(GDTĐ) Trường ĐH thành viên trong ĐH vùng: Chuyện “bếp núc” bây giờ mới kể

03-09-2013 03:54 Xem: 2332 lần
(GDTĐ) Trường ĐH thành viên trong ĐH vùng: Chuyện “bếp núc” bây giờ mới kể_thumbnail

(GD&TĐ) - Gặp PGS.TS Nông Quốc Chinh  -  Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) trong không khí phấn khởi của thời điểm kết thúc  tuyển nguyện vọng 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Chia sẻ với ông: “ĐH vùng có bao giờ phải lo lắng về tuyển sinh?”, ông cười: “Có thuận lợi, có khó khăn chứ!”. Những câu chuyện được cho là “bếp núc” của Trường ĐH Khoa học  -  Trường thành viên của ĐH Thái Nguyên - được bắt đầu như thế…

Tiền đầu tư ít hơn trường độc lập

Gần đây nổi lên vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, theo đó, giao quyền tự chủ cho các trường theo lộ trình. Ông có thể cho biết nhà trường đã những chuẩn bị gì để đón đầu lộ trình này?

- Song song với Luật GD ĐH đã được ban hành, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Quy chế ĐH vùng sử dụng trong công tác quản lý các ĐH vùng.

Điều này có nghĩa là hoạt động của Trường ĐH Khoa học phải tuân theo Luật GD ĐH, đồng thời cũng phải tuân theo Quy chế ĐH vùng.

Từ năm 2005, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ cho các ĐH vùng. Ban Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã thể hiện rất rõ quan điểm: Bộ giao quyền cho Ban giám đốc ĐH thì Ban Giám đốc cũng giao quyền cho các trường thành viên.

Xu hướng của GD - ĐT hiện nay có nhiều vấn đề nhạy cảm. Nắm bắt được thời cơ thì sẽ rất thành công. Nhưng nếu mình đi chậm hơn, đặc biệt là trong những lĩnh vực mở mang ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội thì sẽ rất khó hoạt động. Việc giao quyền đó tạo cho các trường ĐH thành viên có nhiều thuận lợi trong vấn đề này.

Ví dụ: So với những ĐH độc lập, ĐH vùng có quyền quyết định mở một ngành đào tạo mới khi đã đủ điều kiện, trong khi các trường ĐH khác phải xin Bộ GD&ĐT và Bộ ra quyết định.

Dĩ nhiên ở một góc độ nào đó, là trường thành viên nằm trong ĐH vùng thì cũng có những hạn chế, thiệt thòi nhất định, đặc biệt là nguồn ngân sách được phân bổ hàng năm rất eo hẹp.

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhiều người quan tâm đến việc tự chủ tài chính của các trường ĐH. Không biết việc tự chủ về tài chính của một trường thành viên trong ĐH vùng có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

- Cách đây 2 năm, Bộ GD&ĐT tổ chức một hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và hiệu trưởng của tất cả các trường thành viên trực thuộc do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Bộ GD&ĐT chỉ đạo.

Tại hội nghị, một vấn đề thu hút sự quan tâm và ý kiến của đông đảo đại biểu là: Các trường thành viên của ĐH vùng có những thuận lợi và khó khăn gì so với những trường ĐH độc lập không nằm trong ĐH vùng.

Thực tế, hàng năm  Bộ GD&ĐT cấp kinh phí chi tiêu thường xuyên “một cục” cho ĐH vùng, sau đó ĐH chia cho các trường thành viên theo số lượng hiện có về cán bộ và SV. So sánh thì thấy kinh phí từ “gói” Bộ cho ĐH, phân bổ cho các trường thành viên ít hơn rất nhiều so với kinh phí Bộ phân bổ cho các trường ĐH độc lập.

Chủ trì Hội nghị hôm đó đã kết luận: Phấn đấu thực hiện đầu tư cho các Trường ĐH thành viên của ĐH vùng phải ngang bằng với các trường ĐH độc lập, thậm chí phải tăng lên gấp 1,5 lần. Nhưng có lẽ còn nhiều khó khăn chung, nên đến hiện tại mong muốn này vẫn chưa thực hiện được.

Tôi cho rằng ở một góc độ nào đó của mô hình ĐH vùng, sự khó khăn trong vấn đề tài chính cấp cho các trường thành viên so với các trường ĐH độc lập là rất rõ. Chưa kể trong ĐH Thái Nguyên, khi phân bổ kinh phí hàng năm dựa trên số SV, số cán bộ. Như vậy, những trường đã thành lập cách đây 30 - 40 năm và những trường mới thành trong 10 năm gần đây nhận được phân bổ tài chính theo một công thức chung, hầu như không có gì ưu tiên đối với các đơn vị mới thành lập.

Những trường lớn như Trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Nông lâm, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp… có hơn 40 năm xây dựng và phát triển, mặt bằng ổn định, cơ sở vật chất tốt. Còn những trường mới thành lập, phải đối diện với nhiều khó khăn thiếu thốn như việc giải phóng mặt bằng, xây các công trình mới, xây dựng khuôn viên, cơ sở vật chất…Trường ĐH Khoa học là một trong những trường mới thành lập. Nếu có một chính sách từ Bộ GD&ĐT, đầu tư riêng cho những trường còn khó khăn, thiếu thốn thì sẽ thuận lợi hơn nhiều.


Sinh viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) trên giảng đường. Ảnh: Văn Hải

Giải quyết mâu thuẫn đầu tư ít  -  chất lượng cao bằng mục tiêu đào tạo khác biệt

Thưa ông, vậy có mâu thuẫn gì không khi tài chính trong nhà trường còn đang hạn hẹp, thậm chí là thiếu nhưng vẫn  phải giữ vững chất lượng đào tạo?

- Sự tồn tại, phát triển của nhà trường dựa trên uy tín và thương hiệu. Muốn đạt được điều đó thì điều quan trọng nhất phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Chúng tôi xác định chất lượng đào tạo là vấn đề quan tâm số một.

Bài toán đặt ra với Trường ĐH Khoa học chúng tôi chính là: “Đầu vào” không cao nhưng làm thế nào để chất lượng tốt. Đây là một câu hỏi, một thách thức lớn với nhà trường. Kết quả đạt được thì thể hiện ở “đầu ra”: Hiện chúng tôi đã có 7 khóa SV tốt  nghiệp. Số lượng SV tốt nghiệp có việc làm chiếm tỷ lệ rất lớn. Đặc biệt, có những SV công tác ở khu vực miền xuôi, ở Hà Nội, làm giảng viên của ĐH, CĐ… Tôi cho rằng đó là những minh chứng về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Chúng tôi cũng nhận được nhiều phản hồi của các em SV sau khi xin việc, thi tuyển rồi đỗ đạt, các em cũng cho rằng không nên quá quan trọng là học ở đâu, mà vấn đề là kiến thức của mình như thế nào.

Về phía trường, chúng tôi đặt mục tiêu khác so với những trường nằm trong ĐH. Thông thường học Sư phạm sẽ ra làm giáo viên; học Nông lâm sẽ công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; học Y khoa thì ra làm trong ngành y tế…

Vậy đặt câu hỏi: Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học  SV sẽ làm gì? Ban giám hiệu chúng tôi cũng đã rất suy nghĩ, trăn trở để tìm câu trả lời cho các phụ huynh, các em SV và ngay cả cán bộ của nhà trường: Đầu ra của trường ĐH Khoa học là đa mục tiêu. Đào tạo SV ra có thể làm được nhiều nghề khác nhau.

Ví dụ như SV ngành cử nhân Toán hoặc cử nhân Toán – Tin ứng dụng, ra trường có thể là nghiên cứu ở các Viện, là giáo viên ở các trường ĐH, CĐ, đặc biệt là CĐ nghề, có thể làm công tác thống kê, kế toán ở các cơ quan doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, có thể hoạt động trên các sàn chứng khoán, ngân hàng, tín dụng… Toàn bộ SV học Trường ĐH Khoa học (nếu có nhu cầu) đều được trang bị nghiệp vụ sư phạm để có thể làm giáo viên phổ thông.

Đào tạo ra cử nhân đa mục tiêu, tò mò hỏi ông chương trình đào tạo tại Trường ĐH Khoa học có gì đặc biệt so với những cơ sở đào tạo khác?

- Với việc xác định đầu ra là đa mục tiêu, chương trình đào tạo, giảng viên… của chúng tôi cũng phải linh hoạt để đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hiện chương trình đào tạo của chúng tôi cập nhật, tiếp thu có sáng tạo chương trình từ Trường ĐH KHTN và Trường ĐH KHXHNV thuộc ĐHQG Hà nội.

Chúng tôi có sự liên kết rất chặt chẽ với các trường này, để khi mở bất cứ một ngành nào, chúng tôi đều có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia ngành đó. Những khóa đầu tiên có sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành của nhiều trường, viện nghiên cứu tham gia giảng dạy. Đây là những bước đi rất quan trọng để tạo dựng được chất lượng đào tạo, tạo dựng được uy tín. 

Từ sự hợp tác hỗ trợ này, nhà trường xây dựng được đội ngũ cán bộ. Thời gian đầu, các giảng viên của trường đi theo chuyên gia để học hỏi, sau đó trưởng thành để đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy. 

Ngoài ra, chương trình đào tạo của nhà trường hàng năm luôn được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu đầu ra đáp ứng yêu cầu của xã hội, đặc biệt được bổ sung nhiều học phần thực hành, thực tế chuyên môn, và đào tạo kỹ năng mềm cho SV giúp SV có khả năng hoà nhập với môi trường thực tế sau khi tốt nghiệp.


Giờ thực hành thí nghiệm khoa Hóa học, ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên).   Ảnh: V.Hải

Mục tiêu nào rồi cũng sẽ trở về công tác quản lý

Để có được “đầu ra” đa mục tiêu, giữ vững chất lượng đào tạo… đòi hỏi phải đổi mới và năng động trong công tác quản lý. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng là như vậy. Đặt ra mục tiêu gì đi nữa thì cũng vẫn sẽ quay về công tác quản lý. Quản lý có tốt, có linh hoạt, có sáng tạo đổi mới thì mới đạt được mục tiêu đề ra. 

Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục chỉ đạo đổi mới trong quản lý giáo dục. Năm nay, chúng tôi đã xây dựng Đề án chuẩn hóa năng lực Ngoại ngữ và Tin học. Bộ yêu cầu giảng viên phải là thạc sỹ, phải có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh B1 châu Âu.

Chúng tôi đã tổ chức kiểm tra trình độ ngoại ngữ của toàn bộ giảng viên nam dưới 50, nữ dưới 45, đánh giá trình độ ngoại ngữ hiện tại , nếu đạt thì cử đi thi để lấy chứng chỉ, ai chưa đủ yêu cầu, trong một thời hạn nhất định bổ sung kiến thức sau đó đi thi. Việc làm này gắn với công tác đánh giá cán bộ, xét thi đua, khen thưởng hàng năm. 

Bên cạnh đó, đặt ra những yêu cầu tối thiểu của giảng viên khi lên lớp theo chủ trương, quyết định của Thường vụ Đảng ủy ĐH Thái Nguyên. Bắt đầu từ năm học này, giảng viên phải chuẩn bị và được kiểm tra đầy đủ 5 tiêu chí trước khi lên lớp theo thang đánh giá cụ thể. 

Riêng giảng viên trẻ trong 3 - 5 năm đầu vào nghề, yêu cầu phải có giáo án viết tay. Hiện CNTT rất phổ biến, sách điện tử nhiều, có nhiều người sử dụng CNTT để giảng dạy, nhưng lại quá lệ thuộc vào công nghệ. Nếu có sự cố nào đó như mất điện thì lại không biết dạy gì. Giáo án soạn tay sau mỗi năm đều phải soạn lại, không thể copy, paste thay đổi ngày tháng in ra là được một tập bài giảng. Đây chính là cơ sở để sau này hoàn thiện, có được giáo trình cho bộ môn. 

Năm học 2012 - 2013 chúng tôi đã lấy được ý kiến phản hồi của SV với 64 cán bộ giảng dạy trẻ trong nhà trường. Đây là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm, bên cạnh đó, phía công đoàn năm nào cũng tổ chức cuộc thi “Giờ giảng hay”… Chúng tôi tiếp thu những góp ý này một cách nghiêm túc, xem xét, cân nhắc nếu chính đáng sẽ điều chỉnh chương trình, hoạt động của nhà trường cho sát với thực tế, nhu cầu của người học hơn. 

Các giải pháp của nhà trường trong quản lý đội ngũ rất nghiêm nhặt, đòi hỏi giảng viên trình độ cao, nghiêm túc trong công việc, đào tạo có chất lượng. Nhưng quay trở lại bài toán kinh phí đầu tư của ta đang hạn hẹp, lại đòi hỏi cao như vậy. Xin hỏi nhà trường có giải pháp gì để giữ được người tài gắn bó lâu dài?

- Hiện cán bộ giảng dạy chính thức của nhà trường là 212 người, trong đó có 7 GS, PGS; 17 tiến sỹ; 161 thạc sỹ, 65 cán bộ đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đến 2015, ít nhất trường sẽ có thêm  36 người bảo vệ luận án tiến sĩ, nghĩa là có từ 20 - 25% giảng viên đạt trình độ tiến sỹ trở lên. Đây chính là những gì chúng tôi đã và đang tiến hành để chuẩn hóa đội ngũ. Và cũng thấy đôi phần yên tâm về đội ngũ cán bộ, giảng viên của mình.

Có một thời kỳ nhiều người đi học xong là về các thành phố lớn để làm việc. Đó là lúc mà ở thành phố lớn có nhiều khoảng trống trong đội ngũ và mức lương, thù lao lại ưu đãi hơn các nơi khác. Nhưng hiện tại đã khác.

So với mặt bằng cán bộ viên chức trong tỉnh, thu  nhập của cán bộ ĐH Thái Nguyên là tương đối tốt. Nhất là từ năm ngoái đến năm nay, khi nền kinh tế có sự suy giảm, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, thì tại các trường ĐH trong ĐH Thái Nguyên lại rất ổn định. 

Tôi cho rằng sự ổn định, cơ hội được học hỏi, được nâng cao kiến thức chính là điều khiến cho giảng viên yên tâm gắn bó với nghề, gắn bó với nhà trường. 

Song song với việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên… công tác kiểm định chất lượng cũng rất quan trọng khi được ví như thước đo chất lượng của mỗi nhà trường. Đánh giá của ông về công tác này hiện nay ở nhà trường là như thế nào?

- ĐH Thái Nguyên là một trong những ĐH rất quan tâm đến kiểm định chất lượng. Về phía các nhà trường, chúng tôi đã tiến hành đánh giá chất lượng trên cơ sở tất cả những tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đưa ra. 

Năm 2013, ĐH Thái Nguyên đã tổ chức đánh giá thí điểm sinh viên tốt nghiệp, mỗi trường từ 1 - 2 ngành. Trường ĐH Khoa học chúng tôi tổ chức đánh giá 2 ngành: Cử nhân toán và Công nghệ sinh học. Ngoài hai môn đánh giá chung của toàn ĐH Thái Nguyên là tiếng Anh và Tin học, về chuyên môn mỗi ngành sẽ có 20 - 25 chủ đề với nội dung là kiến thức xuyên suốt trong 4 năm học của SV. Hội đồng đánh giá chuyên môn ngoài các giảng viên trong và ngoài nhà trường còn có cả nhà tuyển dụng. Và ĐH Thái Nguyên đã có Hội nghị tổng kết việc đánh giá kết quả thí điểm đó.

Thưa ông, đánh giá thí điểm chất lượng đầu ra, có tổng kết những phản hồi, góp ý… Vậy trong năm học mới, nhà trường có sự điều chỉnh gì về chương trình, cách thức đào tạo không?

- Chúng tôi đã xác định áp dụng chuẩn đầu ra cho Ngoại ngữ và Tin học cho sinh viên tốt nghiệp từ 6/2014 trở đi. Nhà trường không xác định chuẩn đầu ra quá cao mà xây dựng một mức vừa phải phù hợp, nhưng bắt buộc SV phải có đạt điều kiện  thì mới được ra trường. Có như vậy mới thích ứng được với môi trường việc làm sau này của các em.

Thưa ông, được biết chính sách mới về học phí đã phát huy tác dụng, góp phần tăng nguồn lực tài chính cho các nhà trường ĐH. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn nhiều vướng mắc. Trường ĐH Khoa học chuẩn bị thế nào cho công tác này?

- Học phí vẫn là bài toán khó. Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn chỉ đạo các trường. Nhưng quả thực, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Bởi chúng ta đào tạo theo hệ thống tín chỉ, theo đó đăng ký học phần là SV phải đóng tiền. Nên chăng quy định sau khi đăng ký học phần bao nhiêu thời gian phải đóng phí, chứ không thể đóng theo tháng như đào tạo theo niên chế được. 

Với nhiều bộn bề khó khăn, với những trăn trở suy tư trên cương vị quản lý, ông có mong muốn gì khi năm học mới sắp đến?

- Mong muốn thì nhiều lắm, nhưng cao nhất vẫn là mong có sự quan tâm của lãnh đạo ĐH, lãnh đạo Bộ đến nhà trường, đặc biệt trong vấn đề tài chính. Và tôi luôn tâm niệm một điều: Trong khuôn khổ của mình, được quyền bao nhiêu ta làm bấy nhiêu, quan trọng là làm thế nào cho hiệu quả!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Chúng tôi không mong muốn con số tốt nghiệp cứ là 97 - 98%. Nếu đã như vậy thì không cần tổ chức thi làm gì. Học theo hệ thống tín chỉ, bình quân sau 4 năm, SV Trường ĐH Khoa học tốt nghiệp chỉ khoảng 60 - 70%. Còn 30% phải học lại, học cải thiện 1 - 2 học kỳ, rải rác 1 - 2 năm sau mới được ra trường”.

PSG.TS Nông Quốc Chinh

Theo Giáo dục Thời đại Online