- Trang chủ
- Giới thiệu
- Cơ cấu tổ chức
- Đào tạo
- Hoạt động KHCN & HTQT
- Học sinh - Sinh viên
- Đoàn TN - Hội SV
- 3 Công khai
- Liên hệ
Với hai chủ đề "Từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp nhẹ" và "Bảo tồn, phát huy đồ dệt, thêu trong Bảo tàng”, Hội thảo đã đi sâu vào những vấn đề mang tính chất định hướng chiến lược trong việc phát triển nghề dệt truyền thống. Nhận thức rằng, Hội thảo không chỉ là dịp để bạn bè biết đến nghề dệt của các dân tộc trên đất nước ta mà còn là cơ hội quảng bá văn hóa Việt nam, Ban tổ chức đã có ý tưởng làm sống dậy một không gian văn hóa đa sắc diện ngay tại khuôn viên Bảo tàng. Sinh viên và giáo viên trường Đại học Khoa học là lực lượng chính tạo nên không gian văn hóa ấy với ba hoạt động bổ trợ là trình diễn dệt, trải nghiệm văn hóa và triển lãm -giáo dục. 299 sinh viên đã hóa thân thành 299 chàng trai, cô gái Việt, H’Mông, Tày, Nùng, Thái, Ê-đê, Hoa, Chăm, Khơme – là đại diện tiêu biểu cho các dân tộc thiểu số Việt Nam. Một không khí dân gian đậm đà đã mở ra, không chỉ bằng trang phục và các món ăn truyền thống mà còn bằng các điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian thấm đẫm phong vị dân tộc. Anh Kha-xin, một đại biểu đến từ Thái Lan cho biết: “Tôi thực sự choáng ngợp! Chỉ trong vài bước chân mà tất cả các nét văn hóa Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược đều hiện ra sinh động. Thật là một Hội chợ văn hóa”. Anh Taylor, khách tham quan người Mĩ bày tỏ: “Tôi thích nhất trò Bắt trạch trong chum của các bạn. Tôi chưa từng thấy trò chơi nào độc đáo, lạ lẫm và quyến rũ đến thế!”. Các em bé 3, 4 tuổi được bố mẹ cho đến tham quan tung tăng chạy khắp nơi, một cụ già người Bắc Giang vừa leo lên không gian “Phiên chợ vùng cao” vừa hồ hởi khoe: “Thích lắm, thật không bõ công tôi đi hàng trăm cây số đến đây”. Các nhiếp ảnh gia thì nháy máy liên tục bởi những cô gái dân tộc quá đẹp…
Nhưng có lẽ người thỏa mãn nhất không phải là du khách mà chính là các nghệ nhân đeo băng tình nguyện của trường Đại học Khoa học. Để hoàn thành nhiệm vụ trong 2 ngày Hội thảo, các em phải chuẩn bị từ trước đó một tháng. Nhóm se lanh dệt sợi, nhóm sạp, nhóm xòe, nhóm rượu ngô thắng cố, nhóm cầu khỉ cơm niêu…, mỗi nhóm 2 cô phụ trách tập luyện suốt ngày đêm. Chưa bao giờ, chúng tôi thấy các em đua nhau đăng kí tham gia và làm việc hăng say đến thế. Có lẽ bởi, đây là lần đầu tiên trong đời, các em được là đại diện cho dân tộc mình, trường mình, cho tỉnh Thái Nguyên và còn cho cả đất nước Việt Nam nữa. Ý thức dân tộc sống dậy từ trong những việc làm bình dị như thế. Cũng chính vì thế mà một ngày làm tình nguyện cho Hội thảo bắt đầu từ lúc 6h30 sáng và kết thúc lúc 22h00’ đêm nhưng không em nào tỏ ra mệt mỏi. Tham gia vào hoạt động này chính là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế những kiến thức đã được học trên giảng đường, nhất là với sinh viên các ngành: Văn học, Việt Nam học, Du lịch hay Báo chí… Em Nguyễn Thị Thùy Linh, lớp cử nhân Việt Nam học K8 cho biết: “Thật vui vì sau này sự nghiệp của em gắn chặt với các hoạt động như thế. Em đã bắt đầu cảm nhận được tình yêu nghề”. Các bạn người dân tộc thiểu số còn tự hào hơn khi được mặc chính những bộ quần áo của dân tộc mình, chơi những trò chơi dân gian quá quen thuộc từ ngày thơ ấu. Em Ma Anh Khu chia sẻ: “E rất tự hào khi trò “lảy cỏ” của người Nùng chúng em được rất đông du khách thích thú. Em cảm động khi văn hóa dân tộc mình được trân trọng”.
Lên facebook của sinh viên Đại học Khoa học trước Hội thảo dệt nửa tháng, thấy sinh viên rộn rã bàn nhau về kế hoạch tập luyện, về cả những giận dỗi vu vơ: “bạn được tham gia, tớ đăng kí mà không đủ suất”. Và khi tôi viết bài này đã là đầu tháng tư, sau Hội thảo gần nửa tháng, vẫn thấy trên facebook, học trò nô nức tải ảnh, kể chuyện líu lo về dệt về may. Chẳng gì nói về hiệu ứng của hoạt động này rõ hơn điều đó…