Kiểm tra sinh viên thực tập ngành Khoa học quản lý tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn 9 tỉnh.

02-04-2015 08:54 Xem: 1287 lần
Kiểm tra sinh viên thực tập ngành Khoa học quản lý tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn 9 tỉnh._thumbnail

Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2014-2015, Khoa Luật &QLXH tổ chức cho sinh viên  khóa 9 chuyên ngành KHQL đi thực tập tốt nghiệp từ ngày 02/3/2015 đến 10/4/2015 tại các cơ sở ngoài nhà trường. Để phục vụ cho việc quản lý và đánh giá kết quả thực tập của sinh viên, từ ngày 11/3/2015 đến ngày 27/3/2015 nhà trường đã thành lập các đoàn kiểm tra sinh viên tại các cơ sở thực tập. Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đột xuất (không thông báo trước cho sinh viên) tại 9 cụm điểm khác nhau, trong đó tập trung vào những tỉnh thành có số lượng sinh viên thực tập đông nhất như tỉnh Bắc Kạn(5 sinh viên), Cao Bằng(7 sinh viên), Lạng Sơn(9 sinh viên), Bắc Giang(10 sinh viên), Tuyên Quang (10 sinh viên), Thái Nguyên (63 sinh viên), Hà Nội (5 sinh viên)…

 Sau quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã lập biên bản để ghi nhận những nhận xét, đánh giá tình hình thực tập của các cơ quan chủ quản về quá trình thực tập của sinh viên. Đây là kết quả để báo cáo ban giám hiệu và có những đề nghị cải tiến trong thời gian tới để có phương thức tổ chức thực tập sát với thực tiễn và đạt kết quả cao hơn.

Trường Đại học Khoa học triển khai mô hình đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Riêng với ngành khoa học quản lý, các kiến thức và kỹ năng gắn liền với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do vậy, từ khi thành lập ngành đào tạo đến nay, học phần thực tập, thực tế tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức được nhà trường hết sức chú trọng. Việc thực tập tại các đơn vị ngoài nhà trường nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc và hòa nhập với môi trường thực tế, vận dụng các kiến thức đã học để rèn luyện phong cách làm việc tại công sở, giải quyết linh hoạt các tình huống nghiệp vụ ở các vị trí việc làm cụ thể của tổ chức, từ đó giúp sinh viên có cơ hội tìm được việc làm ngay sau khi ra trường và rút ngắn thời gian thử việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Chức, trưởng phòng Nội vụ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Hàng năm, Phòng chúng tôi đều có sinh viên đến liên hệ thực tập. Thực tập ở cơ quan chúng tôi không chỉ đơn thuần là đến cơ sở lấy tài liệu và số liệu nghiên cứu, mà đòi hỏi sinh viên phải nghiêm túc tuân thủ nội quy, thực tập đầy đủ theo thời gian quy định, có bảng chấm công và cán bộ hướng dẫn. Thực tập viên sẽ được lãnh đạo phòng giao cho một số nhiệm vụ cụ thể và bước đầu tiếp cận với hồ sơ, công văn của cơ quan”.

 

TS. Lê Thị Ngân trao đổi với trưởng phòng Nội vụ huyện Lạng Giang

Qua trao đổi với một số đại diện các đơn vị khác có sinh viên thực tập như ông Nguyễn Đức Hiền -  Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh Bắc Giang, ông Trần Văn Mạnh – cán bộ địa chính UBND xã Tân Dĩnh, ông Dương Danh Thắng – đại diện Công ty TNHH thương mại Thanh Hải TP.Bắc Giang…đều có một nhận định chung trên tinh thần tích cực phối hợp với nhà trường trong việc giúp đỡ sinh viên thực tập. Đa số các cơ quan, đơn vị, tổ chức đánh giá quá trình thực tập của sinh viên dựa trên các tiêu chuẩn: Kỹ năng giải quyết công việc được phân công, phẩm chất đạo đức, kiến thức xã hội, ý thức thực hiện nội quy của cơ quan.

 TS. Lê Thị Ngân trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục&Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Thông qua các chuyến kiểm tra, tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các đơn vị ngoài nhà trường, Đoàn kiểm tra của Khoa Luật&QLXH đã tìm hiểu thêm và tiếp tục tạo được mối quan hệ với các cơ sở ngoài nhà trường. Từ đó, có thể rút kinh nghiệm dựa trên những tồn tại, bất cập để ngày càng nâng cao hơn nữa hiệu quả thực tập của sinh viên. Lựa chọn, bố trí địa bàn thực tập, giám sát và kiểm tra thực tập của sinh viên không phải là một điều đơn giản. Việc tổ chức và quản lý thực tập ở các đơn vị ngoài nhà trường là vất vả và công phu. Bởi, các giáo viên phải tư vấn,  hướng dẫn sinh viên liên hệ thực tế, chuẩn bị hồ sơ, kiểm tra, hướng dẫn viết báo cáo thực tập, đánh giá, xếp loại báo cáo…Tuy nhiên, được Ban giám hiệu đặc biệt quan tâm về công tác này, các đợt đi thực tế của sinh viên ngày càng đạt hiệu quả cao.

TS. Lê Thị Ngân trao đổi với Chủ tịch xã Tân Dĩnh

Sự kết hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa nhà trường và các đơn vị ngoài là phương thức giúp cho hoạt động thực tập của người học trở nên hiệu quả. Thông qua mô hình thực tập gắn lý thuyết với thực tiễn, Trường Đại học Khoa học ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Nguồn nhân lực đó không chỉ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức mà còn có các kỹ năng xã hội, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Bế Hồng Cúc