Nguyễn Trường Sơn (Lớp Cử nhân Vật lý K10) trình bày với đề tài: “Tìm hiểu về Vật lý plasma và chế tạo nguồn plasma DBD ứng dụng trong y-sinh”. Nguyễn Trường Sơn hiện đang là chủ tịch Câu lạc bộ sinh viên NCKH của Khoa. Báo cáo thứ hai do cựu sinh viên lớp CN Vật lý k7 Nông Thị Thanh Huyền trình bày với đề tài: “Mô phỏng cấu trúc và khảo sát tính chất từ của hạt nano cấu trúc lõi vỏ maghemite@CoO”. Huyền hiện đang học Master chuyên ngành Vật liệu tiên tiến và công nghệ nano của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ĐH Việt - Pháp, USTH) và vừa đi thực tập tốt nghiệp 6 tháng tại Đại học Công lập Main (Univesite du Maine), ở thành phố Le Mans, Pháp. Tháng 10/2015 Huyền sẽ tiếp tục quay trở lại Paris để học nghiên cứu sinh tại Đại học Paris 13 theo một học bổng toàn phần.
Sinh viên Nguyễn Trường Sơn – lớp CN Vật lý K10 trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại buổi seminar
Trong báo cáo thứ nhất, sinh viên Nguyễn Trường Sơn đã trình bày về một lĩnh vực Vật lý kỹ thuật rất mới, đó là “Vật lý plasma và ứng dụng”. Plasma là khí bị ion hóa (một phần) chứa các điện tích tự do (electron và ion), các gốc tự do cũng như các phân tử và nguyên tử ở trạng thái kích thích - nó là trạng thái thứ 4 của vật chất và đây được coi là trạng thái đầu tiên mà con người có thể thấy được (trên các ngôi sao hay Mặt trời). Trong hai thập kỷ vừa qua, ngành plasma nhiệt độ thấp đã tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ vật liệu. Hiện nay, nó đang hướng đến một mục tiêu mới: plasma chăm sóc sức khỏe, trước mắt là xử lý các dụng cụ y tế và xa hơn nữa là các mô sống. Mục đích của việc xử lý mô bằng plasma là điều trị không tạo hiệu ứng phụ với độ tin cậy cao: loại bỏ chính xác vùng bị bệnh mà chỉ làm ảnh hưởng tối thiểu đến các mô xung quanh. Hơn thế nữa, plasma còn có khả năng diệt khuẩn nhanh, hiệu quả rất phù hợp để tiệt trùng cụ y tế hoặc diệt khuẩn cục bộ cho các vùng mô.
Trên thế giới, vật lý plasma là một ngành khoa học đã phát triển với rất nhiều ứng dụng như: thiết bị chiếu sáng, màn hình plasma, chế tạo chíp điện tử, công nghiệp sơn, dệt, giấy, kính, ... Tuy nhiên, vật lý plasma lại là một ngành trắng ở Việt Nam: không cán bộ nghiên cứu, không trang thiết bị. Nguyên nhân của tình trạng này, có thể là do các nghiên cứu về vật lý plasma đòi hỏi các thiết bị công nghệ cao, đắt tiền không phù hợp với điều kiện phát triển và kinh tế ở Việt Nam. Trong một vài năm trở lại đây, trên thế giới Vật lý plasma (plasma y - sinh) là một hướng nghiên cứu mới được khai sinh và đang phát triển mạnh. Đây là một ngành khoa học liên ngành (vật lý - sinh học - y học) có khả năng ứng dụng lớn nhưng không đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền. Do đó, ngành Plasma y - sinh là một ngành có tiềm năng để xây dựng và phát triển ở Việt Nam, từng bước theo kịp sự phát triển của Vật lý plasma trên thế giới.
Sinh viên Nguyễn Trường Sơn giới thiệu cho các bạn sinh viên thử thiết bị plasma DBD định hướng ứng dụng trong điều trị bệnh da liễu do mình thiết kế, chế tạo tại buổi seminar
Sinh viên Nguyễn Trường Sơn, ngay từ những năm học thứ nhất, thứ hai em đã rất thích tự tìm tòi và nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu mang tính ứng dụng. Em đã từng nghiên cứu và làm ra khá nhiều sản phẩm như: máy phát điện đơn giản, kính thiên văn quang học, thiết bị chống trộm sử dụng laser, tên lửa nước, ... Với sự đam mê và thích được khám phá những kiến thức mới nên giữa năm học thứ 3, Sơn đã được TS. Nguyễn Văn Hảo liên hệ và gửi (cùng với sinh viên Đỗ Thị Ngân – Lớp Vật lý K11) xuống Phòng Công nghệ plasma, Trung tâm Vật lý Kỹ thuật, Viện Vật lý để tham gia nghiên cứu về Vật lý plasma và Ứng dụng. Tại đây, em đã rất thích hướng nghiên cứu mới này và em đã tham gia rất tích cực, học hỏi được rất nhiều kỹ năng về thực nghiệm. Sau một thời gian học tập và nghiên cứu tại Trung tâm, em cùng với nhóm đã chế tạo được một thiết bị plasma DBD định hướng ứng dụng trong điều trị bệnh da liễu và đang trong giai đoạn thử nghiệm vi sinh. Kết quả ban đầu là khá tốt khi thiết bị đã tiêu diệt vi khuẩn rất nhanh và gần như hoàn toàn. Đây có thể coi là một thành công bước đầu của Sơn và nhóm. Sơn hiện nay đang là chủ tịch Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa. Em có lòng đam mê khoa học và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với khả năng tự tin cao nên em trình bày bài báo cáo khoa học của mình rất tốt. Em đã mang lại cho người nghe cảm giác tò mò, chú ý và tập trung với những kiến thức cũng như sản phẩm nghiên cứu của mình. Sau báo cáo có rất nhiều các câu hỏi thảo luận cũng như xem sản phẩm khoa học của đề tài.
