Lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp - Dấu ấn cho một chặng đường học tập

12-07-2017 01:23 Xem: 771 lần
Lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp - Dấu ấn cho một chặng đường học tập_thumbnail

Trong đời người, có rất nhiều thời điểm quan trọng đánh dấu một sự thay đổi lớn, một sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Với rất nhiều bạn sinh viên, lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp là một mốc quan trọng đánh dấu cho sự kết thúc một chặng đường dài học tập vất vả, thể hiện sự thay đổi cả về chất và lượng để mỗi người có thể tự tin trên những chặng đường tiếp theo. Mỗi lần dự bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của các em sinh viên lại làm tôi bồi hồi khi nhìn hình ảnh các em hiện tại là bản thân mình một thời đã qua. Năm học 2016-2017, sau 5 năm đi học Tiến sĩ ở CHLB Đức, tôi trở lại công tác, tiếp tục hướng dẫn và dự lễ bảo vệ khóa luận của các bạn sinh viên Khoa Khoa học Môi trường và Trái đất. Mỗi giai đoạn, mỗi năm học, con người khác nhau, đề tài khóa luận khác nhau, địa điểm và không gian khác nhau, nhưng tinh thần và ý nghĩa của buổi lễ bảo vệ thì gần như không thay đổi.

Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp và các em sinh viên thực hiện của ngành Khoa học môi trường

Sự trang trọng của buổi lễ được thể hiện từ khâu chuẩn bị, trang phục đến thái độ của những người tham gia. Các bạn sinh viên, những nhân vật chính của buổi lễ, dường như trưởng thành hơn, đẹp hơn những ngày đi học bình thường. Các bạn nam lịch lãm, đàn ông hơn với áo sơ mi trắng và cà vạt. Các bạn nữ thì duyên dáng trong tà áo dài, ai cũng trang điểm cho mình một chút để xinh đẹp hơn, mặc dù tất cả đều hồi hộp và lo lắng cho bài trình bày của mình trước hội đồng. Các thầy cô giáo cũng thể hiện sự tôn trọng sinh viên và tôn trọng buổi lễ với trang phục áo dài truyền thống.

Những sinh viên thực hiện khóa luận tốt nghiệp là những sih viên có kết quả học tập xuất sắc sau sáu học kỳ đầu tiên. Việc thực hiện các đề tài tốt nghiệp là cơ hội cho các em được trải nghiệm những nghiên cứu thực sự từ nghiên cứu lý luận của vấn đề đến những kinh nghiệm học tập được trong phân tích phòng thí nghiệm, thực tế để điều tra, nghiên cứu và thu thập số liệu. Các em học được cách giải quyết một vấn đề khoa học cũng như cách viết báo cáo khoa học. Đây là những lợi thế của sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp so với các bạn khác.

Ngoài việc trình bày các kết quả nghiên cứu và học tập thực tế của mình sau hơn 9 tháng thực hiện đề tài, các em còn chia sẻ những câu chuyện, những khó khăn trong quá trình thực hiện khóa luận như địa điểm nghiên cứu xa, nhiều nơi là các vùng miền núi, điều kiện sinh hoạt, đi lại còn khó khăn. Có những em phải ở lại một thời gian dài tại khu vực nghiên cứu để tiến hành điều tra và thu thập số liệu. Có em phải đi lại giữa các bản miền núi vào buổi tối để thực hiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Cá nhân tôi cũng như các thầy cô khác trong hội đồng không khỏi xúc động trước những giọt nước mắt chia sẻ của cô sinh viên có vóc dáng nhỏ bé Tẩn Lưu Mẩy (ngành Quản lý tài nguyên khóa 11) khi kể về những khó khăn về kinh tế, đi lại và trong tiếp cận cộng đồng khi em lựa chọn bản Sìn Thàng, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu làm địa điểm nghiên cứu. Những bế tắc trong quá trình nghiên cứu đôi khi cũng làm các bạn nản lòng. Được sự động viên và hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo cũng như sự động viên của gia đình, tất cả các em đã vượt qua được những khó khăn để hoàn thành tốt nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, sự trải nghiệm thực tế cũng giúp các em cũng mở rộng được nhiều mối quan hệ, có được những kinh nghiệm sống, tiếp xúc và làm quen với một môi trường mới, với những người dân hiền lành chất phác, hiểu hơn các nét văn hóa ở nơi mình nghiên cứu, được cùng bạn bè có những trải nghiệm và nhiều kỷ niệm khó quên trong thời sinh viên. Sinh viên Lù Lé Mư (sinh viên ngành Khoa học môi trường), người dân tộc Hà nhì, lại gây ấn tượng đối với thầy cô và các bạn khi em tự hào mặc bộ trang phục truyền thống của người Hà Nhì để trình bày về tri thức bản địa của dân tộc mình trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng.

Hôm nay, nhà trường tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho các em sinh viên khóa 11. Sau khi nhận bằng, các em sẽ đi về các địa phương ở khắp cả nước để lập nghiệp, để khởi đầu một chặng đường mới của mình. Những khó khăn, những kiến thức và kỹ năng tích lũy được trong thời gian trên giảng đường đại học sẽ là động lực và là cơ sở để cho các em có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách, vững vàng hơn và thành công trong tương lai.

Nguyễn Thị Phương Mai