TS. Cao Duy Trinh - Tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người

05-10-2017 02:39 Xem: 2891 lần
TS. Cao Duy Trinh - Tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người_thumbnail

Lời giới thiệu

Thực hiện Kế hoạch tổ chức cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo của Công đoàn Trường ĐHKH, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng toàn xã hội về truyền thống tốt đẹp, về các tấm gương thầy giáo, cô giáo đã và đang tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người; tích cực thi đua “Dạy tốt – Học tốt” và đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tôi xin chia sẻ về một tấm gương nhà giáo tiêu biểu của Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Khoa học – TS. Cao Duy Trinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa KHCB – một giảng viên có trình độ, có năng lực lãnh đạo, quản lý tốt, có sự tâm huyết với nghề và trên hết là sự quan tâm, chia sẻ với đồng nghiệp.

Mùa thu năm 2008, khi tôi mới chuyển về công tác tại Khoa KHCB, ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi lúc đó và cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn chính là phong cách giản dị, gần gũi, khiêm tốn, sự quan tâm rất đỗi chân thành của thầy dành cho mọi người xung quanh. Như những đoạn phim ngắn về khoảng ký ức đã đi qua, tôi nhớ hình ảnh thầy lái chiếc xe Dream cũ dẫn đoàn đưa chúng tôi đến từng nhà anh chị em trong Khoa ở thành phố để chúc tết, hay thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ; đây là cảnh hôm bố đồng chí Hiển bị tai nạn, thầy lo lắng gọi cho mọi người trong ban chủ nhiệm khoa, công đoàn, đoàn thanh niên, các bộ môn rồi đích thân bắt xe về Hà Nội thăm Bác; còn đây là cảnh các buổi sinh hoạt lớp cuối năm trước khi sinh viên về nghỉ tết. Thầy căn dặn các em đủ điều, trước đó nhắc nhở đồng chí Trưởng Bộ môn Khoa học Thư viện chỉ đạo anh em có những món quà nho nhỏ cho các em ở xa về ăn tết, có thể chỉ là vé tàu xe; còn cảnh này là buổi họp khoa tháng 10 năm 2016, sau khi Bộ môn Tiếng Anh phản ánh thái độ học tập và kiến thức Tiếng Anh gốc của sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh du lịch rất kém, thầy bảo thầy đã có dự kiến lên lớp trực tiếp kỳ này. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và sự kiên nhẫn hiếm có, suốt mấy tháng của kỳ học đầu tiên, thầy đã giúp các sinh viên của mình có thể bắt nhịp chương với môn Ngữ Pháp Tiếng Anh vốn rất khó, kể cả đối với các trường đại học tốp đầu ở Hà Nội, đồng thời định hướng cho các em về mặt tư tưởng, ý thức trong việc học tập và rèn luyện; góc kia là các buổi tối Đại hội Chi đoàn đầu năm của sinh viên từ năm nhất đến năm tư. Khóa nào thầy cũng có mặt, lắng nghe từng nội dung, chú ý những suy nghĩ, băn khoăn của các em khi mới bước vào giảng đường đại học hay những trăn trở của những bạn chuẩn bị ra trường. Để sau đó, khi phát biểu, thầy chia sẻ, giúp các em tháo gỡ từng nút khúc mắc đó. Thầy chỉ ra những khó khăn, thử thách của những năm tháng sinh viên cũng như cơ hội và những giá trị tốt đẹp khi có được trong tay tấm bằng cử nhân loại ưu. Những đôi mắt trong veo của các bạn trẻ như được thắp lên niềm tin và sự nỗ lực,... cứ thế mà yêu thương được trao đi. Các thước phim như lát cắt thời gian trôi mải miết trong tâm trí tôi và để lại rất nhiều sự xúc động sâu xa, khi được chứng kiến và ghi lại những kỷ niệm ấy. Trong đời sống hiện đại, dưới tác động đa chiều của nền kinh tế thị trường, khi rất nhiều nơi, nhiều chỗ cái xấu cái tốt đan xen, sự giả dối và tính toán, lối sống thực dụng lên ngôi; thì sự yêu thương, quan tâm hết sức giản dị, chân thành của thầy với đồng nghiệp, với học sinh của mình là những phẩm chất tinh thần vô cùng cao quý trong đạo đức của nhà giáo hiện nay.

Ngày hội sách khoa KHCB 4/2016, hưởng ứng ngày sách và bản quyền thế giới

TS. Cao Duy Trinh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phổ Yên, Thái Nguyên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội (1985) -  nay là Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước những năm 80 của thế kỷ trước, thầy và lớp bạn cùng trang lứa đã phải bươn chải rất nhiều nghề để kiếm sống. Tôi vẫn không thể tưởng tượng thầy đã từng đi xẻ gỗ, làm vàng, bán muối… suốt bốn năm trời. Điều lạ lùng, thầy kể lại với một giọng hết sức bình thản và pha chút hài hước về một “thời hoa đỏ” của mình. Từ năm 1989 đến 1999, thầy về làm phiên dịch cho Công ty Gang thép Thái Nguyên, sau đó tham gia bộ phận kinh doanh, giao dịch tại Công ty Liên doanh thép Việt - Sing NatsteelVina. Đây cũng là tháng năm gắn liền với những kỷ niệm tình yêu tươi đẹp với người phụ nữ, người vợ mà thầy rất đỗi yêu thương – cũng là tấm gương nhà giáo mà rất nhiều thế hệ học trò ngưỡng mộ - GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn. Mối duyên nợ với nghề giáo bắt đầu khi thầy về giảng dạy tại trường THPT Chuyên Thái Nguyên (1999-2008) – một ngôi trường cấp 3 với bề dày truyền thống và lịch sử của tỉnh. Tháng 3 - 2008, sau khi tốt nghiệp Cao học Anh văn, ĐHQG Hà Nội, thầy nhận sự điều động của Đại học Thái Nguyên về trường Đại học Khoa học công tác. Với sự vững vàng về chuyên môn và năng lực công tác đã có, thầy nhanh chóng được giao quản lý và lãnh đạo khoa KHCB ngay từ lúc mới thành lập. Đó là những ngày tháng hết sức khó khăn, “khai sơn phá thạch”, vẻn vẹn Khoa có 16 cán bộ viên chức thì chỉ có thầy là thạc sỹ; anh chị em đều trẻ, thiếu kinh nghiệm, lương thấp lại đa số xa quê. Sự tận tâm của thầy đã truyền nhiệt huyết cho đội trẻ chúng tôi làm việc và cống hiến. Thầy luôn là tấm gương cho việc học tập và nghiên cứu khoa học. Tháng 6-2012, Thầy đã được nghiệm thu xuất sắc đề tài NCKH cấp Bộ ngành Tiếng Anh đầu tiên của ĐHTN. Năm 2014, khi đã 51 tuổi, thầy bảo vệ thành công Luận án tiến sỹ chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Thầy đã có nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành và tạp chí KH&CN (ĐHTN). Tôi nhớ có một lần họp khoa cách đây mấy năm, thầy nói một câu vui thôi mà thấm sâu mãi trong tâm trí tôi: “Các cậu nhìn tớ xem, đầu hai thứ tóc rồi mà vẫn cặm cụi đi học. Các cậu còn trẻ khỏe sao không cố gắng đi học đi. Nếu cứ lo nghèo, lo khổ không học thì khi nào mới học được”. Thầy động viên anh chị em chúng tôi đi học, tích cực làm đề tài và viết báo. Đó vừa là nhiệm vụ vừa để nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, Khoa đã có thêm tiến sỹ và các nghiên cứu sinh mới. Số lượng đề tài, bài báo khoa học, các ấn phẩm sách báo của cán bộ giảng viên trong khoa tăng lên nhanh chóng qua các năm.

Lễ bảo vệ Luận án tiến sỹ cấp ĐHQG của TS. Cao Duy Trinh 9/2014

Khoa KHCB với tính chất và đặc thù không giống các Khoa và Bộ môn chuyên ngành khác trong trường. Khoa có 4 Bộ môn với các chuyên ngành khác nhau (Tiếng Anh, Lý luận Chính Trị, Thư viện và Giáo dục Thể Chất) thì việc xây dựng kế hoạch hàng năm và chỉ đạo thực hiện là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Trong thực tế, các bộ môn có chuyên ngành và các bộ môn chỉ đảm nhận môn chung thì cách thức hoạt động có nhiều khác biệt. TS. Cao Duy Trinh đã tôn trọng những nội dung, nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo và tổ chức các hoạt động của khoa và từng bộ môn. Vì thế, kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị đưa ra luôn nhận được sự hưởng ứng của toàn thể cán bộ, viên chức. Trên chặng đường gần 10 năm xây dựng và phát triển, phong trào thi đua của khoa KHCB luôn được kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Kể từ khi thành lập đến nay, dưới sự tổ chức, lãnh đạo của TS. Cao Duy Trinh và Ban chủ nhiệm khoa cùng các tổ chức đoàn thể, đơn vị Kkhoa KHCB luôn đạt tập thể LĐTT trong tất cả các năm học, là TTLĐXS năm học 2012-2013 và 2014-2015; đã được tặng 2 Giấy khen của Giám đốc Đại học Thái Nguyên, nhiều năm liền được nhận giấy khen của Hiệu trưởng. Cán bộ giảng viên trong khoa cũng được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 2 Bằng khen cấp Bộ, giấy khen của Giám đốc Đại học Thái Nguyên, giấy khen của Hiệu trưởng, giấy khen của Công đoàn Đại học Thái Nguyên, Công đoàn Trường Đại học Khoa học và rất nhiều giải thưởng khác trong thi đấu thể thao hay các cuộc thi do Ban Dân vận nhà trường tổ chức. Những thành tích của tập thể luôn ghi dấu ấn của các cá nhân và người đứng đầu. Thầy là tấm gương tiêu biểu trong cách nghĩ, cách làm, trong năng lực tổ chức quản lý; có khả năng kết nối và thực hiện đoàn kết trong tổ chức rất cao. Đặc biệt lối sống giản dị, gần gũi, bao dung và có phương pháp dân vận tốt đã làm cho cán bộ, giảng viên, sinh viên lắng nghe, tin tưởng và làm theo. Thầy xây dựng dựng được một ban Chi ủy, ban chấp hành Công đoàn, BCH Liên chi đoàn luôn biết lắng nghe, chia sẻ tâm tư, giải đáp những thắc mắc, nguyện vọng của cán bộ, giảng viên trong khoa; từ đó có những định hướng, điều chỉnh suy nghĩ và thực hiện những nguyện vọng chính đáng trong những điều kiện cho phép. Trước những thông tin trái chiều, luôn bình tĩnh kiểm tra, tìm cách xử lý. Cán bộ, viên chức trong khoa luôn coi khoa KHCB là một gia đình, đoàn kết, gắn bó, quý trọng, tương trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.

Thầy có nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, nhận giấy khen của Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm 2016, Thầy cùng Bộ môn Tiếng Anh đã xây dựng đề án mở ngành Tiếng Anh Du lịch thành công, là tín hiệu tích cực của Khoa và Nhà trường mở ra những hướng đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Trong công tác giảng dạy, thầy là một giảng viên có kiến thức sâu rộng, nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết. Hàng năm, thực hiện kế hoạch thao giảng của nhà trường, thầy luôn yêu cầu công việc phải được tiến hành nghiêm túc, không hình thức. Ý tưởng về dự giờ chéo giữa các bộ môn thầy đưa ra lúc đầu gặp phải những băn khoăn liệu khác chuyên môn đi nghe có hiểu gì không để góp ý. Thế nhưng suốt gần 4 năm nay, kết quả mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Mọi người có thể học hỏi phương pháp giảng dạy của nhau, những mảng kiến thức xã hội chung được chia sẻ; các giảng viên có sự tiến bộ cả về kiến thức và kinh nghiệm giảng dạy qua các năm. Điều thú vị là các bộ môn có sự gần gũi, gắn bó với nhau hơn rất nhiều qua mỗi đợt thao giảng - một điều đáng mừng không có sự tính trước. Đợt tổng kết tháng 10/2016, thầy nói vui hay mình bỏ dự giờ chéo nhỉ, thì mọi người lại đồng loạt phản đối. Thầy dự hầu hết giờ thao giảng của cán bộ trong khoa nếu không có việc bận và bao giờ cũng là người góp ý nhiều nhất. Cách nhìn của một người đi trước, từng trải như thầy luôn mang lại nhiều điều hữu ích cho đội trẻ chúng tôi. Ngoài những góp ý đào sâu về mặt kiến thức thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy luôn được thầy đặc biệt nhấn mạnh. Thầy gợi ý cách xây dựng một tiết giảng để sinh viên có thể tham gia vào bài học một cách chủ động và sáng tạo hơn; cách đơn giản hóa một khái niệm trừu tượng, cách đặt câu hỏi để khơi gợi sự tư duy của người học; sự tiết chế giữa những khái niệm hàn lâm với những trực quan sinh động và ranh giới của việc chuyển đổi đó - tránh đi những bài học tầm phào và sinh viên lại thấy dễ hiểu cả những khái niệm cao siêu. Tôi thực sự bị thu hút bởi những điều thầy nói và nó thực sự hữu ích trong việc xây dựng bài giảng môn học của mình. Gần đây, vô tình tôi đọc được một bài báo viết về sự đổi mới nền giáo dục ở Bồ Đào Nha có rất nhiều nội dung thầy đã chia sẻ với chúng tôi từ rất lâu rồi.

Là một người sống tình cảm nhưng thầy hết sức nghiêm túc và đòi hỏi cao trong công việc, và cũng có nhiều những áp lực buộc mọi người phải cố gắng để hoàn thành. Chúng tôi cứ nói vui, thầy có rất nhiều ý tưởng hay nhưng thực hiện được thì phải rất nhiều công sức; không làm thì thôi chứ làm phải ra làm; tham gia giải gì cũng thế, cứ cố gắng hết sức được thì quý không được thì thôi, nhưng cố gắng để dành giải cao nhất có thể. Có lần làm sai được thầy gọi lên, khi quay lại khoa, cô bạn trực văn phòng bảo, nhìn cái mặt chắc mới bị thầy mắng. Tôi bảo khi nào hết năm phút bảo tôi, cô bạn hỏi để làm gì, tôi nói để quên ngay là mình bị mắng còn tập trung mà làm việc không “level mắng” sẽ cao hơn, rồi hai đứa phá lên cười. Nhiều lúc thấy căng thẳng và mệt mỏi, nhưng sau đó dường như mọi thứ trở nên trôi trảy và có nề nếp hơn. Từ sâu thẳm trong tôi nghĩ rằng, khi còn trẻ khó tránh khỏi những bốc đồng và khờ dại; thường nuông chiều bản thân và không thích những quy tắc ràng buộc. Nhưng nếu cứ như thế sẽ chẳng khác gì chú ngựa hoang, mạnh mẽ đó nhưng giữa đại ngàn vẫn thấy mình nhỏ bé và hoang hoải. Sự nghiêm khắc của thầy là sự uốn nắn cần thiết để chúng tôi biết mình đang ở đâu, mình là ai và cần phải làm gì.

Chương trình Chào tân sinh viên khoa KHCB 10/2016

Năm 2016, khi cô nhà thầy được phong hàm giáo sư - một niềm vui và vinh dự quá lớn đối với thầy cô và nhà trường. Trong một bài báo viết về cô, tôi nhớ cô có tâm sự: “Hồi đó, đồng lương còn ít ỏi nhưng cưới xong, chồng lo cho mình đi học, chăm lo, nuôi dạy hai con để mình được toàn tâm học và nghiên cứu. Từ Hà Nội về Thái Nguyên chỉ hơn 80km nhưng nhiều đợt học, 3 tháng mình mới về thăm nhà 1 lần”. Học xong thạc sỹ, thầy lại động viên cô đi học tiến sỹ và năm 2005 cô là người trẻ nhất được phong hàm PGS. Lời bộc bạch giản dị của cô mà chất chứa vô vàn sự yêu thương, trân trọng đối với thầy trong đó: “Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ đã có gia đình, là một thử thách gian lao. Bởi ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Nếu không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của người chồng thì tôi khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học”. Người ta thường nói, đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng hình người phụ nữ, nhưng thầy cũng là bóng hình của cô. Tình cảm sâu sắc của thầy cô, cho đến giờ tôi vẫn không thôi kính trọng và ngưỡng mộ. Càng ngưỡng mộ cô bao nhiêu, tôi càng kính trọng thầy bấy nhiêu. Trong bộn bề cuộc sống này, có những sự hy sinh tự nguyện, lặng thầm và hạnh phúc. Chế độ Phong kiến đã lùi xa trên phương diện lịch sử, xã hội hiện đại ưu ái hơn cho người phụ nữ Việt Nam, nhưng cũng không có nhiều những người đàn ông hết lòng cho “sự nghiệp giải phóng phụ nữ” (trích lời bà Đinh Thu Cúc, phu nhân GS Hà Huy Khoái (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) như thầy. Tôi thấy có thể kể về “sếp” của mình rất nhiều và tự hào nói, đấy thầy của tôi là người tuyệt vời như thế đó!

Hôm rồi, khi vào kho ảnh của khoa, tìm những bức ảnh để xâu chuỗi các sự kiện suốt 9 năm qua, chuẩn bị cho một vài sự kiện cuối năm, tôi giật mình vì những đổi thay qua từng khuôn hình ấy. Thời gian giống như được điều khiển bởi một bàn tay vô hình nhưng lại phủ lên tạo vật và con người những dấu vết mà nó chảy trôi qua. Mỗi năm một tuổi, anh chị em trong khoa ngày một chững chạc hơn, những lo toan của đời người vương vất trên từng khuôn mặt. Đặc biệt, tôi giật mình với mái tóc thầy đã điểm bạc nhiều hơn; ánh mắt cũng đượm nhiều hơn những ưu tư. Có những điều thật lạ, khi hàng ngày gặp nhau ta không nhận ra sự đổi khác của mọi người, nhưng khi ngắm nhìn lại những khoảnh khắc trong khung ảnh ấy mới thấy chúng giống như những lớp cắt của thời gian. Gần 10 năm rồi, có lúc nào thầy đã thôi trăn trở về sự phát triển của khoa và đội ngũ cán bộ giảng viên đâu; lúc nào cũng sốt sắng với những công việc dù là nhỏ. Các đồng nghiệp và nhiều sinh viên chuyên ngành lẫn không chuyên ngành khi được hỏi về thầy, họ đều nói thầy là người sống rất tình cảm, dễ gần và giản dị. Trong những sự bộc bạch ấy, tôi không thấy có sự màu mè hay giả tạo; chợt nghĩ rằng, trong cuộc đời này đáng trân quý hơn cả không phải là tình người đó sao? Những điều tốt đẹp thực sự trong một con người như một thứ ánh sáng tự nhiên không cần cố tô vẽ cũng không thể che lấp. Với chúng tôi, thầy thực sự là một tấm gương nhà giáo tiêu biểu để chúng tôi học hỏi và noi theo.

 

Trịnh Thị Nghĩa - Khoa KHCB