Kính thiên văn quang học và thiết bị chống trộm do SV Nguyễn Trường Sơn chế tạo
Bảng điện tử quảng cáo có lập trình chip - do SV Nguyễn Trường Sơn cùng CLB SV NCKH chế tạo tặng Khoa.
Trong báo cáo thứ 2, Nông Thị Thanh Huyền đã trình bày về đề tài mà em đã thực hiện trong đợt thực tập khoa học tại Viện Vật liệu và Phân tử Le Mans (IMMM - UMR CNRS 6283) thuộc Đại học Công lập Maines, Pháp dưới sự hướng dẫn chính của GS. Florent Calvayrac. Đề tài nằm trong dự án tìm kiếm vật liệu dựa trên cấu trúc hetero- nanostructure thay thế đất hiếm trong việc chế tạo và sản xuất nam châm vĩnh cửu (tên dự án ObNAREM: Oxide Based Nanocomposites as Alternatives to Rare-earth Permanent Magnets).
Hạt nano từ cấu trúc lõi-vỏ nhận được sự quan tâm đặc biệt vì những tính chất từ thú vị của nó như hiện tượng Exchange Bias (EB). Việc mô phỏng hạt nano lõi-vỏ (vật liệu là các oxit của sắt và cobalt oxit) và khảo sát tính chất của nó là bước đầu tiên trước khi bước vào thực nghiệm, giúp làm giảm các chi phí và thời gian trong thực nghiệm, đồng thời tìm ra phương hướng trong việc lựa chọn vật liệu.
Nông Thị Thanh Huyền trình bày kết quả nghiên cứu của mình tại buổi Seminar
Sau khi nghe xong 2 báo cáo là phần thảo luận và trao đổi rất sôi nổi giữa các cán bộ, sinh viên và 2 báo cáo viên. Hai em đã giải đáp các thắc mắc về chuyên môn cũng như các chia sẻ bên nề về con đường học tập và du học và tạo ra một không khí rất cởi mở.
Sau đây là phần câu hỏi trao đổi và chia sẻ của Huyền tại buổi semina :
Tại sao lại sử dụng phương pháp mô phỏng để nghiên cứu vật liệu này mà không phải là chế tạo thực nghiệm xong mới nghiên cứu tính chất ? khi sử dụng phương pháp này thì có những khó khăn gì ?
“Việc mô phỏng hạt nano lõi-vỏ (vật liệu là các oxit của sắt và cobalt oxit) và khảo sát tính chất của nó là bước đầu tiên trước khi bước vào thực nghiệm, giúp làm giảm các chi phí và thời gian trong thực nghiệm, đồng thời tìm ra phương hướng trong việc lựa chọn vật liệu. Việc mô phỏng và tính toán lý thuyết đòi hỏi lượng kiến thức nền sâu và vững chắc. Do vậy, khi tham gia đề tài này, mình đã củng cố và đào sâu kĩ lưỡng những kiến thức nền liên quan, cộng thêm các kiến thức liên quan đến việc tính toán, lý thuyết mô phỏng”, Huyền cho biết.
Khi học tập và nghiên cứu bên nước ngoài thì có gì khác biệt với khi học trong nước ?
“Việc học tập và nghiên cứu bên Pháp là rất thú vị và áp lực. Tuy nhiên, cái mà mình học được là rất nhiều và nó giúp mình mở mang kiến thức cũng như tạo động lực phấn đấu cho bản thân. Ngoài ra, mình cũng học được phong cách làm việc của các đồng nghiệp cùng viện, cũng như các kỹ năng tìm hiểu vấn đề và các giải quyết các vấn đề trong nghiên cứu. Việc mô phỏng, lập trình rèn luyện đức tính kiên trì, bền bỉ và không chịu bỏ cuộc (vì lập trình thường rất căng thẳng và dễ bị stress)”, Huyền cho biết.
Học cao học ở USTH thì gặp khó khăn gì? Học phí có đắt không ? Học hoàn toàn bằng tiếng Anh thì có gặp trở ngại nào ? cách khắc phục ra sao ?
“Học phí ở USHT cho 2 năm học là 3000 USD/ 1 học viên, tuy nhiên do mình tốt nghiệp từ Đại học Khoa học Thái Nguyên nên đã được miễn giảm 50 %. Ngoài ra, khi học ở USTH thì hầu hết các học viên còn được Nhà trường cấp học bổng khoảng 15 triệu/ 1 khóa. Do đó, mình nghĩ là nó không hề đắt so với khi học Cao học ở một trường Đại học khác ở Hà Nội mà lại được học hoàn toàn bằng Tiếng Anh và Giảng viên đến từ Pháp”. Tuy nhiên, do chương trình được thiết kế để học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên lúc đầu mình cũng hơi sốc và rất stress. Mình đã cố gắng để tự học ngoại ngữ ở nhà (học trên laptop) và tham gia một khóa IELTS do USTH tổ chức miễn phí cho học viên cao học. Sau khóa học IELTS này mình thấy kỹ năng tiếng Anh của mình lên rất là nhiểu và đặc biệt sau năm học thứ nhất ở USTH thì mình đã rất tự tin trong giao tiếp cũng như có thể nghe hiểu và thảo luận với các Giáo sư giảng dạy, Huyền cho biết.
Là con gái thì gặp những khó khăn gì khi theo đuổi con đường khoa học ? Nếu được chọn lại thì chị có đi theo con đường khoa học không ?
“Việc là con gái khi tham gia vào công việc nghiên cứu khoa học hay con đường trở thành nhà khoa học cũng có nhiều khó khăn, nhưng theo mình nghĩ quan trọng là mình phải xác định được mục tiêu và cần có niềm đam mê và quyết tâm đối với nó. Đối với mình khi mới ra trường, mình cũng đã xin được giảng dạy hợp đồng với Trường THPT ở Đại Từ - Thái Nguyên, mình đã đi dạy được vài tháng. Tuy nhiên, sau đó mình biết được là mình đã đỗ Cao học tại USTH và khi ấy mình đã bỏ dạy để xuống Hà Nội học master tại đây. Do đó, nếu được chọn lại thì mình vẫn sẽ tiếp tục chọn con đường nghiên cứu khoa học”, Huyền cho biết.
Chị đánh giá sao về việc tốt nghiệp ở một trường Đại học ở miền núi như Đại học Khoa học khi tham gia học Cao học ở USTH so với các bạn tốt nghiệp ở một Đại học ở Thủ đô ? …
“Khi học ở Khoa Vật lý & CN, ĐH Khoa học Thái Nguyên mình cũng đã được trang bị một lượng kiến thức nền cũng như các kỹ năng đủ để có thể theo kịp các bạn hoặc các anh chị khác trong lớp Cao học. Điều hạn chế lớn nhất của sinh viên học trên Thái Nguyên là ngoại ngữ”, Huyền cho biết.
Làm sao để có thể xin được học bổng để đi thực tập cũng như đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài ?
“Để xin được học bổng làm Master hay PhD students ở nước ngoài thì cũng không quá khó, đặc biệt là đối với con gái. Vì ở Cộng đồng chung Châu Âu họ có một chính sách ưu tiên cho Phụ nữ khi tham gia công việc làm khoa học. Ngoài ra, học rất ưu ái cho phái nữ. Theo kinh nghiệm của bản thân thì để có thể dễ dàng xin được học bổng là bạn cần có một vốn kiến thức nền đủ vững chắc, có kỹ năng tiếng Anh đủ để giao tiếp và làm việc trong môi trường nghiên cứu cũng như có được thư giới thiệu của một vài giáo sư đầu ngành mà bạn quan tâm. Ngoài ra, điều quan trọng không kém là bạn phải thể hiện được niềm đam mê và quyết tâm đối với ngành mà bạn chọn. Bạn cũng cần sự tự tin, thân thiện và cởi mở khi tham gia phỏng vấn”, Nông Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Buổi Seminar khoa học của Khoa diễn ra với không khí rất cởi mở và có tính học thuật cao trong thời gian gần 3 giờ đồng hồ. Các đại biểu trao đổi rất thẳng thắn và sôi nổi. Sau buổi báo cáo và trao đổi, TS. Nguyễn Văn Đăng – Phó hiệu trưởng Nhà trường kiêm Trưởng Khoa Vật lý & Công nghệ đã phát biểu hoan nghênh tinh thần nghiên cứu khoa học của các cán bộ và các em sinh viên trong Khoa và cho đây là một hoạt động có nhiều ý nghĩa trong công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong và ngoài Khoa. Đồng chí đã đánh giá buổi Seminar khoa học đã diễn ra rất thành công, đồng thời đồng chí cũng chỉ đạo cần khuyến khích các cán bộ giảng viên trẻ và sinh viên tích cực tham gia vào các hoạt động Seminar khoa học của Khoa hơn nữa để hoạt động này trở thành một phong trào sâu rộng và thường niên.
TS. Nguyễn Văn Đăng – Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Khoa phát biểu và chỉ đạo tại buổi Seminar.
Một số hình ảnh tại buổi seminar: